Cắt giảm phí "bôi trơn": Doanh nghiệp và công chức phải cùng làm

Chủ Nhật, 21/05/2017, 08:18
Tại hội nghị “Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017”, nhiều rào cản đối với doanh nghiệp (DN) đã được tháo gỡ, các bộ ngành đã ghi nhận và chỉ ra những điểm “nghẽn” mà DN đang gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xung quanh vấn đề này.


PV: Sau khi dự Hội nghị, ông đánh giá như thế nào về buổi đối thoại ngày 17-5 và những thông điệp của Thủ tướng và Chính phủ?

Ông Nguyễn Văn Thân: Điểm ấn tượng nhất tại Hội nghị là hình ảnh Thủ tướng đã cụ thể hóa “lời nói đi đôi với việc làm”, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 20 ngay tại Hội nghị với nội dung là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Điều này thể hiện việc DN được đối thoại, nói thẳng, nói thật và dám nói những vấn đề nóng trên tinh thần xây dựng với Thủ tướng. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, bộ, ban, ngành đều lắng nghe và có trả lời DN, qua đó giải phóng được suy nghĩ ngờ vực, tăng sự tự tin cho DN kể cả DN lớn, DN nhỏ và vừa hay DN siêu nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Thân.

Theo tôi, cái được lớn nhất sau hội nghị Thủ tướng với DN năm nay là từ Chính phủ tới địa phương sẽ lắng nghe DN nhiều hơn, đồng hành cùng DN. Tôi hy vọng sau buổi đối thoại này, thông điệp của Thủ tướng sẽ lan toả, được sự hưởng ứng mạnh mẽ và quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để có những buổi đối thoại chuyên đề mang tính cụ thể, sòng phẳng và thẳng thắn sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề bức xúc của DN để họ yên tâm đầu tư, sản xuất.

PV: Năm nay, 1.500/ 2.000 DN dự Hội nghị là DN tư nhân, trong đó phần lớn là DN nhỏ và vừa. Khối DN nhỏ và vừa mong đợi gì từ chủ trương kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?

Ông Nguyễn Văn Thân: Khối DN nhỏ và vừa là khối DN tư nhân chiếm khoảng 98% trong tổng số DN đang hoạt động. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho DN…

Hiện nay DN nhỏ và vừa đang rất kỳ vọng vào Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, vì trong dự thảo luật toát lên toàn bộ những cơ chế, chính sách hỗ trợ, cũng như nghĩa vụ, quyền lợi của khối DN này.

Bên cạnh đó, DN tư nhân mong xã hội nhận thức đúng, tích cực về giới dân doanh. Giới dân doanh không phải là con buôn, là trọc phú mà là một động lực phát triển kinh tế. Hơn nữa, bản thân DN cũng phải nhận thức, đổi mới sáng tạo và làm đúng quy định để nâng cao vị thế của mình lên.

PV: Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là chi phí rất cao, trong đó có những chi phí không chính thức. Vậy có cách nào khả thi nhất để “kiểm soát”, tiết giảm chi phí cho DN, đặc biệt là những chi phí “bôi trơn”, không chính thức?

Ông Nguyễn Văn Thân: Hiện nay, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện. Trong các lĩnh vực mà DN thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, DN còn phải chi các khoản không chính thức. Chi phí chính thức và nhất là không chính thức cao đẩy giá thành lên cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Trong thông điệp của Thủ tướng đưa ra có câu “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” khiến tôi và nhiều đại biểu rất tâm đắc. Hàng Việt phải nỗ lực để tự chinh phục người Việt. Nếu giá thành cao, chất lượng kém thì sẽ không ai mua. Nên giảm chi phí chính thức và không chính thức là mấu chốt để khắc phục tình trạng chi phí kinh doanh cao.

Nguyên nhân của thực trạng này do một bộ phận người thi hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho DN, tìm cách bắt lỗi DN, quan liêu, chưa coi DN là đối tượng phục vụ.

Từ phía DN, chạy theo xu thế kinh doanh bằng “quan hệ” thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động “chi ngầm” để có được các thuận lợi trong kinh doanh. Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN, khiến DN mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của DN và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân.

Đương nhiên đây là việc khó. Chính phủ cần vào cuộc mạnh mẽ, nhất là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thừa hành việc này. Đồng thời, phía DN cũng phải cố gắng sản xuất, kinh doanh thành công và nhất là tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực văn hóa, nói không với tiêu cực, nâng cao năng lực quản trị. Hay nói cách khác, phải có tác động hai chiều: Phía cán bộ thi hành và DN cùng hỗ trợ lẫn nhau.

PV: Tại Hội nghị, ông cũng nhắc đến quan điểm "vay dân còn hơn vay chỗ khác". Ông có thể nói rõ hơn về việc này?

Ông Nguyễn Văn Thân: Bởi vì tôi nhìn thấy tiềm năng về vốn ở trong dân còn rất nhiều. Một số DN lớn về bất động sản, ngân hàng đang làm rất tốt. Tại cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành xử lý những kiến nghị của DN trong khuôn khổ Hội nghị, tôi cũng đã đề xuất với Thủ tướng cho phép chúng tôi giải trình với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để bàn bạc phương pháp làm sao kéo được vốn đang nằm trong dân nhằm sử dụng tốt lượng vốn đó và người dân cũng được lợi. Nghĩa là mình vay của dân, nếu có lãi suất cao thì dân mình được hưởng và huy động được vốn ứ đọng trong dân, rất quan trọng đối với nguồn lực của đất nước.

Với sự vận hành của Chính phủ như hiện nay và quyết tâm thực hiện mạnh mẽ những cam kết, thông điệp của Thủ tướng thì dân sẽ tin tưởng. Nếu lãi suất người dân được hưởng cao, thậm chí có thể tương đương lãi suất cho DN vay thì sẽ khả thi, vì người dân nhìn thấy là tiền họ đưa ra đem lại giá trị cao hơn so với lạm phát.

PV: Trong nỗ lực cải cách thì vấn đề cán bộ công chức đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các Chỉ thị và Nghị quyết trong cuộc sống. Theo ông, để tránh sự thờ ơ, vô cảm của cán bộ công chức thì lãnh đạo bộ, ban, ngành, địa phương cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Văn Thân: Cần giải quyết vấn đề công nghệ, nếu đồng bộ điện tử hoá sẽ giúp nhà nước quản lý tốt hơn, sự tuân thủ pháp luật sẽ tốt hơn. Khi điện tử hoá các dịch vụ công, người dân, DN được phục vụ, sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng và sẽ giảm được chi phí cho DN.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng kịp thời những cán bộ công chức có trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp. Đúng- sai phải rõ ràng, theo đó người đứng đầu, người có trọng trách, cán bộ cấp cao phải gương mẫu đi đầu, phát động phong trào “nói không với tiêu cực” lan toả rộng từ trên xuống dưới. DN làm tốt có thể thưởng bằng cơ chế, chính sách, khen thưởng, làm sai thì phạt. Ở các nước phát triển, công chức rất sợ bị vi phạm, nếu vi phạm thông tin của họ sẽ bị lưu trên hệ thống, khi đi xin việc chỗ khác họ cũng không dám nhận. Nên ai cũng sợ và phải làm chuẩn, chuyên nghiệp trong phục vụ.

PV: Theo ông hỗ trợ cần nhất của doanh nghiệp hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Văn Thân: Chúng ta hay nói nhiều đến hỗ trợ, đến ưu đãi… nhưng DN cần là cơ chế về tài chính; nâng cao năng lực quản trị. Đặc biệt, các DN cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng và lành mạnh, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.