Yêu cầu các địa phương không sáp nhập cơ học thư viện
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc củng cố, kiện toàn thư viện công cộng, đề nghị các địa phương không sát nhập cơ học thư viện. Lý do là trước đó, nhiều địa phương đã sáp nhập cơ học thư viện với các thiết chế văn hóa khác trong khi nhu cầu và điều kiện chưa cho phép.
- Công an Nam Định đưa “thư viện lưu động” về xã, phát huy văn hóa đọc
- Thư viện "tình quê" của vợ chồng ông giáo già
- Tặng 9.000 sách “Ký ức người lính” và “Nền tảng đổi đời” cho Thư viện Quân đội
- Buồng xả stress trong thư viện
Ngày 11-5-2018, Văn phòng Chính phủ đã có có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện cộng cộng trong cả nước. Sau khi công văn này ban hành, việc sáp nhập thư viện tỉnh, thư viện huyện vẫn tiếp tục được triển khai tại một số địa phương đã làm ảnh hưởng đến hệ thống thư viện công cộng.
Để đảm bảo hệ thống thư viện không bị phá vỡ, ngày 28-8, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn yêu cầu Bộ kiểm tra, hướng dẫn việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng. Nội dung công văn nhận định: “Một số địa phương chủ trương, kế hoạch sáp nhập cơ học thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các thiết chế văn hóa khác có thể dẫn tới tình trạng hệ thống thư viện bị phá vỡ”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các địa phương, thư viện cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn, củng cố thư viện công cộng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ. Các địa phương không sáp nhập cơ học thư viện với các thiết chế văn hóa khác.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành chỉ đạo thư viện công cộng tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong tổ chức và cung cấp các dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành bộ sưu tập số, tăng cường công tác luân chuyển sách báo phục vụ ngoài thư viện, thực hiện tốt vai trò trung tâm phối hợp hoạt động, hỗ trợ các thư viện trên địa bàn.
Hoạt động thư viện cũng cần nâng cao hiệu quả của thư viện góp phần hoàn thiện nhân cách, trí tuệ, đạo đức, lối sống của người Việt Nam, hình thành và củng cố thói quen đọc sách ở trẻ em ngay từ lứa tuổi sớm nhất, hỗ trợ việc học ở các cấp độ khác nhau, phát triển khả năng sáng tạo, hỗ trợ kỹ năng tiếp cận, sử dụng máy tính, những thành tựu khoa học phục vụ cuộc sống… Các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động thêm nguồn lực đầu tư, phát triển thư viện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.