Tiếp tục làm sáng rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ

Thứ Tư, 06/05/2020, 16:46

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Trung ương Đảng khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày 6/5, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tổ chức hội thảo khoa học: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp”.



Tham gia hội thảo có 30 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, đại biểu các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nguyên cán bộ, cán bộ khoa học của Khu di tích và đại diện một số cơ quan báo chí tại Hà Nội. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng ta, đồng thời làm sáng rõ hơn những hoạt động và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca cách mạng, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam…Cuộc đời và đức độ của Người là hiện thân của sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản trong thời đại mới, mà biểu hiện rực rỡ nhất là tình đoàn kết quốc tế trong sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu Tổ quốc và nhân dân mình, Người còn luôn mơ ước, phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp, hoà bình và hạnh phúc cho tất cả những người cùng khổ. Vạch đường, chỉ lối, đoàn kết họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định thực hiện khẩu hiệu nổi tiếng: Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!. Trái tim Người, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn dành để cống hiến cho mọi người, cho dân tộc và cho nhân loại.

Hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp"

Tạp chí Những người bạn Mỹ, từng thừa nhận “Loài người sẽ mãi mãi nhớ đến nhà yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh, đó là một trong những chiến sĩ vĩ đại nhất đã bảo vệ tự do và phẩm cách con người trong một thế giới đầy lo âu và biến động”. 

Hơn 50 năm qua, chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn luôn bên cạnh, Người vẫn sống mãi với non sông đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người ngày càng khắc sâu trong trái tim, khối óc của mỗi chúng ta. Với tinh thần bày tỏ sự tri ân công lao và sự đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quên mình vì sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Đảng ta, nhân dân ta vô cùng tự hào và biết ơn vị lãnh tụ suốt đời hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân ta. 

Toàn cảnh hội thảo ngày 6/5

44 báo cáo khoa học gửi đến Ban tổ chức hội thảo hôm nay không chỉ là một dịp ôn lại, khẳng định vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với sự phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thiết thực, góp phần “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giai đoạn mới.

Tập trung phân tích về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng của Đảng, đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng công tác tư tưởng, coi đây là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm truyền bá, phổ biến hệ tư tưởng cách mạng trong xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy con người hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi lý tưởng và mục tiêu chủ nghĩa xã hội. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là vị tổng tư lệnh tối cao trên mặt trận tư tưởng, mà còn là người chiến sĩ tiên phong. Ngay từ những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã viết hàng trăm bài báo. Những năm 1925 - 1927, Người mở lớp huấn luyện chính trị cho hơn 200 thanh niên yêu nước tại Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị về mặt lý luận và tổ chức cho việc thành lập chính đảng cộng sản ở Việt Nam.

 Từ khi về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh, Người không ngừng nghiên cứu, đề ra đường lối cho cách mạng Việt Nam, kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, giác ngộ quần chúng phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người viết hơn 2.000 bài báo, hàng chục cuốn sách về lý luận và thực tiễn, phục vụ yêu cầu cách mạng. 

Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà nghiên cứu lý luận, nhà báo, nhà tuyên truyền, cổ động kiệt xuất. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là một di sản đồ sộ về lý luận công tác tư tưởng và thực tiễn hoạt động tư tưởng. Tầm vóc tư tưởng của Người khởi nguyên cho quá trình tư tưởng giải phóng dân tộc Việt Nam, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội…

Tại hội thảo, nhiều báo cáo khoa học làm rõ hơn sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là trong củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng, đồng thời khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc.

Nhiều báo cáo làm rõ hoàn cảnh và quá trình hình thành con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình Người tiếp thu và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và quá trình Người chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. 

Nhiều tham luận tập trung làm rõ các chỉ đạo đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với phong trào cách mạng, xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam, chỉ rõ những kết quả nổi bật từ việc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng, bảo vệ tổ quốc… 


N.Hoa
.
.
.