Cần quyết liệt xử lý cán bộ công chức đi lễ trong giờ hành chính

Chủ Nhật, 12/02/2017, 08:38
Chuyện cán bộ công chức đi lễ trong giờ làm việc, dùng xe công đi lễ lại trở thành đề tài quen thuộc sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu công chức, viên chức không đi lễ trong giờ làm việc, không dùng xe công đi lễ nhưng mới đây, Bộ Công Thương đã phải xử lý một số cán bộ vi phạm quy định này sau khi bị báo chí phát hiện.

Tiếp đó, lại có nhiều cán bộ Sở Y tế tỉnh Bình Định đi dự lễ hội ở Hưng Yên trong ngày làm việc. Phóng viên chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” đã có cuộc trao đổi với Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Trước tiên, xin mạn phép hỏi, ông có đi lễ đầu năm không? Các thành viên trong công ty có tổ chức đi lễ không?

Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Có chứ! Đi lễ cũng là tín ngưỡng. Pháp luật không cấm cá nhân nào đi lễ, vấn đề là sử dụng thời gian, phương tiện đi lễ thế nào cho hợp lý. Đi lễ vào ngày nghỉ, đi lễ bằng xe riêng thì chẳng ai cấm cả. Cơ quan tôi cũng như nhiều đơn vị ngoài quốc doanh khác luôn coi trọng hiệu quả công việc, kỷ luật cơ quan, thế nên việc đi lễ cũng phải sắp xếp, bố trí để không ảnh hưởng đến công việc.

PV: Ngay khi vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg, trong đó cấm công chức, viên chức đi lễ trong giờ làm việc, cấm sử dụng xe công đi lễ. Thế nhưng hình ảnh công chức “rồng rắn” đi lễ trong giờ hành chính vẫn xảy ra. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Cán bộ, công chức đi lễ trong giờ hành chính không phải là một việc xa lạ trong những năm gần đây, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Việc làm này không chỉ vi phạm quy định, nội quy về thời gian làm việc của công chức mà còn để lại hình ảnh không tốt của cán bộ công chức Nhà nước trong mắt người dân. Đặc biệt, sau thời gian nghỉ Tết kéo dài, khối lượng công việc tồn đọng và các công việc mới cần giải quyết tương đối nhiều. Vì vậy, việc rất nhiều công chức đi lễ trong giờ hành chính sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân.

PV: Như ông nói, rõ ràng khi công chức bỏ việc đi lễ sẽ kéo theo nhiều tác động xã hội khác?

Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Đúng thế, trước tiên là ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân, các công việc cần giải quyết bị trì trệ. Bên cạnh đó, khi bộ máy cơ quan nhà nước không hoạt động hiệu quả, gây cản trở đối với người dân sẽ tạo bức xúc lớn. Và đặc biệt là hình ảnh những cán bộ, công chức nhà nước sẽ xấu đi rất nhiều trong mắt của người dân. Do đó, chúng tôi cho rằng cần có các biện pháp quyết liệt để chấm dứt tình trạng này.

PV: Từ trước nay, những vụ việc vi phạm bị xử lý thường đều do báo chí phát hiện. Có cảm giác hình như các cơ quan chức năng chỉ hô hào thực hiện chứ chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc. Có phải vậy mà người ta chưa thấy sợ?

Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Pháp luật nước ta hiện đã quy định rất rõ về những việc cán bộ, công chức được và không được làm cũng như chế tài xử phạt đối với những cán bộ có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, thực tế vẫn xảy ra trường hợp vì cả nể, bao che lẫn nhau, tâm lý ngại va chạm nên mặc dù có xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức độ khiển trách, cảnh cáo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cán bộ, công chức ra ngoài trong giờ làm việc với mục đích cá nhân, ví dụ cụ thể đó là đi lễ chùa trong giờ làm việc.

PV: Đồng thời với chuyện trốn việc đi lễ, chuyện lách luật, lách cơ chế để sử dụng xe công vào việc riêng, mùa lễ hội năm nay vẫn có xe biển xanh đi lễ hội. Chúng ta đã có chế tài xử lý vấn đề này như thế nào thưa Luật sư?

Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Khoản 3 Điều 6 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 quy định cấm sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, lãng phí… Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì hành vi sử dụng tài sản công của Nhà nước vào mục đích cá nhân cũng là một trong những hành vi công chức không được làm. Những cán bộ, công chức vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản công của nhà nước sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 192/2013/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư 07/2014/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đồng tùy vào giá trị của tài sản bị dùng sai mục đích.

PV: Theo luật sư, cần phải làm gì để quản lý tài sản nhà nước mà cụ thể ở đây là xe công sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng? Cũng như làm thế nào để ngăn chặn tình trạng cán bộ công chức bỏ việc đi lễ đầu năm?

Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng xe công, cũng như chế tài xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế hiện tượng sử dụng xe công sai mục đích diễn ra rất phổ biến và có thể nói là đang trở thành một “phong trào”. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là cách quản lý của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, chưa phù hợp; việc xử phạt các đối tượng vi phạm cũng chưa thực sự khách quan và nghiêm túc.

Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải có những biện pháp kịp thời và hiệu quả hơn. Ví dụ như quản lý, theo dõi sát được thực trạng và biến động của tài sản nhà nước; quản lý chặt chẽ việc sử dụng xe công của các cán bộ, công chức, kể cả những đối tượng được sử dụng xe công đưa đón thường xuyên; theo dõi một cách nghiêm túc và xử lý kịp thời, nghiêm khắc những cán bộ, công chức có hành vi vi phạm để làm gương răn đe...

Đặc biệt, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan phụ trách quản lý tài sản để tránh tình trạng có vi phạm nhưng không ai chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý.

Ngoài ra có thể thấy, việc sử dụng tài sản công sai mục đích cũng xuất phát từ chính ý thức của các cán bộ, công chức. Đối với cán bộ công chức bỏ việc đi lễ cũng vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm thì phải phát huy được vai trò của người đứng đầu cơ quan, của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quần chúng cùng giám sát. Tôi xin nhấn mạnh, ý thức của cán bộ công chức là quan trọng nhất, còn các công cụ hành chính, pháp lý chỉ là hỗ trợ.

Ý thức ở đây còn có “yếu tố tự trọng”. Ví dụ như khi anh đi lễ, chưa biết có lợi gì không, nhưng trước mắt là đã bị xử lý như mấy trường hợp báo chí vừa nêu thì tự anh sẽ điều chỉnh ý thức.

Bởi vậy, để giải quyết gốc rễ của vấn đề, ngoài việc theo dõi, quản lý sát sao thì việc quan trọng là phải nâng cao được ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc sử dụng thời gian công và tài sản công. Có như vậy thì công cuộc phòng chống tham nhũng nói chung và vấn nạn sử dụng tài sản công sai mục đích mới có thể được đẩy lùi.

PV: Rất cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.