Đôi điều về báo chí cách mạng trong cơ chế thị trường

Thứ Năm, 21/06/2018, 16:57
Báo chí phải phát huy được truyền thống tốt đẹp của mình, mới có uy tín, có bạn đọc, có vị thế xã hội, có được sự tin cậy của nhân dân, của doanh nghiệp, doanh nhân và như thế cũng có nghĩa là có được nhiều người tìm đọc, có được nguồn thu chính đáng để góp phần cải thiện đời sống của người làm báo và góp phần vào sự phát triển của báo chí...

Giữa những năm 80 thế kỷ hai mươi trở về trước, báo chí cách mạng Việt Nam chủ yếu sống trong cơ chế bao cấp. Từ trụ sở, phương tiện làm việc đến lương bổng, in ấn, phát hành, xuất bản … đều do nhà nước bao cấp. Suốt một thời gian dài, dù sống trong hòa bình, thống nhất, báo chí nước ta, nhất là đời sống của những người làm báo  vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới về kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển đã tạo nhiều thuận lợi cho đất nước ta thay da, đổi thịt, báo chí cũng phát triển với nhiều khởi sắc.

Suốt 10 năm, từ 1975 đến 1985, tôi làm phóng viên viết về kinh tế, rồi trưởng, phó ban kinh tế báo Tiền Phong đã tận thấy nhiều điều làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Giám đốc một số nhà máy mà tôi quen biết thường hỏi tôi vì sao báo chí lại hay đả kích các giám đốc, coi họ như những kẻ “ăn trên ngồi trốc”, từ tranh biếm họa đến thơ đả kích đều nhắm vào họ. Quả thực lúc đó tôi không biết trả lời ra sao!

Rồi thời kỳ phát triển kinh tế, kinh tế thị trường bùng phát, lại có một thực tế gần như ngược lại. Nhiều bài báo biểu dương, ca ngợi một chiều các giám đốc, các ông chủ, các tập đoàn, hết hội thảo này đến giải thưởng nọ, danh hiệu kia, mà nhiều khi không quan tâm đến hiệu quả kinh doanh sản xuất.

Phóng viên báo chí tác nghiệp.

Từ bao cấp, báo chí cách mạng ở ta đã chuyển sang hạch toán kinh doanh  nhiều tờ báo thành lập công ty cổ phần, nhiều tờ báo có số lượng phát hành lớn, có nhiều quảng cáo, có lãi, đã xây dựng được trụ sở làm việc đàng hoàng, cải thiện phương tiện làm việc, cải thiện đời sống cho cán bộ, phóng viên, nhiều tờ báo còn đóng thuế cho nhà nước với số tiền không nhỏ …Đó là một thực tế, một thực tế đáng mừng trong sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng ở nước ta.

Khái niệm báo chí làm kinh tế và báo chí với sự nghiệp phát triển kinh tế sẽ được hiểu như thế nào ?

Báo chí cách mạng ở ta là báo của các tổ chức chính trị, xã hội, là báo chí nhà nước. Báo chí là công cụ tuyên truyền cách mạng, là diễn đàn của nhân dân như ta vẫn thường nói. Nhưng, mặt khác, báo chí cũng là một dạng hàng hóa, hàng hóa đặc biệt. Đã là hàng hóa tất nhiên phải tuân thủ quy luật hàng hóa, có bán, có mua, có sự lưu thông trên thị trường. 

Bởi vậy, quy luật thị trường sẽ chi phối những người làm báo. Cái khó nhất là làm sao vừa tuyên truyền được chính sách, chủ trương của Đảng, nhà nước vừa đáp ứng được những nhu cầu chính đáng, những đòi hỏi muôn mầu, muôn vẻ của người dân, của bạn đọc, của những người mua báo.

Nói là kinh tế báo chí ở ta hiện nay chủ yếu trên hai nguồn thu: Thu từ bán báo và thu từ quảng cáo. Ngoài ra, một số tờ báo còn có nguồn thu từ các công ty cổ phần (kinh doanh nhà sách, in ấn, nhà cho thuê …từ hoạt động của các công ty).

Những tờ báo có nguồn thu chủ yếu từ bán báo, nẩy sinh một xu hướng mà ta thường nói là thương mại hóa. Cụm từ “Thương mại hóa báo chí” đã được nhắc nhở, nói tới nhiều lần, nhiều năm nay, nhưng ta cũng cần hiểu rõ thế nào là thương mại hóa? có phải đó là những tờ báo chỉ có một mục đích duy nhất là kiếm tiền, không hơn không kém?! Có phải đó là những tờ báo chỉ đăng toàn bài “ Giật gân, câu khách? những tờ báo mà nhiều người gọi là báo "lá cải” ?

Theo tôi , chúng ta không nên đánh đồng những tờ báo có nhiều độc giả, bán chạy với sự quy kết là “thương mại hóa”. Không phải báo viết về vụ án, về các sụ kiện gật gân là “giật gân, câu khách", là “thương mại hóa”! Vấn đề là viết như thế nào? ở mức độ nào? viết để làm gì? Nếu đó là những bài viết vừa thu hút được bạn đọc, vừa có tính giáo dục và tự giáo dục cao, những bài viết có phân tích, lý giải, cảnh tỉnh con người thì phải chăng có nhiều tác dụng hơn là những bài viết một chiều, nhạt nhẽo, vô thưởng, vô phạt trên những tờ báo rất ít người đọc, chỉ để cho mà cho người ta cũng không đọc.

Về những tờ báo có nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo cũng có sự biểu hiện khác nhau. Xu hướng lành mạnh ở những tờ báo có uy tín, có nhiều bạn đọc, có vị thế trong xã hội thì quảng cáo họ có được là minh bạch, là do các doanh nghiệp cần quảng cáo trên các tờ báo đó. Theo tôi, đó là xu hướng lành mạnh nhất, vững chắc nhất, đúng hướng nhất, phù hợp với xu thế của báo chí thế giới hiện đại.

Còn có nhà báo, tờ báo nào đi “xin” quảng cáo ? hoặc viết bài ca ngợi một chiều để lấy quảng cáo? thậm chí có thể gián tiếp “đe dọa”  người ta để lấy quảng cáo? thì đó là hiện tượng thiếu lành mạnh , thiếu vững chắc, thiếu sự lâu bền, không sớm thì muộn cũng sẽ gặp sự cố .

Từ khi báo mạng ra đời và phát triển, cùng với sự phát triển của hệ thống truyền hình,  có một sự lo ngại của báo giấy, điều đó cũng là tất nhiên. Nhiều nước trên thế giới hiện nay báo gấy bị thu hẹp, hoặc bán dưới giá thành, hoặc in rồi phát không ( Họ lấy nguồn thu từ quảng cáo ) .

Như vậy ta thấy rất rõ, kinh tế báo chí gắn liền với nền kinh tế nước nhà, gắn liền với nền sản xuất, gắn liền với các tập đoàn, tổng công ty, gắn liền với các doanh nhân, gắn liền với đọc giả …

Chất lượng của báo chí suy cho cùng là chất lượng thông tin. Thông tin nhanh nhạy, kịp thời, trung thực, khách quan, mới mẻ, bổ ích, nhiều chiều. Thông tin có phân tích, lý giải, dự báo, cảnh báo, hồi báo. Thông tin trong nước và thế giới, xưa và nay. Thông tin cho bạn đọc những thứ mà bạn đọc cần chứ không phải chỉ thông tin những thứ mà nhà báo có, tờ báo có.

Trò chuyện với một số doanh nhân, tôi hiểu rằng quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, doanh nhân là quan hệ hai chiều. Phải làm sao để cả hai cùng có lợi, cùng phát triển. Doanh nghiệp, doanh nhân cần gì ở báo chí? Báo chí cần gì ở doanh nghiệp, doanh nhân? Câu trả lời tưởng đơn giản , ai cũng biết nhưng thực ra không đơn giản chút nào !

“Chúng tôi rất cần báo chỉ động viên, chia sẻ, cảm thông. Nhưng cần hơn là thông tin từ báo chí. Thông tin về thị trường, về người mua, người bán, về giá cả hàng ngày, về những dự báo trong nước và thế giới, về các chính sách mới. Không phải chỉ là những thông tin về kinh tế, mà cả những thông tin về văn hóa, chính trị, xã hội cũng rất cần. Mọi sự biến động về chính trị, xã hội đều ảnh hưởng không nhiều thì ít đến người bán, người mua, người sản xuất. Như thị trường vàng, lĩnh vực kinh doanh của chúng tôi chẳng hạn, mọi sự biến động trên thế giới hay trong nước đều có tác động đến người mua, đến giá cả nếu báo chí có được những thông tín dự báo, cảnh báo để chúng tôi biết trước mà điều chỉnh thì tốt biết bao chúng tôi rất cần báo chí nói thẳng, nói thật, cần nững thông tin đa chiều, đa dạng trên báo chí” – doanh nhân Vũ Minh Châu, ông chủ của thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu nổi tiếng tâm sự như vậy.

Doanh nhân Trần Đình Chín, đại diện tập đoàn “Quản trị Trần” ở Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Trí Nguyên, đang đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ vào vùng biển miền Trung, nói rằng, hiện nay luật đầu tư Việt Nam đã thông thoáng, ở cấp tỉnh, thành cũng tương đối thông thoáng, nhưng, thủ tực hành chính ở các cấp cụ thể, trực tiếp dưới địa phương có nhiều vướng mắc, một cửa nhưng có rất nhiều khóa.

Mở được một khóa đã khó, mất nhiều thời gian công sức, mở xong khóa này, lại thấy khóa khác hiện ra trước mắt …Chúng tôi mong báo chí tiếp tục đấu tranh, góp phần tháo gỡ các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, thời gian là tiền bạc! Tôi nghĩ rằng, báo chí là người phản biện xã hội có hiệu lực nhất. Chúng tôi cần báo chí nhiều thứ, nhưng cấp thiết nhất với các nhà đầu tư chính là báo chí góp phần tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính hiện nay, cần lắm !

Doanh nhân Vũ Văn Tiền, ông chủ của tập đoàn GELEXIMCO, khảng định báo chí là kênh thông tin quan trọng nhất. Doanh nghiệp, doanh nhân rất cần những thông tin nhiều chiều, sâu sắc, chuyên nghiệp. Báo chí cũng cần hiểu hơn về doanh nghiệp, về những khó khăn, thuận lợi cả những rào cản hiện nay để chung tay tháo gỡ.

Làm báo thời nào cũng khó, thời kinh tế thị trường bùng phát lại càng khó hơn, nhà báo hơn ai hết phải biết điều gì cần nói, nói đến đâu, nói như thế nào, vào thời điểm nào trên báo và điều quan trọng hơn cả ở những người làm báo hiện nay là lương tâm, trách nghiệm trước độc giả, trước những điều mà ta viết, ta đưa lên báo chí. 

Có như vậy, báo chí cách mạng mới phát huy được truyền thống tốt đẹp của mình, mới có uy tín, có bạn đọc, có vị thế xã hội, có được sự tin cậy của nhân dân, của doanh nghiệp, doanh nhân và như thế cũng có nghĩa là có được nhiều người tìm đọc, có được nguồn thu lớn, chính đáng để góp phần cải thiện đời sống của người làm báo, tôi thiển nghĩ vậy.

Dương Nam Anh
.
.
.