Quán bar của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị niêm phong, tháo gỡ tài sản?
Hợp đồng thuê mặt bằng 700 triệu đồng/tháng bỗng dưng bị đơn phương chấm dứt
Cách đây ít ngày, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết, Công ty TNHH Nhà hàng Club 39 - nơi anh là một trong ba cổ đông lớn nhất, vừa gửi Đơn kêu cứu khẩn cấp tới các cơ quan chức năng của quận 1, TP Hồ Chí Minh, tố cáo việc bị Công ty TNHH Kumho Asiana Plaza Sài Gòn (39 Lê Duẩn, quận 1) chiếm đoạt tài sản trái phép; đồng thời nộp đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân quận 1 yêu cầu giúp giải quyết tranh chấp Hợp đồng thuê mặt bằng thương mại (phòng số B.02) Tòa nhà Kumho Asiana Plaza…
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (tên thật là Huỳnh Minh Hưng) cho biết anh là một trong ba thành viên góp vốn lớn nhất để thành lập Công ty TNHH Nhà hàng Club 39 (công ty này có tên cũ là Công ty TNHH nhà hàng VOX, gồm nhiều ngành nghề kinh doanh nhưng trong đó có hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí - biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hoạt động phòng trà ca nhạc…). Hiện tại người đại diện pháp luật với chức danh giám đốc công ty này là ông Vũ Đình Ánh.
Theo tìm hiểu của PV, từ 13-12-2010 Công ty TNHH Kumho Asiana Plaza Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Kumho) đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH Nhà hàng Club 39 (gọi tắt là Công ty Club 39) thuê mặt bằng thương mại tầng hầm (phòng số B.02) trên diện tích 608,55m2 với thời hạn 6 năm tính từ ngày 1-3-2011 đến 28-2-2017 với giá thuê tính đến thời điểm hiện tại mỗi tháng tương ứng hơn 700 triệu đồng. Công ty TNHH Nhà hàng Club 39 đã đặt cọc trước khoản tiền tương ứng hơn 2,3 tỷ đồng.
Hình ảnh Club 39 lúc còn hoạt động. |
Đứng đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận 1, ông Vũ Đình Ánh khẳng định kể từ ngày thuê đến nay, Công ty Nhà hàng Club 39 đã tuân thủ đúng theo các nội dung cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, ngày 10-12 vừa qua, ban quản lý tòa nhà Kumho Asiana Plaza thuộc Công ty TNHH Kumho - đại diện là ông Chris Gunn - Giám đốc điều hành Tòa nhà đã đơn phương gửi Thông báo đề nghị kèm Biên bản thanh lý hợp đồng.
Theo đó, ban quản lý đưa ra hai yêu cầu: 1. Công ty Nhà hàng Club 39 không ký Biên bản thanh lý và hoàn trả trước ngày 10-12-2015 thì ban quản lý đơn phương niêm phong Nhà hàng Club 39 kể từ ngày 11-12-2015; Nhà hàng Club 39 không được hoạt động mở cửa trở lại; tất cả các hàng hóa (bàn ghế, thực phẩm, thiết bị âm thanh thuộc quyền sở hữu của Công ty Nhà hàng Club 39) không được mang ra ngoài và được giữ lại bởi ban 1uản lý, bên cho thuê; và tiền đặt cọc không được hoàn trả. 2. Công ty Nhà hàng Club 39 ký Biên bản thanh lý và hoàn trả trong ngày 10-12-2015 thì ban quản lý không niêm phong Nhà hàng Club 39 và được hoạt động đến hết ngày 1-1-2016; tất cả các hàng hóa (bàn ghế, thực phẩm, thiết bị âm thanh thuộc quyền sở hữu của Công ty Nhà hàng Club 39) được mang ra ngoài; và tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả sau khi cấn trừ các chi phí.
Đơn khởi kiện cho rằng việc Ban quản lý Tòa nhà Kumho Asiana Plaza thuộc Công ty Kumho đơn phương đề nghị thanh lý hợp đồng như trên đã đi ngược với nội dung hợp đồng thuê mặt bằng và đi ngược với các nguyên tắc đã thỏa thuận, vì vậy Công ty Nhà hàng Club 39 đã không đồng ý yêu cầu này.
"Khi sự việc còn chưa được hai bên cùng giải quyết thì ngay trong ngày 10-12 ban quản lý Tòa nhà Kumho Asiana Plaza đã đơn phương khóa cửa ra vào nhà hàng bất chấp tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân viên công ty đang làm việc trong nhà hàng, tài sản của Công ty Nhà hàng Club 39 đang kinh doanh tại đây", ông Vũ Đình Ánh nêu rõ trong đơn khởi kiện.
Tiếp đó, ngày 11-12-2015, ban quản lý Tòa nhà Kumho Asiana Plaza tiếp tục phát hành văn bản sẽ mở cửa và kiểm kê tài sản của Công ty Nhà hàng Club 39 đang kinh doanh tại mặt bằng thương mại B.02 bất chất sự đồng ý hay không đồng ý từ phía Công ty Nhà hàng Club 39 vào lúc 13h30 ngày 14-12-2015.
"Trong lúc chúng tôi còn chưa có động thái nào và cũng chưa hiểu rõ lý do họ đơn phương chấm dứt hợp đồng thì ngay ngày hôm sau, phía Công ty Kumho cho người tới niêm phong toàn bộ tài sản, đuổi tất cả nhân viên của chúng tôi ra ngoài không cho nhà hàng tiếp tục hoạt động.
Khi chúng tôi đang cố gắng liên hệ với giám đốc Công ty Kumho để giải quyết sự việc thì ngày 28-12, phía Công ty Kumho lại tiếp tục cho tháo dỡ và di chuyển toàn bộ tài sản của Nhà hàng Club 39 như: dàn âm thanh, ánh sáng, các trang thiết bị phục vụ cho việc kinh doanh… ra khỏi nhà hàng với lý do nhà hàng hoạt động quá giờ quy định và có một số cuộc ẩu đả nhỏ xảy ra.
Đúng ra theo pháp luật, nếu nhà hàng của chúng tôi có những vi phạm trên thì đó là vấn đề giải quyết của Công an, chính quyền chứ Công ty Kumho không có quyền cấm chúng tôi dừng hoạt động và mang tài sản của chúng tôi ra ngoài trái phép như vậy… Hành động của Ban quản lý Tòa nhà Kumho Asiana Plaza như vậy là bất chấp luật pháp", đại diện Công ty Nhà hàng Club 39 bức xúc cho biết.
Khởi kiện ra tòa đòi thanh toán và bồi thường hơn 28 tỷ đồng
Với những hành động liên tiếp như đã đề cập của Ban quản lý Tòa nhà Kumho Asiana Plaza, hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Nhà hàng Club 39 đã phải dừng lại. Do đó, Công ty Nhà hàng Club 39 cho rằng việc Công ty Kumho đơn phương chấm dứt hợp đồng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, Công ty Nhà hàng Club 39 đã làm đơn khởi kiện Công ty Kumho ra tòa yêu cầu Công ty Kumho thanh toán và bồi thường các khoản với số tiền tổng cộng khoảng hơn 28 tỷ đồng.
Nhân viên của Nhà hàng Club 39 căng băng rôn phản đối. |
Ông Vũ Đình Ánh cho biết thêm: "Việc ban quản lý Tòa nhà Kumho Asiana Plaza đơn phương niêm phong tài sản, khóa cửa ra vào, ngăn chặn hoạt động, di chuyển tài sản, trang thiết bị của nhà hàng chúng tôi đi ra ngoài là hoàn toàn đi ngược lại với nội dung hợp đồng đã thuê mặt bằng trước đó. Đặt trường hợp nếu họ muốn lấy lại mặt bằng cho công ty khác thuê thì cũng phải có thời gian nhất định để chúng tôi có thời gian sắp xếp hoặc tìm mặt bằng mới chứ không thể có chuyện họ hành động ngang ngược như vậy.
Hiện tại, Nhà hàng Club 39 có hơn 100 nhân viên. Khi Công ty Kumho đơn phương hủy hợp đồng trong thời gian gấp gáp đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhiều mặt lợi ích và tài sản của công ty chúng tôi. Việc chúng tôi đành phải làm là gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân quận 1 nhờ giải quyết, phân xử".
Những hành động của Công ty Kumho như vừa qua đã khiến ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vô cùng bức xúc. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhấn mạnh: "Hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng không lý do rõ ràng của phía Công ty Kumho khiến tôi rất bức xúc và không thể hiểu nổi. Công ty Nhà hàng Club 39 đã được tôi và các thành viên khác bỏ ra số vốn lớn đầu tư kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, âm thanh ánh sáng… khoảng gần 20 tỷ đồng. Chưa kể còn công việc và quyền lợi của hàng trăm nhân viên làm việc tại đó. Chúng tôi thuê mặt bằng có hợp đồng đàng hoàng và giá trị hợp đồng lớn nên tôi nghĩ làm việc gì cũng phải có nguyên tắc và tuân theo pháp luật Việt Nam, vì họ đang làm việc, kinh doanh trên đất nước Việt Nam.
Không thể có chuyện đang cho chúng tôi thuê rồi bỗng nhiên có người khác đề nghị hợp đồng "ngon" hơn là ngang nhiên tuyên bố hủy ngang hợp đồng với chúng tôi như vậy. Đó là kiểu hành xử chợ búa, giang hồ!".
Cũng theo nam ca sĩ này, việc Công ty Kumho tự ý cho người tháo dỡ, di chuyển tài sản bao gồm âm thanh, ánh sáng, vật dụng, rượu bia của Nhà hàng Club 39 là trái quy định pháp luật. "Cứ đặt trường hợp nhà hàng của chúng tôi có sai sót gì thì phía Công ty Kumho có quyền gửi đơn thư khiển trách, sau đó là khiếu nại… Nếu chúng tôi không thực hiện, họ mới có quyền cưỡng chế chứ không thể tự ý tới tháo gỡ, di chuyển đồ đạc, vật dụng của nhà hàng chúng tôi đi chỗ khác như vậy.
Điều đáng nói là vật dụng, tài sản trong nhà hàng không phải chỉ riêng của chúng tôi mà còn có hàng hóa của nhân viên, của khách hàng… Vì thế, hành động của Công ty Kumho là vi phạm pháp luật Việt Nam", ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định.
Về chi tiết này, luật sư Thái Đức Long, Văn phòng luật sư Hà Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh - giải thích thêm: "Đầu tiên phải nói đây là một quan hệ dân sự giữa một bên cho thuê mặt bằng và một bên thuê mặt bằng. Mục tiêu rất rõ ràng là thuê để kinh doanh với nghĩa vụ cụ thể cho hai bên… Nếu một trong hai bên phát hiện bên kia có vi phạm nghĩa vụ thì phải tiến hành những thủ tục theo trình tự pháp luật. Nếu cho rằng một phía sai thì phía còn lại phải mời người ta lại để thỏa thuận, đàm phán, hòa giải, thương lượng… Khi không đạt mong muốn thì đưa nhau ra tòa.
Nhưng ở đây tôi thấy bên cho thuê đã không áp dụng Luật Dân sự trong vụ việc này mà là sử dụng quyền "chủ nhà" của mình để làm hai điều mà tôi cho là đã vi phạm pháp luật Hình sự Việt Nam: 1. Ngăn cản quyền kinh doanh hợp pháp của đối tác bằng cách niêm phong tầng hầm, không cho ra vào, dù về luật pháp và về hợp đồng người ta có quyền tiếp cận và ra vào khu vực đó vì họ đã làm nhiệm vụ đóng tiền thuê cho mình, kể cả tiền đặt cọc. 2. Xâm phạm quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp này như hệ thống âm thanh ánh sáng, trang thiết bị, tài sản của khách hàng gửi lại và có cả tài sản của nhân viên doanh nghiệp này… nhưng bên Công ty Kumho vẫn tự ý tháo dỡ, di chuyển đi mà không cần biết đến ý kiến phản đối của bên đối tác".
Để tìm hiểu thêm thông tin nhiều chiều, khách quan, chúng tôi đã liên hệ với Ban lãnh đạo Công ty Kumho. Tuy nhiên, theo người phiên dịch của ông Kim Yun (người Hàn Quốc) - Tổng Giám đốc Công ty Kumho cho biết thì ông này hiện đang đi công tác xa nên không thể gặp hay trả lời được mà chỉ có ông này mới có quyền trả lời những thắc mắc của báo chí. Dù vậy người phiên dịch cũng nói ngắn gọn xung quanh thắc mắc chính của chúng tôi - liệu có phải Công ty Kumho đã đơn phương hủy hợp đồng là "Bất kể chuyện gì cũng đều có nguyên do của nó"!? Về phía Tòa án nhân dân quận 1, theo tìm hiểu chúng tôi được biết cơ quan này đã quyết định sẽ thụ lý vụ việc.