Pác Bó mùa xuân này

Thứ Hai, 12/03/2018, 14:43
Một ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, chúng tôi trở lại Pác Bó - Khu di tích Quốc gia đặc biệt, địa danh gắn liền với một giai đoạn hoạt động cách mạng quan trọng của Bác Hồ và cách mạng Việt Nam. 

Đã hơn 75 mùa xuân trôi qua kể từ ngày 28-1-1941, ngày lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về đất nước qua cột mốc 108 lịch sử, cảm động hôn nắm đất của Tổ quốc và xây dựng căn cứ địa cách mạng, Pác Bó đã thay da đổi thịt, vươn lên mạnh mẽ với khát vọng dựng xây.

Cung đường 52km từ thành phố Cao Bằng đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng cheo leo nhưng đẹp và hùng vĩ. Cung đường này cũng chính là chặng đầu tiên của tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, xuất phát từ "địa chỉ đỏ" cách mạng Pác Bó đến mũi Cà Mau. Đang vào tiết đẹp nhất của mùa Xuân, những hạt mưa xuân đặc trưng của miền núi Bắc Bộ bay bay trong gió đủ làm mềm lòng du khách.

Những ngày này, Pác Bó tấp nập những đoàn xe của du khách gần xa đến tham quan và khám phá những nét đẹp tự nhiên và tìm hiểu dấu ấn lịch sử dân tộc còn ghi lại nơi đây. Băng qua một quảng trường nhỏ, chúng tôi leo những bậc thang dựng đứng lên đến đỉnh Pò Tếng Chấy. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa thấy bát ngát một màu xanh của cây lá. 

Dòng suối Lênin xanh biếc uốn lượn hiền hòa như tô điểm thêm bức tranh thủy mặc của Pác Bó. Đỉnh Pò Tếnh Chấy có đền thờ Bác Hồ, đây là một công trình thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn vô hạn của người dân Pác Bó đối với vị Cha già dân tộc. 

Bên trong đền thờ, ở nơi chính điện Pho tượng Bác ngồi. Phía trên là bức hoành phi chạm nổi bật lên 4 chữ vàng “Hồng nhật cao minh”; đôi câu đối đặt hai bên ca tụng công lao trời biển của Bác và đất thiêng Cao Bằng: “Lãnh tụ trở về nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó/Anh hùng tụ lại tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng”...

Cột mốc Km0 đường Hồ Chí Minh, bắt đầu tại Pác Bó.

Men theo con đường đá nhỏ dẫn về đầu nguồn dòng suối Lênin, chúng tôi tìm đến nhà ông Mạc Văn Lung, cháu của cụ Dương Văn Đình-một trong những người vinh dự được đón Bác Hồ trong những ngày đầu về nước. 

Ông Lung là cựu chiến binh bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Theo lời kể của ông Lung, cụ Dương Văn Đình là anh em kết nghĩa với già Thu (tên gọi thân thương của người dân đối với Bác Hồ) và những người dân làng Pác Bó ngày ấy đã đùm bọc, chở che cho căn cứ cách mạng Việt Nam. 

Trong khoảng sân nhỏ giữa núi rừng Pác Bó, ông Lung đưa chúng tôi về những câu chuyện của mùa xuân 77 năm trước, ông nói: “Bác Hồ chỉ ở hang Cốc Bó, phải nhấn mạnh tên hang là Cốc Bó và làng mới có tên là Pác Bó hơn một tháng và phải chuyển đến lán Khuổi Nậm sau khi bị địch phát hiện. Cụ Dương Văn Đình đã kêu gọi bà con trong làng cùng góp công xây dựng nơi ở mới cho Bác. Gọi là lán Khuổi Nậm nhưng không phải chỉ là một lán duy nhất. Người dân đã dựng một số lán cách không xa nhau nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Mỗi khi có địch đến gần, người dân chịu trách nhiệm thông báo cho các cán bộ được biết bằng mật khẩu đặc biêt – ‘bò vào rẫy ăn ngô rồi!’, để Bác và các đồng chí khác có thể kịp thời sơ tán đến lán khác”, ông Lung kể lại. 

Cũng qua lời kể của ông Lung, chúng tôi được biết trước khi được Bác đặt tên là suối Lênin và núi Các Mác, dòng suối trong xanh ấy có tên là suối Giàng, hay suối Tiên, và núi ấy được gọi là Phia Tao, theo tiếng dân tộc có nghĩa là Núi Đào, bởi trước đây vùng chân núi và sườn núi cứ mỗi độ xuân về lại rực rỡ sắc hồng của hoa đào.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua kể từ mùa xuân năm 1941 lịch sử, cùng với sự cần cù, chịu khó của đồng bào dân tộc, sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, huyện Hà Quảng nói chung và Pác Bó nói riêng giờ đã thay da đổi thịt, phát triển vượt bậc. Xã Trường Hà là một trong những xã đầu tiên ở Cao Bằng đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới. 

Phát huy lợi thế của địa phương, những năm qua, người dân Pác Bó, Trường Hà tập trung phát triển kinh tế theo mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Chim trĩ, mận, thanh long ruột đỏ, quả hồng là những đặc sản của Pác Bó hiện nay trở thành những "thương hiệu" khá nổi tiếng.

Ông Nông Thanh Bằng là một điển hình trong công tác xóa đói giảm nghèo ở thôn Pác Bó. Từ một hộ khó khăn, ông đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư nuôi gà, trồng hồng. "Bóc ngắn cắn dài", chịu thương chịu khó, từ năm 2014 gia đình ông đã có thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. 

Từ năm 2016, ông đầu tư mở rộng quy mô trang trại, cung cấp gà thịt thương phẩm cho hàng chục nhà hàng ở TP Cao Bằng và các địa phương lân cận. Chính những người nông dân như ông Bằng đã góp phần đưa vùng căn cứ địa cách mạng Pác Bó từ một xã thuần nông 100% nay tỷ trọng kinh tế thương mại - dịch vụ đã chiếm 25%. 

Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, thôn Pác Bó nói riêng, xã Trường Hà nói chung được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. 

Hiện nay, cả 9/9 thôn đường giao thông đã được bê tông hóa. 100% hộ gia đình ở Trường Hà được sử dụng điện lưới quốc gia, số hộ nghèo ở xã chỉ còn 5 hộ. 9/9 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa. Trường Hà cũng là lá cờ đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhiều năm liên tục được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Thượng tá Nguyễn Hảo Như, Trưởng Công an huyện Hà Quảng cho biết: Đứng chân trên một địa danh lịch sử, Công an huyện Hà Quảng nhận thức rõ vinh dự cũng như trách nhiệm của mình. 

Trong những năm qua, cùng với Đồn Biên phòng Sóc Hà, CBCS đã bám địa bàn, bảo vệ vững chắc đường biên mốc giới, giữa vững và ổn định tỉnh hình an ninh trật tự địa bàn. Huyện Hà Quảng cũng là địa bàn có phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ khá toàn diện, với nhiều mô hình, cách làm hay trong đảm bảo an ninh, trật tự. 

"Công an huyện luôn chú trọng làm tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, nên phạm pháp hình sự năm 2017 giảm so với năm 2016. Tỷ lệ điều tra khám phá hình sự cao, vượt 13% so với chỉ tiêu đề ra, đạt (93%). Đặc biệt, Hà Quảng là địa bàn nhiều năm nay không xảy ra trọng án" - Thượng tá Nguyễn Hảo Như cho biết thêm.

Một mùa xuân mới lại về với miền biên cương, sau những tán cây đại thụ che chở bản làng bấy lâu giờ là những ngôi nhà mái mới, là đường bê tông kiên cố. Thôn biên giới Pác Bó ngày nay được xây dựng thành Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. 

Núi Các Mác soi bóng suối Lênin.

“Trước đây, khu di tích chỉ có một vài cán bộ quản lý, chủ yếu là người dân và con em ở địa phương, nhưng hiện nay, với quy mô khu di tích được mở rộng và lượng du khách đến tham quan ngày một lớn hơn nên số cán bộ và nhân viên của khu di tích cũng ngày càng được nâng lên cả số lượng và chất lượng”, ông Lung, người cũng từng giữ chức vụ Quản lý khu di tích Pác Bó và có nhiều năm nghiên cứu tài liệu về lịch sử nơi đây cho biết.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, kể từ mùa Xuân Tân Tỵ 1941 Bác Hồ trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Pác Bó hôm nay đã trở thành Khu di tích Quốc gia đặc biệt, trở thành địa danh lịch sử cách mạng quan trọng của cả nước, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.

“Ông Ké” hay “già Thu” vẫn sống mãi trong tình cảm của người dân vùng căn cứ địa cách mạng, tình quân dân vẫn bền chặt sắt son trong suốt những thời kỳ cách mạng và chẳng hề nhạt phai qua bao năm tháng sẽ là động lực để Pác Bó nói riêng, Cao Bằng nói chung vươn lên phát triển.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó được xây dựng trên diện tích gần 300ha, với hơn 46 điểm di tích. Năm 2017, Khu di tích đón trên 2.000 đoàn khách trong nước và quốc tế với khoảng 140.000 lượt khách, trong đó, trên 6.500 lượt khách quốc tế. 

Những năm gần đây, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó được quy hoạch chi tiết để phát triển một cách đồng bộ luôn được đặc biệt quan tâm. Hơn 40 cán bộ, công nhân viên và người lao động của Khu Di tích Pác Bó luôn hăng say, tận tụy, đón tiếp phục vụ hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan.

Duy Tiến
.
.