Hiệu quả của mô hình “Đội An ninh thông tin” ở Kiên Giang

Thứ Năm, 22/11/2018, 08:03
Trước tình trạng ngày càng có nhiều đối tượng lợi dụng, thông qua dịch vụ chuyển phát của bưu điện để buôn bán, vận chuyển các hàng cấm, chất cấm với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho xã hội, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Bưu điện tỉnh Kiên Giang xây dựng và triển khai mô hình “Đội An ninh thông tin”.



Được thành lập từ tháng 5-2016, với 39 thành viên, được chia làm 3 tổ (gồm Công an và cán bộ, nhân viên trực tiếp sản xuất tại các bưu cục của Bưu điện trung tâm TP Rạch Giá), Đội An ninh thông tin có chức năng, nhiệm vụ: đảm bảo an toàn về thông tin của bưu phẩm, bưu kiện cho khách hàng; đảm bảo an toàn vệ sinh, yêu cầu về phòng chống cháy nổ nơi làm việc; phát hiện ngăn chặn các hoạt động gây mất ANTT tại đơn vị và địa phương.

Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Bưu điện tỉnh Kiên Giang thành lập Đội An ninh thông tin.

Là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng mô hình, anh Nguyễn Quốc Việt, Đội phó Đội An ninh thông tin, cho biết, Luật Bưu chính quy định rõ về những hành vi cấm gửi và những hàng hóa, vật phẩm không được gửi. Các bưu gửi có nội dung gây kích động, mất an ninh; bưu kiện chứa văn hóa phẩm trái với đạo đức xã hội. 

“Trong công tác thực tế cho thấy, hiện nay các đối tượng thường xuyên vận chuyển những sách báo, tài liệu văn hóa phẩm không phù hợp, mang nội dung chống, phá Đảng, Nhà nước. Nghiêm trọng hơn là các bưu phẩm chứa vũ khí, chất gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma túy, vi trùng dịch bệnh nhằm khủng bố, xâm hại tính mạng - tài sản công dân. 

Đối với mặt hàng là vũ khí, các đối tượng vận chuyển chủ yếu là linh kiện của các loại súng, phương thức và thủ đoạn gửi và nhận rất tinh vi. Các đối tượng gửi các chi tiết của vũ khí, gửi làm nhiều lần, tách rời từng bộ phận, kê khai mặt hàng không đúng, người gửi dùng tên và địa chỉ giả, kê khai không rõ họ tên”, anh Việt chia sẻ.

Từ đó, Ban Chỉ đạo Đội An ninh thông tin đã quán triệt trong đội ngũ nhân viên giao nhận, phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác khi tiếp nhận các kiện hàng hóa. Phải chú ý nhận diện bằng hình ảnh, cảm nhận không an toàn thì từ chối. 

Khi nhận gửi phải yêu cầu ghi rõ họ tên người gửi, người nhận, địa chỉ, số điện thoại, trường hợp nghi ngờ có thể lưu ảnh. Phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm, nhân viên phải báo ngay cho các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Kiên Giang và Công an địa bàn để kịp thời xử lý…

Ông Nguyễn Hoài Phong, Giám đốc Bưu điện tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Sự phối hợp giữa Công an tỉnh Kiên Giang và Bưu điện tỉnh Kiên Giang luôn chặt chẽ, nhất là trong công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội. Đội An ninh thông tin đã phối hợp với xây dựng quy chế phối hợp, định kì trao đổi các thông tin, nghiệp vụ liên quan. Có kế hoạch cụ thể để phòng ngừa và xử lý các vụ việc phức tạp xảy ra với nhiều kết quả đạt được.

Việc cung cấp các thông tin, dấu hiệu nghi vấn tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo bí mật và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Từ đó, kịp thời ngăn chặn nhiều hàng cấm, chất cấm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Từ khi thành lập đến nay, Đội An ninh thông tin đã phối hợp cùng lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Kiên Giang phát hiện và xử lý 23 vụ việc. Thu giữ 5 súng bắn đạn bi sắt, 100 viên đạn, 36 gậy 3 khúc, 34 kiếm, đao, 10 đèn pin chích điện, 2 bình xịt hơi cay… Đặc biệt, thu giữ nhiều tài liệu, băng đĩa mang tính tuyên truyền phản động, chống phá Đảng, Nhà nước.

Với những thành tích đạt được, Đội An ninh thông tin được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Cũng qua thực hiện mô hình đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình, có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ ANTQ, nhận được giấy khen Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.

Trần Lĩnh
.
.