Chủ tịch Quốc hội: “Đang xử lý rất mạnh tham nhũng”

Thứ Sáu, 04/10/2019, 15:52
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao ý kiến của cử tri rất khách quan khi nói rằng, chạy chức chạy quyền nếu có thì không nhiều. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa ra quy định phòng chống và xử lý nghiêm tất cả những trường hợp chạy chức chạy quyền. Ai chạy thì nói thẳng là không dùng. 

Ngày 4-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại Quốc hội TP Cần Thơ đã tiếp xúc với cử tri tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều.

Các cử tri nêu nhiều vấn đề lớn, nóng, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: tham nhũng, chạy chức chạy quyền, đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long, xâm hại tình dục… 

Các cử tri bày tỏ, vấn đề tham ô, tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm, giám sát, trong đó đưa ra xử lý nhiều vụ rất lớn. Cử tri đề nghị công bố thêm kết quả thu hồi được bao nhiêu tài sản từ những vụ tham ô, tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay vấn đề tham nhũng đang xử lý rất mạnh tay nhưng điều người dân quan tâm là tiền tham nhũng có thu hồi được không?. “Ổng đi tù rồi nhưng mà tiền tham nhũng thu hồi được không, thu hồi được bao nhiêu thì cần phải công khai cho người dân biết”, Chủ tịch Quối hội nói. 

Các vụ án kết thúc điều tra và đã xử xong thì đều công bố số tiền phải thu hồi. Vụ Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) bán 95% cổ phần, chúng ta đã thu hồi được gần 9.000 tỷ, cả gốc và lãi theo lãi suất ngân hàng. Sắp tới tòa xử, sẽ xác định là thu hồi được bao nhiêu số tiền tham nhũng trong vụ án này.  

“Vụ án này, nhà nước chưa mất tiền nhưng mất thì giờ, mất công sức quá, mất niềm tin của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói. Những vụ án tham nhũng, hàng năm các cơ quan thi hành án đều báo cáo Quốc hội đã thu hồi được bao nhiêu tài sản. 

Cử tri chia sẻ các ý kiến tâm huyết tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao ý kiến của cử tri rất khách quan khi nói rằng, chạy chức chạy quyền nếu có thì không nhiều. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa ra quy định phòng chống và xử lý nghiêm tất cả những trường hợp chạy chức chạy quyền.

Bất cứ trường hợp nào bị phát hiện là không dùng, ai đã chạy nói thẳng là không dùng. Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương phải nêu gương, cán bộ và nhân dân giám sát. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ phải chú ý những người có đức có tài và người có năng lực thực tiễn thật sự. Người có phẩm chất đạo đức, nhiệt tình, năng nổ nhưng không có kiến thức, nghiệp chuyên môn thì cũng không làm được việc. Do đó, chúng ta vừa phải có đức vừa phải có tài. Vừa có phẩm chất đạo đức vừa phải có năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện thì mới xây dựng quê hương đất nước được.

Các đại biểu, cử tri tại buổi tiếp xúc.

Giữa người có đức cao hơn tài và người có tài nhưng đức thấp hơn, theo Chủ tịch Quốc hội bà sẽ chọn người vừa có đức vừa có tài, bởi người có tài mà đức cao thì sẽ thu phục được rất nhiều người có đức, có tài khác. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đất nước đang xây dựng, không thể không chú ý bằng cấp nhưng đừng nặng nề quá. 

Đối với vấn đề xâm hại trẻ em hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận đây là sự xuống cấp đạo đức xã hội. Quản lý trẻ em là từng gia đình, nhà trường, xã hội. Nhà nước ban hành chính sách pháp luật, có các cơ quan chức năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, rồi vai trò giám sát của cộng động.

Cử tri Nguyễn Xuân Xinh - Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chia sẻ ý kiến tại buổi tiếp xúc.

“Xâm hại trẻ em rất cụ thể, ở nhà nào, xóm nào, khu phố nào, Quốc hội không bao giờ biết đứa trẻ nào bị xâm hại nếu như nhân dân không giám sát, không báo cáo và những vụ việc đó được phanh phui, các cơ quan thông tấn báo chí nêu ra và cả xã hội vào cuộc”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là trách nhiệm chung của xã hội, trước hết là gia đình phải bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cháu, sau đó là cả cộng đồng. Quốc hội đã chọn chuyên đề này để thực hiện giám sát. “Vừa rồi, số trẻ bị xâm hại tình dục, bị ngược đãi, cưỡng bức lao động nói chung, pháp luật đều nghiêm cấm. Còn vụ việc cụ thể, xử phạt hành chính 200.000 đồng, xã hội rất bức xúc”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo bà đây là khung, mức độ áp dụng xử phạt hành chính nhưng bản án nặng nề nhất là lương tâm, xấu hổ với người thân, gia đình, bạn bè và xã hội. Quốc hội rất quan tâm, trong các cuộc họp đều nêu ra vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội thông tin về 12 dự án của Bộ Công thương.
12 dự án nghìn tỷ của Bộ Công thương bây giờ ra sao?

Cử tri Nguyễn Xuân Xinh - Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V (Bộ Công an) đề nghị Quốc hội thông tin về 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” của Bộ Công thương hiện nay. Chủ tịch Quốc hội cho biết đã yêu cầu Chính phủ báo cáo và yêu cầu đưa vào nghị quyết mà Chính phủ phải chỉ đạo xử lý.

“Đã có 2 dự án tái hoạt động và có khởi sắc gồm: Nhà máy sản xuất phân bón Hải Phòng đã có lợi nhuận 195 tỷ đồng, Nhà máy Thép Việt Trung lợi nhuận 456 tỷ đồng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

4 dự án tiếp tục từng bước vượt khó khăn để ổn định sản xuất như: Nhà máy Đạm Hà Bắc trong quý 1-2019 giảm lỗ hơn 30 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón số 2 Lào Cai giảm lỗ hơn 5 tỷ đồng, dự án Nhà máy sản xuất sơ sợi Polyester Đình Hữu đã vận hành trở lại 3 dây chuyền, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất (Quảng Ngãi) vận hành lại từ tháng 10-2018.

Còn Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã xử lý xong các khâu liên quan để sẵn sàng khởi động vận hành thương mại. Dự án xây dựng dở dang của Tổng Công ty Giấy Việt Nam thì tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức bán đấu giá dự án.

Dự án nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ đang gặp khó khăn do cổ đông ngoài ngành chiếm tỉ lệ vốn trên 60%, nên khi các cổ đông này không góp thêm vốn nên tái cơ cấu lại khó. Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái nguyên chưa giải quyết được do tranh chấp hợp đồng giữa các nhà đầu tư với nhau và Chính  phủ đang tiếp tục xử lý để giải quyết.

“Tôi báo cáo cụ thể để cử tri thấy rằng Quốc hội theo dõi việc này rất sát và Chính phủ thường xuyên báo cáo”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Văn Vĩnh
.
.
.