Diện mạo mới cho một Đà Nẵng vươn lên sau đại dịch

Thứ Sáu, 25/09/2020, 20:22
Chương trình “5 Không”, “3 Có” và “4 An” đã góp phần từng bước thay da đổi thịt TP Đà Nẵng, tạo ra một diện mạo mới cho thành phố năng động, thân thiện, an bình, thương hiệu mà bạn bè, du khách trong nước và quốc tế biết đến.

Ngày 25/9, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện các chương trình “5 Không”, “3 Có”, “4 An” gắn với thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU về văn hóa, văn minh đô thị. 

TP Đà Nẵng năng động, thân thiện, an bình là thương hiệu mà bạn bè, du khách trong nước và quốc tế biết đến. 

Từ năm 2000-2020, cùng với công tác phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh - trật tự, giữ vững an ninh - quốc phòng, TP Đà Nẵng đã đề ra nhiều chương trình an sinh xã hội góp phần tạo nên thương hiệu thành phố đáng sống. Chương trình “5 không” được thực hiện từ năm 2000, chỉ sau 2 năm, thành phố đã xóa hết 850 hộ đói, giúp 6.000 hộ thoát nghèo.

Năm 2009, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành xóa mù chữ; xử lý, phân loại 4.409 trường hợp lang thang xin ăn giải quyết về gia đình, địa phương, hướng dẫn giúp đỡ 3.235 trường hợp chuyển đổi ngành nghề. Từ năm 2000-2020, Đà Nẵng đã lập hồ sơ, xử lý 23.484 trường hợp đưa đi cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại cộng đồng. Trong suốt thời gian qua, thành phố không xảy ra án giết người để cướp của.

Đà Nẵng thực hiện mục tiêu kép vực dây phát triển kinh tế, du lịch gắn với điểm đến an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chương trình “3 có” với mục tiêu có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị đạt kết quả tốt. Bằng nhiều nguồn lực, thành phố đã xây dựng 10.836 căn hộ, nhà liền kề, ký túc xá, nhờ vậy người dân, sinh viên, viên chức... có nhu cầu về nhà ở đã được đáp ứng. 

Lực lượng Công an TP Đà Nẵng luôn tuyến đầu thành phố 5 không, đảm bảo ANTT, ATGT và chốt chặn mục tiêu phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chương trình “Thành phố 4 An” (thực hiện từ năm 2016-2020) với 4 mục tiêu “An ninh trật tự-An toàn giao thông-An toàn vệ sinh thực phẩm-An sinh xã hội” là sự kế thừa có chọn lọc, tổng hợp và phát triển các chương trình “Thành phố 5 không và 3 có”, đồng thời, bổ sung một số nội dung mới nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu mới phù hợp với điều kiện xã hội, thực tiễn phát triển của Thành phố trong giai đoạn này.  

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, trong thời gian đến, TP Đà Nẵng tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phải tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVI-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. “Trong đó, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch rất khó khăn, sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan như gia tăng tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo; phát sinh các tệ nạn xã hội... Thêm vào đó, nhu cầu việc làm sẽ gay gắt hơn dưới tác động của quá trình chuyển đổi nền kinh tế số...”, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng lo ngại.  

Để giải quyết các vấn đề xã hội, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì các mục tiêu, chương trình hiện có, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung, mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, về Chương trình 5 Không, “không có học sinh bỏ học” bổ sung thêm nội dung mục tiêu “không có học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường, bị đuối nước”; Không có giết người để cướp của bổ sung thêm nội dung mục tiêu ”không có băng nhóm tội phạm bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê”; Về Chương trình 3 Có, giữ nguyên Có việc làm, Có nhà ở, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Về chương trình 4 An, “An sinh xã hội” bổ sung thêm nội dung mục tiêu” Không xảy ra điểm nóng về môi trường”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 03/9/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, với các giải pháp đồng bộ, căn cơ; chủ động thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh; đặc biệt là thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp sau dịch bệnh. Quan điểm, chủ trương nhất quán của Thành phố là phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển và mọi người dân Thành phố đều có quyền được hưởng cuộc sống tốt nhất.

 Đà Nẵng trải qua dịch bệnh COVID-19 đã vươn mình thực hiện mục tiêu kép vừa vực dậy phát triển kinh tế vừa tạo điểm đến an toàn phòng chống dịch bệnh COVID.

Đây là những vấn đề khó khăn, phức tạp và thực hiện lâu dài, do đó, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân Thành phố cùng thống nhất ý chí và hành động, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương xây dựng Thành phố “5 Không”, “3 Có”, “4 An” và xây dựng văn hóa, văn minh đô thị với các mục tiêu, nội dung cao hơn, phù hợp hơn với tình hình phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới, qua đó, tạo cơ sở để Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, là Thành phố đáng sống theo định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Hoài Thu
.
.
.