Phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới

Chủ Nhật, 21/03/2021, 08:16
Chiều 20/3, tại TP Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội nghị “Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới” với sự tham gia của các Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Hà Nội; TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực miền Trung cùng nhiều doanh nghiệp du lịch trong, ngoài tỉnh.


Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong năm 2020 và quý I năm 2021, ngành Du lịch và dịch vụ du lịch của địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Du lịch địa phương đều giảm từ 65 đến 75%; lượng khách, doanh thu, các dịch vụ phục vụ du lịch cũng trong tình trạng tương tự. 

Trong năm 2021, để phục hồi, thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, ngoài nỗ lực trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tỉnh còn thực hiện nhiều chương trình kích cầu du lịch, miễn giảm giá vé tham quan các điểm di tích trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để tìm giải pháp đón đầu tình thế mới, sẵn sàng khi du lịch nội địa phát triển trở lại và đón khách quốc tế nước ngoài.

Đặc biệt, hội nghị lần này nhằm mục đích tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phục hồi ngành du lịch địa phương trong trạng thái bình thường mới, từng bước đưa ngành du lịch tỉnh nhà trở lại bình thường khi dịch bệnh trong nước và quốc tế dần được kiểm soát và ổn định.
Khách du lịch thích thú khi tham quan vườn chà là trĩu quả ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc (Đồng Tháp).

Tại hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng các cơ quan quản lý nhà nước đã trao đổi, đề xuất các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch; đưa ra các ý tưởng, giải pháp và định hướng phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới. 

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, đại dịch COVID-19 khiến ngành Du lịch thế giới và ngành Du lịch Việt Nam ảnh hưởng trầm trọng. Cụ thể, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới và các biện pháp giãn cách ngăn chặn dịch COVID-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% tương đương 19 tỷ USD. Có đến 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động, nhiều khách sạn đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; khoảng 40-60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nỗ lực phục hồi du lịch Việt Nam cần tính toán đa phương diện, phù hợp xu hướng và có cơ sở thực tiễn để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. 

Để phục hồi, phát triển trở lại ngành Du lịch, ông Khánh đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ động đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong cả nước, hình thành và triển khai liên minh kích cầu, quảng bá hình ảnh điểm đến. Trong đó liên kết Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là 3 địa phương nối liền, đã là một liên minh rất hiệu quả trong những năm qua. 

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, điều phối, kêu gọi sự liên kết, hợp tác hiệu quả hơn giữa các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch và hàng không để hình thành các sản phẩm mới, chương trình kích cầu phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển hoạt động kinh tế đêm. 

“Tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng các địa phương, doanh nghiệp và các đối tác cần phải thực hiện theo phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, tích cực chuẩn bị phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới. Tổng cục Du lịch luôn sẵn sàng đồng hành với các địa phương trong phát triển du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cũng như đẩy mạnh truyền thông kích cầu du lịch nội địa, chuẩn bị chào đón khách quốc tế trở lại Việt Nam khi các điều kiện cho phép trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng. Phần lớn các doanh nghiệp du lịch nhỏ phải chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh do khó khăn tài chính. Trước tình hình đó, ngành Du lịch ĐBSCL xác định thực hiện nhiệm vụ kép: “vừa bảo đảm an toàn, vừa duy trì hoạt động” để tạo đà phục hồi. 

Tại tỉnh Kiên Giang, ngành Du lịch đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tăng cường kích cầu du lịch nội địa nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho du khách. UBND tỉnh Kiên Giang giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch (ĐT-TM-DL) Kiên Giang quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về các khu, điểm, tour, tuyến du lịch và các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch của doanh nghiệp; liên kết các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước hình thành liên kết các tour, tuyến du lịch của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Kết hợp các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư phát triển du lịch, thu hút khách du lịch… 

Trên cơ sở đó, năm 2021, Kiên Giang tập trung tổ chức sự kiện kích cầu du lịch an toàn; đón các hãng lữ hành, đơn vị truyền thông đến Kiên Giang khảo sát điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch gắn các sự kiện lễ hội văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến ĐT-TM-DL Kiên Giang, hiện đơn vị mời doanh nghiệp lữ hành, các đoàn khảo sát du lịch, báo chí… đến khảo sát du lịch các tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn tỉnh để kết nối tour, tuyến và giới thiệu điểm đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Nhà nước thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, tạo sản phẩm mới, hấp dẫn phục vụ du khách. Đặc biệt, đề cao yếu tố an toàn cho du khách; đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng… Với vai trò là trung tâm du lịch của vùng châu thổ Cửu Long, TP Cần Thơ đã, đang triển khai nhiều chiến lược quảng bá nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch. 

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, trong năm 2021, ngành Du lịch thành phố cần có những biện pháp vực dậy, thu hút khách du lịch trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Ngành Du lịch cần chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên thế mạnh của địa phương, đồng thời liên kết với các tỉnh ĐBSCL để tạo ra các chương trình kích cầu du lịch, kết nối tour, tuyến... 

Trong năm 2021, ngành Du lịch thành phố tập trung thực hiện các hoạt động điểm nhấn, như: thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL với Sở VH-TT&DL Cần Thơ trong việc phối hợp tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Cần Thơ năm 2021; Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ. Phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) tiếp tục triển khai hệ thống du lịch thông minh và ứng dụng trên thiết bị di động; đẩy mạnh tiến độ dự án đề xuất bổ sung quần thể Bến Ninh Kiều vào danh mục các khu vực tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia…

Du lịch Cà Mau cũng chuyển đổi mạnh mẽ khi khai thác những sản phẩm đậm bản sắc, thu hút sự quan tâm của du khách nội địa. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Cà Mau tin tưởng, nếu không có biến động về dịch COVID-19, bức tranh du lịch năm 2021 và những năm tiếp theo của Cà Mau sẽ bừng sáng với đa sắc màu, hướng đến mục tiêu đón 1.860.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng.

Anh Khoa - Đức Văn
.
.
.