Tranh thủ mạng xã hội để... phòng, chống tội phạm!

Thứ Tư, 22/08/2018, 13:27
Mặt tích cực của mạng xã hội đã được Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) phát huy khi sử dụng trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn, bạo hành gia đình… 


Hiệu quả mà mô hình khá mới này mang lại không chỉ giúp công tác tuyên truyền của cơ quan Công an được nhanh chóng mà còn tiếp nhận tin báo từ phía người dân rất kịp thời. Rất nhiều vụ trộm cắp, lừa đảo đã bị bắt giữ, ngăn chặn chỉ từ vài thao tác trên chiếc điện thoại di động thông minh. Mà quan trọng hơn, phòng chống tội phạm qua mạng xã hội còn giúp người dân hào hứng “truy bắt tội phạm” hơn bao giờ hết.

Trung tá Lê Minh Trí, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố, Công an quận Bình Thạnh hồ hởi cho biết, nếu như trước đây khi cần tuyên truyền, phổ biến vấn đề gì đến dân thì Công an các phường phải đợi đến các cuộc họp dân ở khu phố. Còn bây giờ, khi tiếp nhận văn bản cần tuyên truyền, Công an phường có thể chụp lại văn bản hoặc cô đọng lại rồi đưa lên zalo, facebook, rất nhanh gọn. 

Các hộ dân xung quanh khu vực chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) đều tham gia nhóm zalo, facebook để phòng chống tội phạm.


Chẳng hạn như thông tin cảnh giác về thủ đoạn mới của bọn tội phạm, lúc trước tuyên truyền đến người dân thì đã “nguội”, nay đảm bảo tính thời sự, nhiều người dân nhờ vậy mà tránh bị lừa.

Như lúc 10h ngày 4-6-2018, bà Phạm Thị Liễu (ngụ phường 5, quận Bình Thạnh) nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo bà Liễu có sử dụng thẻ tín dụng và nợ số tiền 36 triệu đồng trong tài khoản. Người này yêu cầu bà Liễu chuyển qua tài khoản ngân hàng để trả nợ ngay nếu không sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Cũng vào giờ đó ngày hôm sau 5-6, ông Nguyễn Văn Phụng nhận điện thoại của một “nhân viên ngân hàng” thông báo ông nợ gần 49 triệu đồng. Ngày kế tiếp, bà Nguyễn Thị Tố Uyên cũng nhận điện thoại với nội dung tương tự…

Tuy nhiên, do đã đọc thông tin cảnh giác từ Công an phường phổ biến trên zalo, facebook nên những người này chẳng ai lo sợ mà cấp báo ngay đến Công an phường. Đồng thời nêu câu chuyện của mình kèm theo số điện thoại của kẻ lừa đảo lên mạng xã hội để mọi người cùng cảnh giác.

Kịch tính nhất là bắt tội phạm, ông Nguyễn Hoàng Sơn, ngụ phường 7 kể lại, vào ngày 15-2-2018, trong lúc ông đứng trước nhà thì phát hiện có 7 đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn đi vào hẻm. Ông liền thông báo lên mạng zalo cho Cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố và người dân trong nhóm theo dõi.

Đúng như nhận định, sau khi rảo quanh con hẻm, nhóm người này vào sân của một căn nhà để lấy trộm xe gắn máy thì lập tức bị bắt quả tang. Hay như trường hợp của anh Nguyễn Huy Hùng, ngụ lô B, chung cư Ngô Tất Tố. Ngày 16-3-2018, anh phát hiện một đối tượng lạ mặt bước vào chung cư liền thông báo trong nhóm. Khi đối tượng này vào một căn hộ trộm chiếc máy ảnh để trên bàn, ngay lập tức bị bắt quả tang giao cơ quan Công an…

Không chỉ ngăn ngừa, bắt giữ tội phạm, các nhóm zalo, facebook, viber còn giúp Công an phường, Ban điều hành khu phố ngăn chặn nhiều vụ đánh nhau trong cộng đồng dân cư, bạo hành trong gia đình. Đặc biệt, qua đó mọi người còn bày tỏ những lời cảm ơn, động viên, khuyên nhủ… với hàng xóm, láng giềng khi ít có dịp để gặp trực tiếp với nhau do công việc đi sớm về khuya. 

“Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, bị kẻ gian đột nhập vào nhà lấy trộm xe gắn máy. Trong khi tôi chưa hay biết gì thì sau đó ít phút tôi xem zalo biết được mọi người đã bắt trộm ngay trong nhà tôi. Tôi rất biết ơn mọi người và đã thể hiện tình cảm ấy qua zalo trong nhóm”, chị Thanh ngụ phường 25 xúc động nói.

Người dân Bình Thạnh nắm bắt thông tin tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi.

Nói về ý tưởng hình thành mô hình phòng, chống tội phạm qua mạng xã hội, BCH Công an quận Bình Thạnh cho biết, tháng 11-2017, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, BCH Công an quận Bình Thạnh đã họp bàn quyết định xây dựng nhóm zalo, facebook kết nối điện thoại di động cá nhân nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống các loại tội phạm. 

Công an quận phân công cho Đội Xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố làm đầu mối phối hợp cùng các đội nghiệp vụ Công an quận cung cấp hình ảnh tài liệu tuyên truyền cho Công an 20 phường. Sau đó, Trưởng Công an 20 phường tham mưu cho Đảng ủy, UBND chọn mỗi phường từ 1-2 khu phố áp dụng thí điểm. 

Cảnh sát khu vực có trách nhiệm phối hợp cùng Ban công tác mặt trận khu phố, tổ trưởng tổ dân phố, bảo vệ khu phố, nhóm trưởng nhóm hộ tự quản và nhà cho thuê tự quản về an ninh trật tự cùng tham gia thực hiện. Mô hình này nhanh chóng tạo hiệu ứng và sức lan tỏa trong nhân dân, hầu như ai cũng muốn tham gia vào nhóm.

Đến nay, Cảnh sát khu vực của 238 ô, khu vực trên 89 khu phố thuộc 20 phường đã tạo lập được 448 nhóm zalo với 11.323 thành viên, 31 nhóm facebook với 1.162 người tham gia và 3 nhóm viber với 102 thành viên. Từ khi đi vào hoạt động (tháng 11-2017) đến nay, các nhóm này đã giúp ngăn ngừa 62 vụ lừa đảo; bắt quả tang 32 vụ trộm; ngăn chặn 37 vụ mâu thuẫn đánh nhau, bạo hành trong gia đình.

Công an phường 5 là một trong những đơn vị thực hiện khá tốt mô hình này. Trung tá Phạm Thị Loan, Trưởng Công an phường 5 cho biết: “Kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền bằng hình thức sử dụng mạng xã hội được phường thực hiện theo 7 bước. 

Ban chỉ huy Công an phường chịu trách nhiệm duyệt nội dung tuyên truyền sau đó mới chia sẻ trên các group đã kết nối. Cảnh sát khu vực phải sử dụng thành thạo các trang mạng xã hội và chịu trách nhiệm kết nối với người đứng đầu ở Ban điều hành khu phố, tổ trưởng tổ dân phố, chi đoàn thanh niên, bảo vệ dân phố, dân phòng, Hội Cựu chiến binh, Công an hưu trí, chủ nhà cho thuê, trường học, các trung tâm, doanh nghiệp đóng trên địa bàn… 

Sau đó các nhóm trưởng này kết nối đến từng cá nhân nhiều nhất có thể trong khu vực, đối tượng mình quản lý. Và mỗi thành viên như vậy được ví như một cơ sở, một nguồn tin giúp cơ quan Công an làm tốt công tác phòng chống tội phạm”.   

Từ thành công của mô hình này ở Công an quận Bình Thạnh, Công an các quận 11, 12, Thủ Đức, Gò Vấp và huyện Hóc Môn đã học tập làm theo và kết quả cũng rất khả quan. Rộng hơn, Công an một số tỉnh thành cũng đã đến Công an quận Bình Thạnh để tìm hiểu sâu về mô hình này để áp dụng ở địa phương mình.

Về phía lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị Công an TP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, đánh giá mô hình này ở Công an quận Bình Thạnh và một số nơi khác để có thể nhân rộng nếu đạt hiệu quả cao.

Theo Trung tá Lê Minh Trí, mặt hạn chế của mô hình này là chưa có phần mềm quản lý, do vậy mà không loại trừ khả năng kẻ xấu lợi dụng vào nhóm để kích động, xuyên tạc khi có vần đề nhạy cảm, phức tạp về an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn.

“Hiện nay chúng tôi đang đề xuất cấp trên trang bị phần mềm quản lý, khi đó mô hình này sẽ thật sự mang lại hiệu quả tối ưu. Mặt khác, các nhóm zalo, facebook vẫn chưa đến được đối với những người không sử dụng smartphone, người già cả, tàn tật nên công tác tuyên truyền theo kiểu truyền thống vẫn phải tiếp tục duy trì để đảm bảo thông tin phòng chống tội phạm đến với mọi người dân”, Trung tá Lê Minh Trí cho biết thêm.

Mã Hải
.
.