Sử dụng công nghệ để minh bạch thu tiền bản quyền âm nhạc

Thứ Hai, 09/10/2017, 08:19
Sau hàng loạt các tranh cãi liên quan đến thu tiền bản quyền âm nhạc Việt Nam chưa có hồi kết của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), khi các chủ khách sạn Đà Nẵng lên tiếng khẳng định sẽ không chi một đồng nếu không thấy hợp lý và sẵn sàng chấp nhận trả tiền nếu VCPMC đưa ra được chứng lý thuyết phục.

Về vấn đề này Cục Bản quyền tác giả và nhiều công ty cung cấp các giải pháp công nghệ đều khẳng định VCPMC hoàn toàn có thể đáp ứng được. Cục trưởng Cục Bản quyền, ông Bùi Nguyên Hùng chia sẻ rằng hiện nay công nghệ thông tin rất hiện đại. Nhiều vướng mắc trong kiểm soát sử dụng tác phẩm âm nhạc từ các đơn vị kinh doanh karaoke cho đến nhiều lĩnh vực khác đều có thể tìm giải pháp từ công nghệ. 

Ví dụ với lĩnh vực karaoke, nhiều nước đã có thiết bị kiểm soát chính xác được từng bài, từng số lần, từng đầu máy mà mỗi cơ sở kinh doanh sử dụng.Thậm chí, nếu chủ cơ sở cố tình gian lận, rút thiết bị kiểm soát này ra, khi tiến hành kiểm tra, cắm lại thiết bị này vào, kết quả vẫn cho ra con số chính xác.

Chia sẻ quanh câu chuyện kiểm soát và minh bạch thu chi tiền bản quyền âm nhạc, ông Đặng Đình Long, đại diện Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ và truyền thông AIBIZ cho biết, không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam hiện nay đã có các thiết bị như thế.

Không ít người kỳ vọng việc áp dụng khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy thực thi bản quyền âm nhạc.

Ngay với các tác phẩm âm nhạc phát trên sóng truyền hình, AIBIZ có thể cung cấp giải pháp công nghệ đo chính xác đến từng phút, từng giây tác phẩm được phát sóng trên các kênh. Vấn đề là các tổ chức, đơn vị chịu áp dụng đến đâu và chấp nhận sự minh bạch đến mức nào?

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa cũng chia sẻ rằng nếu đòi hỏi tất cả phải rõ ràng, cụ thể, minh bạch ngay lập tức thì rất khó. Có lẽ vì thế nên đến nay, sau hơn 18 tháng thành lập, APPA vẫn khá dè dặt trong hoạt động thu tiền bản quyền cho các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc. 

Nữ nghệ sĩ khẳng định, bất kỳ một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả nào cũng mong muốn bảo vệ tối đa cho quyền lợi hội viên của mình, còn thực hiện mong muốn ấy đến đâu lại là chuyện khác. Hiện nay ở Việt Nam việc chi trả bản quyền cho nghệ sĩ còn rất nhiều khó khăn. Người sử dụng chưa ý thức đúng về vấn đề này. 

APPA ra đời muộn, muốn bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam tối đa, chính xác, minh bạch, nhưng vẫn phải có sự hỗ trợ  của rất nhiều phía, không thể nói đầu tư là đầu tư ngay và chưa hẳn đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ đã có kết quả như ý. Quan trọng nhất  trong thu tiền bản quyền là sự đồng thuận của các bên và điều này thì cần có thời gian…

Trao đổi quanh câu chuyện ứng dụng công nghệ để thu tiền bản quyền âm nhạc, Chủ tịch Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc, ông Lim Won Son cũng nhấn mạnh rằng, giải pháp từ công nghệ là cần thiết nhưng chưa phải là tất cả. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, nếu áp dụng cứng nhắc và máy móc còn gây hậu quả đáng tiếc.

Cũng theo ông Lim Won Son thì trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển từng giờ, từng phút, tác động rất nhiều đến vấn đề bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ ở tư duy lẫn chính sách mà các nhà quản lý áp dụng vào thực tế.

Việc học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình, cơ chế, hệ thống về bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ của các quốc gia phát triển về lĩnh vực này là cần thiết, nhưng vẫn cần xem xét ưu điểm để áp dụng một cách hài hòa, thành công tại đất nước mình. Thu tiền bản quyền là đúng pháp luật nhưng quan trọng hơn cả là sự đồng thuận, đảm bảo lợi ích, quyền cho cả người sáng tạo, người sử dụng và việc thụ hưởng tác phẩm của công chúng.

Nếu không, việc thu tiền dễ gây tác dụng ngược, không những không thúc đẩy mà còn có thể gây tác dụng ngược cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. 

Ngọc Nguyễn
.
.
.