Cầu Vàng trên núi...

Chủ Nhật, 03/02/2019, 15:58
Trong biển mây bồng bềnh, dưới ánh nắng vàng như rót mật của ngày cuối năm, hình ảnh cây cầu được đôi bàn tay rêu phong nâng tựa trên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng), bất chợt khiến tôi rơi vào thế giới cổ tích, huyền hoặc.


I. Trong biển mây bồng bềnh, dưới ánh nắng vàng như rót mật của ngày cuối năm, hình ảnh cây cầu được đôi bàn tay rêu phong nâng tựa trên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng), bất chợt khiến tôi rơi vào thế giới cổ tích, huyền hoặc. Tự dưng, tôi liên tưởng đôi bàn tay rêu phong, chắc khỏe kia là của thần núi, chàng ta đang nâng niu dải lụa mềm óng ánh tơ vàng của người con gái mình đã yêu thương, đắm đuối trao tặng và đợi chờ mùa xuân tao ngộ…       

Thấm thoát, một mùa xuân nữa lại về. Tóc đã điểm sương, tuổi chồng thêm tuổi. Vậy mà, sáng nay ngồi nhấp chén trà ướp sen Tây Hồ thơm ngát trên đỉnh Bà Nà, được người bạn thân mang vào từ kinh đô Trường An, chợt thấy mình như thoát tục, lạc chốn thiên thai, trẻ lại tuổi đôi mươi. 

Trong mơ hồ, cây cầu như dải lụa được đôi tay thần núi nâng niu, mà tự hỏi, không biết bây giờ người con gái ấy đã về đâu… Bỗng có bàn tay đập nhẹ vào vai, kéo tôi về thực tại. Nhìn xuống, trên vai là bàn tay búp măng, với những ngón tay thon, mềm mại của một cô gái. Đôi mắt đen lấp lánh nụ cười ẩn chứa bao ngạc nhiên, Khải Huyền nhìn tôi, nhẹ nhàng hỏi: “Anh mới trở lại Bà Nà sao?”. “Ừ, lâu lắm rồi!...”.
Cầu Vàng, một kiến trúc độc đáo trên đỉnh Bà Nà.

Mà lâu thật. Hẳn đã hơn mười năm rồi còn gì. Tôi lục tìm trong ký ức xa mờ, khi đỉnh Bà Nà còn hoang sơ, với những ngôi biệt thự Hoàng Lan, Bà Nà by night, Lệ Nim… Hồi đó, đường lên đỉnh Bà Nà đâu có được như bây giờ, thong dong ngồi cabin cáp treo lơ lửng giữa trời mây mà ngắm nhìn màu xanh ngút ngàn của rừng núi Chúa. Chỉ là con đường nhỏ, hẹp chạy quanh co qua hàng chục khúc cua tay áo, con đường trông xa như sợi chỉ, vắt vẻo trên lưng núi khiến không ít người dẫu có thích thú với Bà Nà cũng e dè, lo ngại.

Nhưng hôm nay, khi Khải Huyền đưa tôi trở lại Bà Nà, người ta đã thống kê, hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng đều không thể bỏ qua một “Bà Nà trong mây”. Chưa đến Bà Nà đồng nghĩa chưa đến “thành phố đáng sống”!. 

Khách lên đỉnh Bà Nà bằng những tuyến cáp treo hiện đại bậc nhất thế giới và được trải nghiệm những kỳ tích lao động miệt mài của các công nhân Tập đoàn Sun Group. Nào là tàu hỏa leo núi, nào là làng Pháp, hầm rượu cổ Debay… Rồi được đắm mình trong các lễ hội độc đáo, hòa niềm vui cùng thiên nhiên, hoa cỏ trong các khu vườn đẹp tựa chốn địa đàng. “Bàn tay ta làm lên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. 

Tôi lại nhớ lại dịp khánh thành tuyến cáp treo đầu tiên Bà Nà – Suối Mơ, được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, ngồi cabin ngắm cảnh núi rừng nằm dưới một đường dây cáp kỳ vĩ kéo từ chân núi lên đến đỉnh, các lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng đều trầm trồ, thán phục và đã nhắc đi, nhắc lại câu thơ ấy của nhà thơ Hoàng Trung Thông…

II.  Khải Huyền kể cho tôi nghe câu chuyện kho vàng trong núi Bà Nà mà hơn 60 năm trước ông Cao Đắc Ẩn, ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, đã viết mật thư “tấu trình” với Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống của cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa ở miền Nam. 

Chuyện rằng, ông Ẩn làm phu vàng cho Meitel, là con rể của viên Cảnh sát trưởng người Pháp Chevalier ở Đà Nẵng vào đầu thập niên 40. Khi xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp, năm 1945, Meitel bắt ông Ẩn cùng một người em vợ, bịt mắt, gí súng vào lưng buộc khiêng hơn 100 ký vàng đi chôn giấu trên núi Bà Nà. Sau đó, Meitel bị lực lượng Việt Minh bắt đưa vào miền Nam, ông Ẩn cũng đã bỏ ra hàng chục năm trời lặn lội tìm kho báu nhưng không tìm được… 

Có lẽ vì ám ảnh câu chuyện này mà khi Sun Group triển khai xây dựng các công trình trên núi Bà Nà, một số người đã rỉ tai nhau rằng, họ đang tổ chức tìm kho vàng của Meitel. Tôi bật cười, bảo: “Thì Sun Group đã tìm được vàng ở núi Bà Nà rồi còn gì…”. Khải Huyền tròn mắt nhìn tôi và như hiểu ra, nàng bật cười khanh khách…

Cáp treo lên đỉnh Bà Nà.

Bà Nà được chuyển giao cho Tập đoàn Sun Group từ hơn 10 năm về trước. Đó là năm 2007, đánh dấu cột mốc cho sự thay đổi đến kỳ diệu của Bà Nà như hôm nay. Du lịch Đà Nẵng thời điểm đó đạt ngưỡng 1 triệu lượt khách và đã được xem là thành công lớn, vì so sánh với đầu thập niên 2000, mới chỉ có khoảng 393 nghìn lượt khách đến với thành phố bên sông Hàn, trong khi, rất ít người có hứng thú lên Bà Nà. 

Còn hôm nay, đặc biệt sau khi công trình cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà được khánh thành, với thiết kế độc đáo, mỗi ngày thu hút hàng vạn khách tham quan. Nhất là khi cầu Vàng liên tục lọt vào danh sách các điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, cũng như dẫn đầu các bảng xếp hạng trong nhiều cuộc bình chọn uy tín, như lọt Top 100 điểm đến hấp dẫn nhất Thế giới của Tạp chí Time, Top 5 giải thưởng ấn tượng của The Guide Awards 2018…, mùa cao điểm du lịch, có ngày Bà Nà đón hàng chục nghìn lượt khách.

Trước khi lên Bà Nà, trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, bày tỏ trong niềm vui và phấn khích rằng, chỉ tính 10 tháng của năm nay, Đà Nẵng đã đón gần 6,9 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế hơn 2,5 triệu lượt, tăng 31%; tổng thu du lịch ước đạt 23.661 tỷ đồng, tăng 43,1%... Đây là những con số “vàng” của ngành Du lịch Đà Nẵng đạt được trong năm 2018. 

Và, để có kết quả đáng mừng này thì những công trình du lịch, khu vui chơi mà Sun Group đã đầu tư tại Đà Nẵng, trong đó có khu du lịch sinh thái Bà Nà, cũng đã đóng góp một phần không nhỏ. Đành rằng, Đà Nẵng là thành phố biển, nhưng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng không chỉ để tắm biển mà còn phải có điểm vui chơi, với những công trình kiến trúc độc đáo như trên đỉnh Bà Nà, mới có thể níu giữ chân du khách…

III. Tôi bảo Khải Huyền, tôi yêu Đà Nẵng. Có lẽ vì thế mà trong tôi luôn trăn trở những “câu chuyện Đà Nẵng”. Mùa đông năm trước, trong chuyến đi châu Âu, khi đứng trên đỉnh núi Alps huyền thoại được mệnh danh “thiên đường tuyết” của đất nước Thụy Sĩ, tôi đã nghĩ rất nhiều đến cuộc tranh luận về bán đảo Sơn Trà. 

Sau đó, khi đến thăm núi dát vàng-Trân Bảo Phật Sơn của Thái Lan, những trăn trở về Sơn Trà cũng nung nấu trong tôi. Lội trong tuyết trắng, với cái lạnh âm 10 độ C trên đỉnh Alps, tôi đau đáu nỗi niềm khi một Sơn Trà đẹp như tranh vẽ chưa được quy hoạch thành một điểm đến của du lịch, kết hợp với bảo vệ và phát triển môi trường bền vững. 

Tôi cũng không bàn chuyện 22 năm trước, hoàng gia Thái Lan đã bỏ ra đến 999kg 24 kara để khắc nổi trên vách núi Khao Chee-Chan bức tượng phật Thích ca Mâu ni cao 130m, rộng 70m; mà chỉ muốn nói đến cái kết “có hậu” của quyết định táo bạo này, đó là đã mang lại sự thay đổi rất lớn cho miền đất hẻo lánh của tỉnh Chon Buri. 

Trân Bảo Phật Sơn là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đi du lịch Thái Lan. Còn Sơn Trà, với lợi thế thiên nhiên ban tặng, núi dầm chân biển, là nơi sinh sống của loài linh trưởng “nữ hoàng”, vẫn đang phải chờ đợi…

Và tôi nghĩ về Đặng Minh Trường, một người trẻ, nhiệt huyết, đang là Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group. Còn nhớ, trong buổi tọa đàm tại Diễn đàn kinh doanh Forbes 2018, Đặng Minh Trường chia sẻ câu chuyện về chuyến du lịch cùng các cộng sự đến hòn đảo ở Địa Trung Hải cách đây 16-17 năm. Rằng, dù anh đã mua tour gói rất đắt tiền, nhưng những gì được thụ hưởng không tương xứng với số tiền đã bỏ ra. 

“Chúng tôi thấy thật bất công khi Việt Nam có 3.000km đường bờ biển đẹp tinh khôi, là một trong những nước ở top đầu về tài nguyên du lịch và thiên nhiên, song lại không có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Trong khi đó, hòn đảo này không có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng vẫn là thiên đường du lịch thế giới. Phải chăng chúng ta chưa có cách quảng bá đúng, cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng chưa xứng tầm?”… 

Trở lại Bà Nà chứng kiến những công trình kiến trúc độc đáo, tuyệt đẹp khiến du khách phải xao xuyến, thán phục và ngưỡng mộ, tôi nghĩ, câu hỏi kia đã có lời giải đáp. Sun Group chọn Đà Nẵng để khởi nghiệp và Bà Nà đã được đánh thức sau giấc ngủ dài, mang lại những “mùa vàng” bội thu.

Long Vân
.
.
.