Tăng cường công tác thu hồi súng tự chế, vật liệu nổ tại cơ sở

Chủ Nhật, 01/12/2019, 07:37
Từ trước tới nay, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa khu vực miền núi Tây Bắc thường có thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, điều này còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự (ANTT).


Thời gian qua, để tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, Công an huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng xã, bản điển hình trong công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, góp phần đảm bảo ANTT tại cơ sở.

Chiều muộn, chúng tôi có dịp theo chân tổ công tác Công an xã xuống địa bàn. Con đường bê tông độc đạo vào bản Huổi Pết, xã Nậm Hàng cách trung tâm xã chừng nửa tiếng đi xe máy. Đây là lần thứ 3, Công an xã phối hợp với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính, Công an huyện xuống bản tuyên truyền về ẩn họa của việc sử dụng súng tự chế.

Giờ đang vào mùa gặt, ngày bà con đi làm nương, muốn tập hợp đông đủ phải chờ đến tối. Ngay từ đầu, các anh đã xác định để bà con hiểu và tự nguyện giao nộp súng tự chế cần phải làm từng bước. Huổi Pết là một trong 3 bản có lượng súng tự chế trong nhân dân còn cao.

Sau hơn 1 năm được điều động về cơ sở đảm nhiệm chức vụ Trưởng Công an xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Đại úy Hỏ Văn Thép đã cùng Ban Công an xã tăng cường tuyên truyền theo từng bước. Đại úy Thép cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trước tiên, xác định các địa bàn trọng điểm tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ. Qua đó, triển khai các bước tuyên truyền.

Cán bộ Công an huyện Nậm Nhùn vận động bà con tự nguyện giao nộp súng tự chế.

Thứ nhất, chúng tôi cử cán bộ xuống thông báo cho Trưởng bản, Bí thư chi bộ nắm; thăm dò xem mọi người có ủng hộ không. Sau đó sẽ xuống tuyên truyền cụ thể cho những người đứng đầu từ Trưởng bản, Bí thư chi bộ, Trưởng dòng họ, người có uy tín ở bản. Khi họ hiểu về tác hại của việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, chúng tôi tổ chức họp dân từng bản. Lúc đó, vừa có cán bộ Công an, vừa có những người đứng đầu bản ủng hộ”.

“Ở bản, bà con sống quây quần, gần gũi, vì vậy ai có súng mọi người đều biết. Chúng tôi vận động đảng viên, người có uy tín và những người đứng đầu trong bản tự nguyện giao nộp trước. Sau đó, vận động cá biệt từng hộ gia đình trong bản. Ban đầu thì chưa ai muốn nộp đâu. Khi những người đứng đầu bản nộp trước, mọi người cứ nhìn theo đó mà nộp. Dần dần, mọi người đã tự nguyện mang súng ra giao nộp cho Công an. Từ tháng 6-2019 đến nay, chúng tôi đã vận động giao nộp được 94 khẩu súng tự chế”, Đại úy Hỏ Văn Thép cho biết.

Vàng A Dính nguyên là Trưởng bản Huổi Pết. Trước đây anh đã giao nộp súng cho lực lượng chức năng và chỉ giữ lại 1 khẩu súng kíp trong nhà làm kỷ niệm. Mặc dù rất tiếc khẩu súng, nhưng hôm nay anh vẫn quyết định giao nộp cho Công an xã để làm gương cho bà con và loại trừ mối nguy hiểm trong nhà: “Khẩu súng này đã gắn bó với tôi hơn 10 năm rồi. Giờ cán bộ Công an đến tuyên truyền, vận động nên tôi mang ra giao nộp theo quy định của pháp luật”, anh cho biết.

Mưa dầm thấm lâu, từ những vụ án đã xảy ra, từ sự kiên trì vận động của cán bộ Công an, bà con đã bảo nhau mang những khẩu súng còn lại trong nhà giao nộp. Chỉ tính riêng từ 2018 đến nay, Công an huyện Nậm Nhùn đã vận động bà con giao nộp gần 400 khẩu súng tự chế.

Theo Trung tá Nguyễn Tiến Thành, Phó Trưởng Công an huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu: “Qua rà soát, chúng tôi đưa công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ giao nhiệm vụ cho Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Bên cạnh đó, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị cơ sở; tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín ở thôn, bản tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp. Đi đôi với đó là việc quản lý chặt chẽ việc sử dụng trái phép súng tự chế để săn bắn, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm”.

Với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là người Mông, súng kíp không chỉ dùng để săn bắn, xua đuổi thú dữ, bảo vệ mùa màng mà nó còn là phương tiện quan trọng để truyền tin khi gia đình có người mất. Tuy nhiên, cũng vì có súng, nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra do bắn nhầm hay dùng chính những khẩu súng này để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp gây phức tạp về ANTT. Giờ đây bà con đã yên tâm giao nộp súng tự chế bởi họ hiểu rằng: có súng ở trong nhà, họ mất nhiều hơn là được.

l Những năm qua, cùng với việc làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Công an huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý, vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT).

Tại địa bàn xã Cư Knia, xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cư Jút, có đông đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc vào làm ăn, sinh sống. Do tập tục và thói quen nên có không ít người dân trên địa bàn sử dụng các loại súng săn, súng tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy.

Để làm tốt công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nỗ, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Cư Jút đã tăng cường CBCS phối hợp chính quyền địa phương và Công an xã tuyên truyền, vận động toàn dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn.

“Sau khi được Công an tuyên truyền, tôi và nhiều người dân ở đây hiểu được việc tàng trữ vũ khí ở trong nhà là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới gây mất an toàn cho người trong gia đình và việc sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật là hành vi bị nghiêm cấm, tôi và nhiều người dân đã tự giác mang súng đến giao nộp cho lực lượng Công an”- ông Lý Văn Vạn, người dân xã Cư Knia chia sẻ.

 Với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp trong việc thu hồi VK-VLN-CCHT, nhiều năm qua, người dân trên địa bàn huyện Cư Jút đã tự nguyện giao nộp hàng trăm súng tự chế và nhiều công cụ hỗ trợ khác. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Công an huyện Cư Jút đã tuyên truyền, vận động và thu hồi được 46 khẩu súng các loại, trong đó có 24 súng cồn, 22 súng kíp.

Thượng tá Nguyễn Xuân Bích – Phó trưởng Công an huyện Cư Jút cho biết: “Với việc chủ động triển khai nhiều biện pháp phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, công tác thu hồi VK-VLN-CCHT trên địa bàn huyện Cư Jút trong những năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương”.

Phát hiện hơn 1.000 hung khí vận chuyển qua đường bưu điện

Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vừa khám phá đường dây mua bán hung khí, vũ khí, công cụ hỗ trợ với số lượng cực lớn bằng hình thức chuyển hàng qua hệ thống bưu cục, dịch vụ giao hàng, xe đường dài.

Bước đầu cơ quan Công an xác định có hơn 1.000 công cụ nguy hiểm được thu giữ. Số hung khí này được phát hiện bắt nguồn từ quá trình điều tra các vụ xô xát, cố ý gây thương tích, thanh toán lẫn nhau tại địa bàn quận Thủ Đức trong thời gian gần đây; đặc biệt là sự xuất hiện của các băng nhóm sử dụng hung khí nguy hiểm như dao tự chế, mã tấu, kiếm, cây dũ ba khúc, cây chĩa ba đinh… gây hấn chém nhau, đòi nợ thuê… gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Công an quận Thủ Đức, thủ đoạn mua bán phổ biến nhất là các đối tượng lên mạng xã hội đặt mua hung khí của các đối tượng ở các tỉnh phía Bắc (Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Giang...) với giá từ 250 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, tùy loại hung khí.

Sau khi xác nhận đặt hàng, người bán sẽ đóng gói, ghi nhãn là “dụng cụ nhà bếp” để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra rồi gửi qua đơn vị vận chuyển để chuyển hàng đến người mua. Người mua nhận kiện hàng rồi trả tiền qua nhân viên vận chuyển hàng hóa. Có thể nói, đây là thủ đoạn khá mới của tội phạm nhằm gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Tối 26-11, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Thủ Đức phối hợp Bưu điện Trung tâm Thủ Đức kiểm tra kho bưu kiện chứa hàng hóa. Qua đó, phát hiện 441 kiện hàng bên trong chứa các loại hung khí như dao mèo, dao găm, kiếm Nhật, súng bắn bi, kiếm ong, đao, gậy ba khúc... với số lượng mỗi kiện hàng từ 1 đến 5 cái (tổng cộng có khoảng 1.000 hung khí các loại) được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ tháng 9-2019 đến nay. Chiều 27-11, Công an quận Thủ Đức đã đồng loạt kiểm tra và đưa 20 đối tượng có hành vi mua hung khí (dao mèo, kiếm Nhật…) về trụ sở Công an quận Thủ Đức để điều tra làm rõ.

Phú Lữ


Thu giữ hơn 100 linh kiện súng hơi

Ngày 29-11, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang kiểm tra hộ kinh doanh của ông Đỗ Viết Vinh, ở thôn Cầu Thượng, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện gia đình ông Vinh bán các loại linh kiện súng hơi gồm bơm cao áp; đài bẫy chim: ống ngắm Laze; dây súng cao su; ống giảm thanh; kính ngắm; thanh trượt súng dây chun bắn bi; phụ kiện súng dây chun bắn bi + báng súng + thanh trượt + dây chun; cánh phượng + cò súng + dây chun; ống trượt + đường ray trượt; ống hơi + phụ kiện ống hơi; ống ngắm súng hơi; bơm nén khí súng hơi; van điều áp súng hơi; Bình hơi... với tổng số linh kiện là hơn 100 linh kiện khác nhau.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh là ông Đỗ Viết Vinh không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến số hàng hóa trên. Ông Vinh khai mua trôi nổi trên thị trường toàn bộ số hàng hóa trên, mua không có giấy tờ gì liên quan và tập kết tại cơ sở kinh doanh để bán online trên mạng cho các cá nhân có nhu cầu.

Đội QLTT số 3 đã ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ để xử lý theo quy định.

P.A
Nhóm PV
.
.