Nhiều giải pháp đẩy mạnh văn hóa đọc

Thứ Tư, 30/09/2020, 08:24
Mặc dù số lượng sách xuất bản ngày càng nhiều hơn nhưng việc phát triển văn hóa đọc chưa hẳn đã tương xứng. Để đẩy mạnh và phát triển văn hóa đọc bền vững, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia chỉ ra. Thậm chí, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng còn đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam.


Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2019, Việt Nam xuất bản 37.100 tựa sách, 441 triệu bản sách, bình quân 4,6 đầu sách/người, doanh thu xuất bản là 2.775 tỷ đồng. Trong số 441 triệu bản sách được phát hành, có đến 300 triệu bản sách giáo khoa, giáo trình.

Kết quả khảo sát nhanh về thói quen đọc đối với nhân viên và sinh viên (từ 20 đến 30 tuổi) cho thấy, có đến 70% người được khảo sát cho biết chỉ học chứ không đọc tham khảo thêm; 12% cho biết có đọc các sách, truyện khác ngoài chuyên môn; 80% không đọc sách 1 năm qua; 98% không đọc sách tuần qua.

Phát triển văn hóa đọc trong trẻ em đang là vấn đề được bàn thảo nhiều trong thời gian gần đây.

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng cũng nhận định: Văn hóa đọc của người Việt Nam quá thấp, do đa số người Việt Nam không có thói quen đọc sách và thói quen này chưa được tạo dựng từ khi họ còn bé, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ rằng: “Đưa cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa đọc như Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về “Nâng cao toàn diện của hoạt động xuất bản”, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày sách Việt Nam”,;đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Luật Thư viện. Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư về phát triển 5 phẩm chất, 10 năng lực, chủ trương đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông và mầm non… 

Tuy nhiên, hiệu quả thực tế vẫn chưa như mong đợi. Nguyên nhân là do thiếu tiết đọc sách trong nhà trường. Gia đình thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc sách từ sớm và cho trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ sớm nhưng thiếu kiểm soát. Các nhà xuất bản, công ty sách chưa thật sự quan tâm và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc… Khắc phục vấn đề này, Hội Xuất bản Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khoá của trường học.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng còn cho rằng, để phát triển văn hóa đọc mạnh mẽ và bền vững hơn thì cần thành lập Ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Ủy ban này sẽ soạn thảo chiến lược, kế hoạch dài hạn nhằm phát triển văn hóa đọc, tổ chức hoạt động, đôn đốc và giám sát thực hiện. Ủy ban gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới đọc, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan tới đọc, đại diện các tổ chức xã hội: như Đoàn Thanh niên, Hội Xuất Bản Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân Việt Nam... Ủy ban trực thuộc Chính phủ, do một Phó Thủ tướng phụ trách.

Ngoài ra, các nhà xuất bản, công ty sách nên tham gia đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hoá đọc tại các trường học như: Hoạt động Hội sách Mini – sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, tác giả ký tặng sách, tổ chức Hội sách tại khuôn viên hay hội trường của các trường. 

Cần xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy không chỉ trong nhà trường cho giáo viên, học sinh mà còn cho cả phụ huynh. Cần đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4 hàng năm, phát động tuần lễ đọc sách và nhiều hoạt động, sự kiện tôn vinh sách trong tuần lễ này. 

Nên tổ chức nhiều hội chợ sách và không chỉ tổ chức ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh thành khác trên cả nước, tổ chức thêm nhiều hội sách trực tuyến, phát triển thêm nhiều đường sách, phố sách hơn trên cả nước. Nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Reading Code (website – một cổng thông tin riêng cho từng tác phẩm). Đây là giải pháp công nghệ góp phần chống giả và tương tác tốt với người đọc.

Về phía Nhà nước cũng cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện văn hoá khoa học tổng hợp. Đây là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nơi học tập suốt đời cho mọi công dân. Thư viện trường học có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối ASEAN. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên đưa việc đọc sách và xây dựng tủ sách gia đình vào tiêu chí của Gia đình văn hóa. Dự kiến, các vấn đề về thực trạng phát triển văn hóa đọc, hoạt động xuất bản, các đề xuất về giải pháp nói trên sẽ được Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty TNHH Đường sách TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc – Thách thức – Cơ hội - Những kiến nghị và công việc cần làm”, để người hoạt động xuất bản tiếp tục bàn thảo vào đầu tháng 10.

N.Nguyễn
.
.
.