Hai tác giả Báo CAND tiết lộ "bí mật" về loạt bài đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia 2017

Thứ Năm, 21/06/2018, 08:38
Tối nay 21-6, Lễ trao Giải Báo chí quốc gia năm 2017 được tổ chức tại Hà Nội. Nhóm tác giả Duy Hiển - Anh Hiếu của Báo CAND vinh dự được nhận giải B với loạt bài “Hóa giải vùng đất dữ Lóng Luông”. Trước lễ trao giải, 2 tác giả đã chia sẻ những "bí mật" về tác phẩm...


Thượng tá Trần Duy Hiển hiện là Trưởng ban Pháp luật - Bạn đọc; Đại úy Lò Anh Hiếu hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế - Văn hóa - Xã hội. Nhân dịp này, hai tác giả đã có những chia sẻ trong quá trình tác nghiệp thực hiện loạt bài viết nêu trên.

Nhà báo Trần Duy Hiển: Tìm điểm mới trong đề tài quen thuộc

“Nhận được giấy mời của Hội đồng giải thưởng Giải báo chí quốc gia năm 2017 mời dự và nhận giải B, tôi và nhà báo Lò Anh Hiếu cảm thấy rất vui và vinh dự. Nghề báo lắm gian truân, khắc nghiệt nên việc được trao giải báo chí quốc gia là niềm tự hào mà những người cầm bút như chúng tôi luôn mong đợi.

Ý tưởng hình thành loạt bài “Hóa giải vùng đất dữ Lóng Luông” của chúng tôi bắt đầu từ một chuyến công tác xã hội từ thiện. Đầu tháng 8-2017, xã Nậm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) bị mưa lũ tàn phá nặng nề. Báo CAND đã cử nhiều đoàn công tác, phối hợp với các nhà hảo tâm lên thăm, tặng quà hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả thiên tai.

Nhà báo Trần Duy Hiển. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Trung tuần tháng 10-2017, Thượng tá Phạm Khải (hiện là Đại tá), Phó Tổng biên tập Báo CAND đã dẫn đầu đoàn công tác của Báo tiếp tục đến trao quà cho bà con huyện Mường La. Trước khi đoàn trở về Hà Nội, Đại tá Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã dành thời gian tiếp đoàn. Từ chuyện hỗ trợ đồng bào vùng lũ, Đại tá Trần Anh Tuấn chuyển sang chủ đề đấu tranh với tội phạm ma túy ở Sơn La.

Dù đây là đề tài rất quen thuộc với anh em phóng viên, nhưng qua câu chuyện xúc động được kể từ những người đang ngày đêm căng mình đấu tranh ngăn chặn cái chết “trắng”, những ý tưởng mới đã ngay lập tức hình thành trong suy nghĩ của chúng tôi. Lúc ấy, anh Phạm Khải cũng nhắc tôi và nhà báo Lò Anh Hiếu phải tìm hiểu thật kĩ về đề tài này.

Về Hà Nội, lại có sự trùng hợp nữa là trong một cuộc họp, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND cho biết: Tại cuộc giao ban trực tuyến của Bộ với Công an các đơn vị, địa phương, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm có nhắc công tác báo chí cần tập trung phản ánh kết quả đấu tranh với tội phạm ma túy ở những địa bàn nóng bỏng như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên… 

Thế là, chúng tôi khẩn trương lên đường trở lại Sơn La. Cảm nhận rõ nhất khi làm việc với lãnh đạo và cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Sơn La là họ nắm rất chi tiết về quá trình hình thành và các bước triển khai thực hiện “Phương án 279 về chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy”. 

Cơ sở để hình thành Phương án 279 xuất phát từ thực trạng tội phạm ma túy đang nhức nhối ở khu vực biên giới tỉnh Sơn La. Đó là hoạt động của các toán vận chuyển, mua bán ma túy có vũ trang, mang theo súng quân dụng (AK, súng ngắn, cạc bin, lựu đạn)… và cả chó săn. Hàng trăm bánh heroin được chúng vận chuyển qua biên giới, sau đó tập kết tại một địa điểm bí mật ở Lóng Luông rồi từ đây tỏa đi khắp nơi, gieo rắc bao hậu quả đau lòng. 

Phương án 279 về chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy ra đời trong bối cảnh đó, do Công an tỉnh tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy Sơn La ban hành. Từ phương án này, đã hình thành một chuyên án đặc biệt mang tên “279-LL”. 

Chuyên án được phê duyệt với sự nghiên cứu, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an. Lực lượng triển khai, thực hiện chuyên án là Công an tỉnh Sơn La với sự tham gia, hỗ trợ của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an huyện Vân Hồ, Công an huyện Mộc Châu và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát.

Làm việc với chúng tôi, Đại tá Phùng Tiến Triển, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban chuyên án 279-LL đã “bật mí” những cái mới trong “đề tài cũ”: 

“Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi còn sử dụng những phương tiện thô sơ theo tập quán của người dân địa phương như lưới, móc câu, bàn chông, bẫy hổ. Cùng với đó là kết hợp biện pháp giáo dục, thuyết phục, vận động để các đối tượng chủ động đầu thú, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, hạn chế thương vong cho chính họ. 

Kết quả đấu tranh rất khả quan, như trận đêm 3-5-2015, tại đỉnh núi Rồng thuộc bản Khò Hồng (xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ) lực lượng đánh án đã tiến hành quyết liệt các biện pháp, truy bắt các đối tượng, thu giữ 4 súng quân dụng gồm 3 súng AK báng gấp, 1 súng cạc bin; 85 viên đạn, nhiều vỏ đạn, 10 ba lô bên trong có tổng cộng 160 bánh heroin (56,859kg)”...

Phương án 279 (được triển khai từ năm 2013, dự kiến kết thúc năm 2018), trong đó chuyên án 279-LL đã diễn ra hơn 3 năm (2014-2017). Kết quả, các lực lượng chức năng đã bắt hàng chục đối tượng, thu giữ nhiều tang vật gồm 498 bánh heroin (170,1kg); gần 36.000 viên ma túy tổng hợp; 21 khẩu súng các loại… 

Để có được chiến công này, những người lính mang sắc phục Công an đã phải kinh qua nhiều trận đánh, nhiều cuộc đấu súng kéo dài, và máu của các anh đã đổ. Đồng chí Lường Phát Chiêm đã anh dũng hi sinh; một số đồng đội của anh thì bị thương…”. 

Nhà báo Lò Anh Hiếu: Ngược rừng, vượt lũ vào vùng đất ma túy

“Gần 20 năm làm báo, do được Ban biên tập Báo CAND phân công phụ trách công tác tuyên truyền địa bàn các tỉnh Tây Bắc nên đó cũng là ngần ấy năm tôi gắn bó với vùng đất này. Ngay từ khi lấy tư liệu viết những bài báo đầu tiên, tôi đã được anh em trinh sát tếu táo rằng, nếu coi tin, bài là “món ăn tinh thần” thì “đặc sản” được tuyên truyền nhiều nhất tuyến Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có lẽ là… ma túy!

Nhà báo Lò Anh Hiếu.

Điều khó khăn khi ấy là các tài liệu liên quan đến chuyên án 279-LL đều là tài liệu mật, không được sao chép mà chỉ được phép đọc một số tài liệu. Để bài viết được sinh động, chúng tôi đã xuống các huyện Mộc Châu, Vân Hồ và đi nhiều nơi để gặp chính những người trong cuộc, nghe họ kể lại các trận đánh lớn giáp đường biên. 

Qua đó mới hiểu thêm, trong suốt 3 năm, các đồng chí trong Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đều trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, sát cánh cùng các tổ công tác phá án trong lúc hiểm nguy nhất. Các tổ trinh sát, tổ án đấu tranh chuyên án đã 106 lần vào rừng phá án và phải chiến đấu ở địa hình rừng núi hiểm trở, giữa lằn ranh sinh tử.

Chuyên án 279-LL kéo dài tới 3 năm với 9 giai đoạn đấu tranh khốc liệt, được lãnh đạo Bộ Công an hết sức quan tâm, chỉ đạo sâu sát các đơn vị phá án, mở đầu cho một cách đánh án chưa từng có trong tiền lệ của lực lượng Công an, đấu tranh với nhóm vũ trang buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới giành thắng lợi nhưng vẫn đảm bảo yếu tố chính trị, ngoại giao, nghiệp vụ và đúng quy định của pháp luật...

Dấu ấn chuyến công tác vượt lũ mà điểm chốt là gặp được Ban Chuyên án và các nhân chứng tham gia thu thập thêm tư liệu, hoàn thành bài viết cũng thật gian nan. Xuất phát từ đầu giờ chiều nhưng chuyến xe bão táp xuyên màn đêm đưa chúng tôi từ Hà Nội đến được trụ sở Công an huyện Mộc Châu đã là 22h. Chuyến đi trở nên mỗi lúc một nguy hiểm hơn khi cứ qua một đoạn đường là lại gặp cảnh nước ngập sâu. Ôtô của chúng tôi có thể chết máy hoặc bị cuốn trôi; đất đá có thể sạt lở xuống đường bất cứ lúc nào, trong khi mưa thì vẫn đang tiếp tục…

Với sự giúp đỡ của Công an tỉnh Hòa Bình, chúng tôi “tăng bo” qua từng chặng đường ngập lụt để có thể kịp tới Sơn La. Chưa hết mệt, chúng tôi lại nghe Công an huyện Mai Châu thông báo tin không vui, lũ tràn về Hòa Bình, nước ùn ứ dồn về ngã ba Tòng Đậu cao hơn 3m và chia cắt tuyến đường Hòa Bình - Sơn La khoảng 500m. Chúng tôi bị mắc kẹt trong vùng lũ đến 3 ngày liền. Trời mưa, người ướt, chúng tôi vẫn cố tìm mọi cách để giữ máy tính, máy ảnh cẩn thận, giữ được tài liệu an toàn.

Trong cuộc đời làm báo, trong những chuyến băng rừng, lội suối, được trò chuyện với các anh – những người lính đang ngày đêm gồng mình chiến đấu trên trận tuyến ma túy nóng bỏng, đối với chúng tôi, đó thật sự là may mắn và hạnh phúc. 

Và cảm động hơn nữa khi những tác phẩm báo chí của chúng tôi được sinh ra trong những hoàn cảnh ấy, như loạt bài “Hóa giải vùng đất dữ Lóng Luông” đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng, sự mưu trí, dũng cảm trong từng trận đánh của lực lượng Công an bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân”.

Vũ Cảnh (ghi)
.
.
.