Tọa đàm "Dòng VHNT về đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ công an"

Thứ Tư, 14/08/2019, 14:08
Ngày 14-8, tọa đàm “Dòng văn học nghệ thuật về đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ công an 20 năm (1999 – 2019)”  đã diễn ra tại Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là hoạt động  do Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội Nhà văn Công an tổ chức nhân dịp  kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, ngày Quốc khánh 2-9, 74 năm Ngày truyền thống CAND (19-8-1945 – 19-8-2019).

Buổi tọa đàm do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an; Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an chủ trì.

Dự buổi tọa đàm có đồng chí PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật (VHNT) trung ương; Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công an … nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Công an, đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT ở trong và ngoài lực lượng công an. 

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND cùng các lãnh đạo trong Ban biên tập Báo CAND đã đến dự, chúc mừng ban tổ chức tọa đàm.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu khai mạc, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an khẳng định: Buổi tọa đàm là dịp để các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận VHNT cùng nhìn lại chặng đường 20 năm  của dòng văn học về đề tài an ninh trật tự, vì bình yên cuộc sống và hình tượng người chiến sĩ công an (1999 – 2019).

Đây là thời kỳ đỉnh cao về số lượng và chất lượng tác phẩm VHNT về lĩnh mảng đề tài nói trên và là thời kỳ Chi hội Nhà văn Công an có nhiều hoạt động hiệu quả nhất, các cây viết trong lực lượng công an được vào Hội Nhà văn Việt Nam, các Hội Sân khấu, Điện ảnh Việt Nam nhiều nhất. Buổi tọa đàm là hoạt động thực sự có ý nghĩa trong những ngày tháng Tám này.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng VHNT về đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ công an đã đạt nhiều thành tựu nhưng thực tế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cho VHNT về mảng đề tài này. 

Tọa đàm là dịp để ban tổ chức và người cầm bút lắng nghe, trao đổi ý kiến nên viết như thế nào về người công an, về an ninh trật tự một cách hiệu quả nhất, để khi khai thác các mặt tích cực và tiêu cực cũng đều lý giải được những vấn đề căn cốt của an ninh trật tự, người công an.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT trung ương traoo đổi với các đại biểu dự tọa đàm

Nhà văn Chu Lai nhận định: An ninh trật tự luôn là mảng đề tài “nóng” nhất trong các loại hình VHNT nhưng VHNT khai thác mảng đề tài này đang nảy sinh nhiều vấn đề mang tính lý luận. Cụ thể, có những tác phẩm chỉ có xung đột, gay cấn dữ dội mà thiếu vắng đi con người, nỗi niềm con người. Tức là mải đuổi theo cốt truyện mà quên khai thác chiều sâu tâm lý. Việc đè lên người, người chìm trong việc. Hình ảnh người chiến sĩ công an khô cứng, lời thoại sáo mòn, nặng về tính hô hào, hiệu triệu. Tâm hồn thì lâp trình như một cỗ máy chiến đấu, một robot chiến binh vô hồn, vô cảm. 

Ngược lại, nếu chỉ đi sâu khai thác vào nỗi niềm, tâm lý con người mà thiếu đi những xung đột, những sự kiện cần có. Cuối cùng, hình tượng người chiến sĩ công an lại loanh quanh trong mớ vụn vặt đời thường với những khổ đau, cô đơn, bất công, thất thiệt hoặc là rơi tõm vào sự trăn trở, dằn vặt cá nhân thái quá mà tịnh không thấy bổn phận công việc đâu. 

Một vấn đề khác nữa là nhà văn viết tác phẩm theo kiểu mỗi thứ một tý, có vẻ nhân văn, nhân tình, chất văn học, nhưng không ra ngô, không ra khoai. Người viết quên mất rằng con người không gắn với công việc thì con người không tồn tại, dù nhà văn có khai thác chiều sâu tâm lý. Và, chính sự kiện, nghĩa vụ mới tạo nên hình ảnh, phẩm chất điển hình của người chiến sĩ công an.

Nhà văn Chu Lai mang đến buổi tọa đàm một tham luận công phu về VHNT với đề tài an ninh trật tự, hình tượng người chiến sĩ công an 

Cũng theo nhà văn Chu Lai, cuộc chiến đấu với cái ác, với lòng tham của con người để giữ gìn bình yên cuộc sống là bổn phận thiêng liêng, cao cả của người chiến sĩ công an nhưng cái ác, cái xấu đó không đơn thuần chỉ là đối tượng khách thể, đối tượng nằm ỏ chiến tuyến rạch ròi, phía bên kia, cần triệt tiêu mà do đặc thù nhạy cảm và hết sức phức tạp của công việc. 

Trong công an cũng có tiêu cực, VHNT cần khai thác nhưng là viết cái tiêu cực để khẳng định cái tích cực, viết về sự băng hoại của nhân cách để khẳng định cái ấm nóng của nhân tình. Người cầm bút phải cắt nghĩa, nhận diện đâu là hiện tượng, đâu là bản chất thì mới có những trang viết thuyết phục  bạn đọc.. 

Chưa kể, hiện nay,  chân dung tội phạm vô cùng đa dạng. Trong mỗi con người tội phạm cũng đều có những góc khuất, đa chiều, cần được nói ra để cảnh tỉnh, dự  báo chứ không phải để bào chữa… Vấn đề là người cầm bút xử lý, khai thác các vấn đề như thế nào, tránh né, hời hợt hay dụng tâm sức để có những tác phẩm tương xứng, chưa nói đến tác phẩm đỉnh cao.

Tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận tâm huyết của các đại biểu đã phân tích, chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại cũng như hướng phát triển mới cho dòng văn học về đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ công an trong thời gian tới.

Theo nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, người gắn bó và có nhiều trang viết về các nhà văn trong công an, văn học công an là một bộ phận của văn học Việt Nam. Các cuộc thi viết về người chiến sĩ công an, về đề tài an ninh trật tự, vì bình yên cuộc sống do Bộ Công an tổ chức thời gian qua đã góp phần phát hiện và nâng đỡ, tạo điều kiện cho các cây viết phát huy tài năng. Tuy nhiên, số lượng hội viên trẻ của Chi hội Nhà  văn Công an vẫn còn ít. Trong thời gian tới, Chi hội cần quan tâm đào tạo, bổ sung thế hệ kế cận này.

Tiến sĩ Nguyên An chỉ ra xu hướng đối thoại xã hội ở văn xuôi của các nhà văn trong lực lượng công an. Nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học hay trong xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an bên cạnh bộ đội Cụ Hồ. Nhà văn, nhà báo Đào Trung Hiếu cho rằng cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ công an là nguồn chất liệu vô tận với người cầm bút.

Nhưng, để tác phẩm thuyết phục, thu hút bạn đọc, người viết cần có kỹ năng, kiến thức và nội dung viết phải chân xác vì bạn đọc ngày nay có rất nhiều điều kiện để thẩm định thông tin… Đại úy, nhà văn Chu Thanh Hương, cây bút trẻ đến từ Công an tỉnh Lạng Sơn  khẳng định, với mảng đề tài này, người viết cần cả sự rung động lẫn vốn sống…

Lắng nghe và bày tỏ sự đồng tình với tham luận của các đại biểu, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Viết về an ninh trật tự, về người chiến sĩ công an đòi hỏi sự nỗ lực hơn rất  nhiều so với một số mảng đề tài khác. 

Thời gian qua, đội ngũ viết về mảng đề này ngày càng đông hơn. Số lượng tác phẩm cao hơn và  có nhiều tác phẩm thành công. Thời gian qua, hoạt động VHNT trong công an, về công an luôn được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm. Bộ đã tạo điều kiện, tích cực phát hiện, bồi dưỡng lực lượng viết về đề tài này… 

Tuy nhiên, viết về lực lượng công an rất khó. Buổi tọa đàm của Chi hội Nhà văn Công an, Hội Nhà văn Việt Nam là hoạt động rất cần thiết. Hiện nay, Bộ Công an đã, đang tổ chức nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác về hình tượng người chiến sĩ công an, vì bình yên cuộc sống, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống CAND, cần sự phối hợp của các địa phương, đặc biệt là Hội VHNT chuyên ngành từ trung ương đến địa phương. Những kinh nghiệm, chia sẻ từ tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy sáng tạo, có thêm nhiều tác phẩm chất lượng, tương xứng với chiến công của lực lượng CAND.


Hoa Nguyễn
.
.
.