Vận động người dân giao nộp gần 5.000 khẩu súng săn, súng tự chế

Thứ Ba, 14/02/2017, 08:36
Trong 5 năm, 2011 – 2016, Công an huyện Kỳ Sơn đã vận động nhân dân giao nộp và thu hồi 4.955 khẩu súng các loại, trong đó có 5 khẩu súng quân dụng, 4.950 khẩu súng tự chế, 8 quả lựu đạn, 28kg thuốc nổ, và nhiều công cụ hỗ trợ khác.

Nằm về phía cực Tây của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh hơn 250km, huyện Kỳ Sơn có 11 xã chung đường biên giới với Lào và 95% dân số là đồng bào dân tộc. Với truyền thống sinh sống tự cung tự cấp, săn bắn, hái lượm từ ngàn đời nay nên việc sử dụng súng săn, súng tự chế dường như đã trở thành một thói quen ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào. Chuyện trước đây mỗi hộ gia đình có từ 2-3 khẩu súng săn, súng tự chế để bảo vệ mùa màng là điều hết sức bình thường…

Vừa chỉ đạo anh em trong đội kiểm đếm, phân loại 35 khẩu súng tự chế mới thu được ở xã Huồi Tụ, Trung tá Vừ Bá Mùa, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự (ANTT) Công an huyện Kỳ Sơn vừa chia sẻ với tôi về tình hình sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của bà con nơi đây.

“Chế tạo, sản xuất súng săn, súng tự chế là thói quen của các thế hệ người dân tộc. Chỉ với một ống nước bằng sắt, trong thời gian từ 2-3 ngày là họ có thể tạo ra một khẩu súng tự chế với giá thành rất rẻ, chỉ từ 300 – 500 nghìn đồng” – Trung tá Mùa nói. Do vậy, lượng súng săn, súng tự chế còn tồn đọng trong nhân dân, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nguy cơ tai nạn, mất trật tự an toàn xã hội, dù chính quyền huyện Kỳ Sơn đã tốn nhiều công sức vận động, thu hồi.

Theo anh, chỉ tính từ năm 2010 đến năm 2014 đã xảy ra 5 vụ do đi săn bắn nhầm nhau, làm chết oan 4 người, bị thương 1 người. Đặc biệt có vụ đối tượng Xeo Phò Bún tại bản Tạt Xa Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn dùng súng giết người, đã bị Công an huyện Kỳ Sơn bắt giữ…

Điều đó đã đặt gánh nặng lên vai những cán bộ, chiến sỹ Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT Công an huyện Kỳ Sơn trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động đồng bào giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ trái phép.

Trung tá Vừ Bá Mùa, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về ANTT cùng anh em trong đội kiểm đếm số vũ khí vừa thu được.

“Chúng tôi đã phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức khảo sát, điều tra cơ bản tại các địa bàn trọng điểm, khu vực dân cư, bản làng, khối xóm… còn tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Từ đó đề ra kế hoạch, biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân tự nguyện giao nộp” - Thượng tá Và Bá Hùa, Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn khẳng định.

Công an huyện cũng đã tham mưu cho Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện thành lập các đoàn liên ngành gồm Công an, Quân sự, Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc… tuyên truyền, vận động, giáo dục với trên 5.000 lượt nhân dân tham gia hưởng ứng các đợt vận động thu hồi. Lồng ghép vào các buổi họp dân, diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; cũng như thông qua người có uy tín, già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ để vận động thu hồi…

“Khó khăn nhất khi vận động bà con là họ quan niệm khẩu súng như đồ gia bảo, như vật phòng thân mà không nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn, độ sát thương của khẩu súng gây ra nếu sử dụng bừa bãi”, lãnh đạo Công an huyện Kỳ Sơn phân trần.

Vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ với Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn đưa ra xét xử lưu động một số vụ án đi săn bắn nhầm nhau, vô ý làm chết người do súng cướp cò, sử dụng súng săn, súng tự chế để thực hiện các hành vi phạm tội… có ý nghĩa răn đe hiệu quả.

Đồng bào các dân tộc được tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thấy được tính chất nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép để tự giác giao nộp.

Trong 5 năm, 2011 – 2016, Công an huyện Kỳ Sơn đã vận động nhân dân giao nộp và thu hồi 4.955 khẩu súng các loại, trong đó có 5 khẩu súng quân dụng, 4.950 khẩu súng tự chế, 8 quả lựu đạn, 28kg thuốc nổ, hơn 200kg pháo nổ, 5 bình xịt hơi cay, 8kg đạn ria, 20 dao kiếm các loại và nhiều công cụ hỗ trợ khác.

Việc thu hồi và giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn này đã góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, phục vụ tốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT Công an huyện Kỳ Sơn cũng đã tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Qua triển khai đã xuất hiện nhiều mô hình xuất sắc, như mô hình bản Huồi Lê, xã Keng Đu; bản Phiêng Phô, xã Phà Đánh tự quản về ANTT; mô hình dòng họ Xồng ở xã Mường Lống tự quản về ANTT; mô hình Hội Phụ nữ xã Huồi Tụ tự quản về ANTT, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư…

Đội thường xuyên quan tâm, duy trì, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của 21 hội đồng tự quản cấp xã, 196 ban tự quản cấp bản, 537 tổ tự quản cấp bản. Nhờ những hình thức, biện pháp tuyên truyền phong phú, có sức lan toả sâu rộng nên nhân dân đã tích cực, tự giác cùng lực lượng Công an đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT ở cơ sở.

Bắt tay ngay vào làm việc, bám địa bàn, sâu sát với bà con ngay những ngày đầu xuân mới, Trung tá Vừ Bá Mùa cùng cán bộ, chiến sỹ trong đội đã đề ra những kế hoạch, nhiệm vụ công tác để kiểm soát việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong nhân dân cũng như phát huy hơn nữa các mô hình tự quản về ANTT, tăng cường mối quan hệ gắn bó với đồng bào để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Về lâu dài là sự quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, duy trì bản sắc văn hoá và phong tục tập quán tốt đẹp. Từ đó tạo tiền đề để đảm bảo ANTT và ngăn chặn có hiệu quả việc sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Quỳnh Vinh
.
.