Đằng sau nỗi đau tang thương

Thứ Hai, 08/05/2017, 19:47
“Trong thị trấn, chạy ngược chiều lại di chuyển với tốc độ 105km/h, không gây tai nạn mới lạ!”. Sáng, cầm tờ báo trên tay, đọc thông tin về vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra khuya ngày hôm trước, nhiều người cùng nhận định như thế.

Trong số những nạn nhân xấu số, có nạn nhân bị văng vào tận hiên nhà dân, nhiều nạn nhân bị kẹt trong đống hỗn độn, gào thét rồi lịm đi… Một người dân đã kịp lấy xe tải của mình đưa một số nạn nhân bị thương đến bệnh viện. Nhiều người khác cũng đã tham gia cứu nạn trước khi lực lượng chức năng tới,… Nếu không, con số nạn nhân tử vong còn lớn hơn nhiều. Càng đọc mà càng đau nhói…

Vụ tai nạn đã làm thị trấn nhỏ Chư Sê thức giấc sớm hơn mọi khi. Cả thị trấn nhỏ bàng hoàng, tang thương ngay từ lúc tờ mờ sáng. Phải thêm nhiều ngày nữa, nỗi đau này mới dần nguôi ngoai bởi đây là vụ tai nạn nạn thảm khốc nhất, có nhiều người thiệt mạng nhất của phố núi này từ trước tới giờ.

Giờ chẳng ai nghĩ tai nạn lại xảy ra tại đoạn đường rộng thênh thang như thế. Sáng sớm 7-5, thoạt nghe thông tin ban đầu, chưa thấy hình ảnh hiện trường, nhiều người đoán già, đoán non, vội trách tài xế “chắc do ngủ gục”. Chẳng ngờ, vài phút sau thì biết do xe tải chạy ngược chiều, lại “lao” với tốc độ khủng, đâm trực diện vào xe khách. Trước đó, khi thấy xe tải này vượt trạm thu phí với tốc độ khủng, các nhân viên ca trạm sửng sờ và linh cảm về điều tệ hại xảy ra. Và linh cảm đó đã đúng.

Đã có hàng ngàn vụ TNGT để lại hậu quả thảm khốc do nguyên nhân lái xe đi sai làn đường và quá tốc độ cho phép. Chẳng hậu quả nào giống hậu quả nào. Có điểm giống nhau ai cũng thấy rằng đó là một người ngã xuống mặt đường đã là đau lắm rồi, xã hội quặn lòng.

Tai nạn giao thông là nỗi đau thảm khốc của mỗi gia đình khi ập đến. 

Năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ TNGT, làm chết 8.685 người và bị thương 19.280 người. Bốn tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 6.366 vụ TNGT, thêm 2.786 người chết và 5.119 người bị thương. 

Làm phép tính cộng, chỉ một năm 4 tháng, thêm số người chết trong mấy ngày từ dịp nghỉ lễ vừa rồi cho tới vụ tai nạn thảm khốc này, con số người chết vượt qua 11.500 người, đông hơn dân số của một xã… Trung bình một ngày trôi qua, có 27 người ra đường rồi không kịp nói lời tiễn biệt người thân. Hậu quả và nỗi đau ấy, ai đo đếm được?.

Thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều DN vận tải đã cho lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, nếu như phía DN có bố trí, cắt cử nhân viên theo dõi hoạt động của tài xế 24/24 giờ để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn vi phạm theo đúng tinh thần của nghị định này thì có thể ít hoặc không xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc như thế.

Từ trước khi vượt trạm thu phí cách nơi gây ra tai nạn trên 30km, đã có sự can thiệp nào từ chủ xe tải đối với tài xế? Tài xế không bị ngáo đá (kết quả test lần đầu), vậy thì có rượu, hay vì một lý do gì khác? Câu hỏi này vẫn phải chờ kết quả điều tra bởi tài xế xe tải vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch.

DN làm ăn chân chính, không ai muốn phương tiện mình gây ra sự tang thương. Tuy nhiên, có thể do chưa nhận thức được hiệu quả của việc lắp đặc thiết bị giám sát hành trình nên không ít DN hoặc cho lắp đặt mang tính đối phó với cơ quan chức năng hoặc lắp đặt xong thì buông lỏng việc giám sát sau khi phương tiện mình lăn bánh; mọi chuyện cứ mặc cho tài xế.

Điều này càng nguy hiểm hơn khi phía cơ quan quản lý nhà nước về luôn hay quen nại ra lý do rằng lực lượng mỏng, không đủ người để giám sát tức thời để nếu phát hiện phương tiện có hành vi nguy cơ cao dẫn đến TNGT sẽ kịp thời phát tín hiệu “khẩn”, phối hợp ngăn chặn trước khi hậu quả có thể xảy ra. 

Và chính thực tế này nên lâu nay, người ta chỉ trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình khi mọi chuyện đã rồi - tai nạn đi kèm hậu quả đã xảy ra; hoặc phổ biến hơn là phục vụ cho việc “phạt ngụi”. Việc giám sát và cảnh báo các “hung thần” trên đường gần như mặc nhiên trở thành việc của phía DN vận tải...

Việc chấp hành nghiêm pháp luật giao thông phụ thuộc phần nhiều vào ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông. Tang tóc chắc chắn chưa dừng lại nếu đâu đó trong quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe, và sự an toàn của người này lại tùy thuộc rất nhiều vào ý thức chủ quan của người khác (lái xe cẩu thả) như thế!.

Thái Bình
.
.
.