Già làng, trưởng thôn vùng cao chung tay bảo vệ biên cương
- Già làng Cơtu mở đường lên 4 xã vùng biên
- Những già làng, trưởng bản gương mẫu đi đầu bảo vệ an ninh trật tự
- Những già làng vì cuộc sống bình yên của nhân dân
Vùng cao Tây Giang hiện có khoảng 80 trưởng thôn, già làng có uy tín, đa số là cán bộ nghỉ hưu, đảng viên. Trong số họ có nhiều người có uy tín cấp tỉnh, hàng chục người có uy tín cấp huyện, còn lại là người có uy tín cấp xã, cấp thôn...
Hàng năm, tỉnh, huyện đều tổ chức các hoạt động gặp mặt, thăm, tặng quà các già làng, trưởng thôn và những người có uy tín để trao đổi thông tin tình hình có liên quan đến kinh tế- xã hội, phong trào Toàn dân BVANTQ và an ninh biên giới.
“Nhiều già làng, trưởng thôn, người có uy tín ở Tây Giang đã trở thành những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác tuyên truyền, giải quyết các vấn đề ANTT tại cơ sở. Họ là cánh tay nối dài của lực lượng Công an đến với nhân dân”, Đại tá Võ Văn Hai, Trưởng Công an huyện chia sẻ.
Công an tỉnh Quảng Nam thăm, tặng quà các già làng uy tín ở vùng cao. |
Là địa bàn miền núi, ở các thôn, làng không khỏi xảy ra tình trạng mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân. Có khi những giải thích của cán bộ về pháp luật, phong tục tập quán không hiệu quả bằng một vài câu nói, hay cái “vỗ vai” của già làng.
Xác định được vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam và các địa phương miền núi đã tích cực tham mưu, phục vụ cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt công tác vận động, tranh thủ và phát huy vai trò của người có uy tín đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thường xuyên rà soát, bổ sung đưa vào diện những người thật sự có uy tín, được đồng bào dân tộc thiểu số tôn vinh; củng cố đội ngũ cốt cán là người dân tộc để làm nòng cốt trong các phong trào ở cơ sở, kịp thời phát hiện, động viên, khen thưởng nêu gương điển hình tiên tiến.
Ở huyện vùng cao Tây Giang có thể kể ra những già làng thật sự tiêu biểu như: Cơ Lâu Nai, Príu Pố, Cơ Lâu Blao, Ker Tíc, Bhling Đoắp... hầu như không ai không biết.
Các già làng không những là người có uy tín mà là các hạt nhân điển hình về làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, là những người lưu giữ và truyền dạy kho tàng văn hóa của người Cơ Tu cho thế hệ sau...
Đại tá Võ Văn Hai bày tỏ rằng, những người có uy tín được bà con các dân tộc thiểu số tín nhiệm, tôn vinh. Họ có điều kiện hiểu biết nhất định về xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng với cộng đồng, nên thường xuyên được bà con gặp gỡ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Vì thế, họ có khả năng tác động, chi phối, tập hợp được đồng bào trong phạm vi nhất định thông qua lời nói, hành động hoặc bằng những qui ước của phong tục, tập quán dân tộc…
Với tầm quan trọng như vậy, cho nên, thời gian qua, Công an huyện Tây Giang phối hợp cùng phòng nghiệp vụ chức năng của Công an tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng đúng mức công tác tranh thủ các già làng, trưởng thôn, bản; người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số để xây dựng phát triển sâu rộng phong trào Toàn dân BVANTQ, góp phần to lớn trong việc đảm bảo ANTT ở huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Tây Giang…