Tranh cãi giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam:

Tranh cãi về vấn đề bản quyền âm nhạc: Cần sớm có kết luận

Chủ Nhật, 26/02/2012, 09:53
Những ngày qua, vấn đề bản quyền âm nhạc chợt nóng lên sau cuộc họp do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức tại Hà Nội ngày 16/2...
>> Tăng giá tác quyền âm nhạc: Quyền lựa chọn là của tác giả

Ngay sau đó đã có lá đơn kiến nghị có chữ ký của gần 60 nhạc sĩ, cho rằng: “Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH, TT&DL) và một số Sở VH, TT&DL nhiều năm nay cấp giấy phép biểu diễn cho các cá nhân, tổ chức biểu diễn mà không cần chứng minh rằng đã xin phép và được sự đồng ý của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là không đúng… thủ tục cấp phép hiện nay là “tiếp tay” cho các cá nhân và tổ chức này vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ”.

Ngay lập tức, sự việc nóng lên vì những vấn đề liên đới. Báo CAND xin đưa khách quan ý kiến của cả 2 bên:

Sư bảo sư phải…

Phản pháo về điều này, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho PV Báo CAND biết: Ngày 22/2, Cục Nghệ thuật biểu diễn mới nhận được một bản đánh máy không có tiêu đề, không có người đứng tên chịu trách nhiệm nội dung bản viết, nhưng nội dung tố cáo và qui kết Cục Nghệ thuật biểu diễn đã sai phạm trong cấp phép biểu diễn dẫn tới gây thất thoát tiền tác quyền của các nhạc sĩ... Bản gốc của lá đơn có viết nội dung chỉ có 4 người ký: Người đầu tiên là nhạc sĩ Phó Đức Phương. 3 người còn lại đều không phải là nhạc sĩ, trong đó, có nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tại cuộc họp “điểm nổ” của sự kiện bản quyền âm nhạc nóng bỏng hiện nay.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết thêm: Theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thì: “Nhà văn Trần Thị Trường mời tôi ký để kiến nghị lên cơ quan nhà nước giúp đỡ bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm cho các nghệ sĩ, nhưng khi ký tôi cũng không đọc nên không rõ trong đơn ấy viết gì”. Tương tự, nhạc sĩ A.T. và bà T.H. (vợ cố  một nhạc sĩ) đều cho biết là có ký, nhưng không đọc nên không rõ nội dung trong đó viết thế nào.

Một vấn đề nữa được Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra là: Các đối tác sử dụng tác phẩm của khách hàng VCPMC không chấp hành Luật Sở hữu trí tuệ thì VCPMC có quyền khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra toà, chứ không phải tìm cách “đổ vấy” cho cơ quan quản lý nhà nước, nhằm ép cơ quan quản lý nhà nước “thông đồng” với mình để xâm hại quyền được hưởng thụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật của công chúng.

Đặc biệt, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng: hiện nay VCPMC rất mập mờ, thậm chí có biểu hiện sai phạm về thu chi tài chính và dẫn chứng: NSND Trần Bình – Giám đốc Nhà hát Ca, Múa, Nhạc nhẹ Việt Nam, cho biết: “Đã có tác giả nào đặt câu hỏi và tìm hiểu ngọn ngành xem VCPMC thu 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/ca khúc (chương trình của nhạc sĩ Quốc Trung biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội) nhưng tác giả của nó được trả thực chất là bao nhiêu: 200.000 đồng, hay 300.000 đồng và số tiền còn lại hiện đang ở đâu?” Còn nhạc sĩ Quốc Trung nhìn nhận: “Hợp đồng giữa các nhạc sĩ và VCPMC là hợp đồng rất bất lợi cho các nhạc sĩ bởi VCPMC toàn quyền khai thác mà không cần thông báo cho nhạc sĩ”.

Nhạc sĩ Phú Quang dẫn chứng: “Việc thu tiền tác quyền và trả cho tác giả của VCPMC tùy tiện. Có chương trình họ thu 2 - 4 triệu/ 1 ca khúc nhưng lại chỉ trả cho tác giả cao nhất là 300.000đ/ca khúc. Đơn cử như một chương trình tổ chức tại Hải Phòng, đơn vị tổ chức biểu diễn trả tác quyền cho các ca khúc của tôi là 20 triệu đồng nhưng tôi chỉ được nhận 10 triệu. Nghe VCPMC công bố thu 41 tỉ đồng/năm thì hoành tráng thật đấy, ai không biết tưởng các nhạc sĩ đang sống trên tiền, nhưng đâu có biết sự thật không phải vậy. Chưa khi nào chúng tôi được tiếp cận với văn bản thể hiện sự thu chi cụ thể từng khoản, mục của VCPMC”.

Vãi nói vãi hay

Cũng ngay chiều 24/2, đích thân nhạc sĩ Phó Đức Phương lên tiếng về ý kiến “Thu 41 tỷ đồng giữ 10 tỷ, công tác thu chi không minh bạch”, rằng: “Trong chi trả mỗi nhạc sĩ nhận tiền đều có bản kê, tiền được nhận từ đơn vị nào trả, số tiền bao nhiêu, chi tiết đến hàng nghìn đồng".

Công tác tài chính của VCPMC luôn được Công ty Kiểm toán của Anh là Grant Thornton kiểm toán. VCPMC đã và đang cố gắng không ngừng để đấu tranh nhằm triển khai, thực thi pháp luật quyền tác giả vào đời sống xã hội, đồng thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên. Nhưng trong hoàn cảnh một đất nước ở giai đoạn đầu của phát triền, nhận thức chung về quyền tác giả còn không rõ ràng. Hiệu lực thực thi của luật pháp còn rất hạn chế. VCPMC thực sự đã cố gắng nhưng cũng rất phiền lòng vì nhận thấy lợi ích thực sự được trả về cho các tác giả âm nhạc còn xa với thực tế sử dụng. Việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tác giả vẫn còn là chặng đường dài với toàn bộ gian truân và sự phức tạp của nó. 

VCPMC cho biết thêm: “Ngoài việc chi trả cho các tác giả trong nước, VCPMC còn chi trả cho các tác giả của 42 tổ chức tương ứng trên thế giới mà VCPMC đã ký ủy thác song phương. Số tiền bản quyền cho các tác giả quốc tế chiếm 20% của tổng doanh thu”.

Hy vọng 2 bên sẽ ngồi lại với nhau xử lý mọi việc theo đúng pháp luật

Dạ Miên
.
.
.