Lấp khoảng trống văn hóa đọc trong giới trẻ

Thứ Bảy, 20/06/2020, 19:37
Phát triển văn hóa đọc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp văn hóa, giáo dục đất nước, đặc biệt là với giới trẻ. Thế nhưng, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, thực trạng giới trẻ tìm đến sách suy giảm. Hiện nay, tại Hà Nội đang có rất nhiều hoạt động để phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách.


Sách gây hiếu kì vẫn được “ưa chuộng”

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Văn hóa đọc của người trẻ hiện nay là vấn đề cần phải suy ngẫm. Giới trẻ bây giờ rất thích đọc sách nhưng lại không có văn hóa đọc, kĩ năng đọc. Chính vì vậy, các bạn không biết lựa chọn các đầu sách phù hợp, nhiều sách viết về các chủ đề có thông tin giật gân, kích thích sự tò mò, hiếu kì đôi khi được họ lựa chọn nhiều hơn. Trong khi đó các sách về khoa học tự nhiên, nhân văn và đặc biệt là các sách về lý luận thì họ coi là khô khan, nhàm chán và bị bỏ qua”.

Đó là thực trạng đáng buồn. Sinh viên Đặng Thanh Tuấn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thành thật chia sẻ với chúng tôi, tuy Tuấn học về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhưng 1 năm không đọc nổi hết 2 cuốn sách. 

“Hằng ngày đọc facebook và các trang mạng xã hội, báo điện tử, tôi đã “no đủ” thông tin nên rất ngại đọc sách, dù tôi hiểu sách cho ta kiến thức sâu sắc hơn”. 

Đào Thúy Hằng (sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) thì cho hay, đời sống hiện đại có quá nhiều thứ chi phối, ảnh hưởng đến sinh viên nên Hằng không còn nhiều thời gian để “tự nghiên cứu sách” và “cũng cảm thấy lo lắng”, nhưng hiện chưa tìm lại được thói quen đọc sách. 

Các hội chợ sách sẽ góp phần xây dựng thói quen và kỹ năng đọc sách trong giới trẻ.

Anh Hoàng Quý Bình (SN 1995, Hà Nội), chủ tiệm sách D Free Book tại đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Tôi là một người yêu sách, tôi mở ra tiệm sách này với mục đích tận dụng số sách mình có, chia sẻ với các bạn sinh viên cùng đam mê, hi vọng lan tỏa tình yêu sách với các bạn trẻ”. 

Còn tại Thư viện Quốc gia, anh Trần Trung Kiên (SN 1985, làm việc tại Thư viện quốc gia) chia sẻ: “Một ngày thư viện tiếp đón khoảng vài trăm người đến đọc sách, đối tượng chủ yếu là sinh viên. So với năm năm trước, số lượng người đến giảm khá nhiều. Vì vậy, song song với việc tổ chức các buổi triển lãm, chúng tôi đã và đang xây dựng “thư viện số”, tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả khai thác thông tin, tra cứu tài liệu trực tuyến góp phần phát triển văn hóa đọc trong thời đại truyền thông số”.

Kỹ năng đọc sách cần được đưa vào chương trình giáo dục

Để nâng cao văn hóa đọc trong giới trẻ, theo Tiến sĩ Đỗ Hương Cúc, Trưởng ban Biên tập sách CAND, NXB CAND, trước hết, cha mẹ cần xây dựng thói quen đọc sách từ thuở ấu thơ cho trẻ. Còn khi trẻ lớn lên, đi học và sau này bước vào đời là quá trình học tập, rèn luyện các kỹ năng đọc sách, nhưng mỗi cá nhân phải đảm bảo ba yếu tố: thói quen đọc, kỹ năng đọc và sở thích đọc. Tiến sĩ Đỗ Hương Cúc đề xuất, tổ chức “tháng đọc sách” quốc gia vào tháng 8 hằng năm (là thời gian học sinh, sinh viên nghỉ hè), nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong tầng lớp tri thức trẻ.

“Tháng đọc sách” nên gắn với các hội chợ sách, không chỉ ở Hà Nội mà cần phát triển rộng khắp ở 64 tỉnh, thành, để tuyên truyền, quảng bá sách mới tới đông đảo sinh viên trên cả nước. 

Mặt khác, theo Tiến sĩ Đỗ Hương Cúc, cần xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng đọc sách trong môi trường truyền thông và môi trường điện tử, chương trình này được giảng dạy không chỉ ở các trường đại học mà còn được giảng dạy cho trẻ em ngay khi cắp sách tới trường, thậm chí lồng ghép “giáo dục kỹ năng đọc sách” dưới nhiều hình thức để cảm thụ, ứng dụng…

Chung quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, muốn lấp khoảng trống văn hóa đọc, mỗi bạn trẻ cần hiểu được các kĩ năng đọc sách, tầm quan trọng của sách và của văn hóa đọc. Gia đình cũng cần góp phần khơi dậy niềm đam mê, nhận thức ngay từ bé cho bạn trẻ. 

Về phía nhà trường cần có nhiều hoạt động khuyến khích phong trào đọc sách trong sinh viên cũng như cán bộ, công nhân viên, giảng viên trong toàn trường. Nhà trường phải đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích sinh viên tự đọc, tìm hiểu sách trau dồi kiến thức, đồng thời nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị và vốn tài liệu thư viện trong trường học hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đọc của sinh viên.

Tiến sĩ Hồng còn đề xuất, đối với các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản cần tăng cường tổ chức các hội sách thường niên để quảng bá, giới thiệu sách; tổ chức những chương trình truyền thông để truyền bá giá trị và cách đọc sách.

Thu Huệ
.
.
.