Nhiều di tích, đình, chùa đóng cửa để chống dịch COVID-19

Thứ Tư, 17/02/2021, 08:22
Ngày 16/2, nhiều di tích, đình, chùa nổi tiếng đồng loạt đóng cửa, dán thông báo tạm dừng phục vụ để phòng, chống dịch bệnh do COVID-19. Chỉ có một số ít người dân đến và vái vọng từ bên ngoài.

Trong mấy ngày Tết trước đó, nhiều di tích, đình, chùa nổi tiếng tại Hà Nội như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, khu vực Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… vẫn tấp nập du khách, thậm chí có nơi vẫn tập trung đông đến mức gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Tại Phủ Tây Hồ, Ban Quản lý từng phải bố trí các lớp rào, bảo vệ tách dòng người vào viếng thành nhóm để vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đến nay, các điểm di tích đều đóng cửa, tạm dừng phục vụ khách tham quan, đi lễ đầu năm.

Anh Hoàng Minh (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, hầu hết các năm trước, gia đình đều đi lễ tại Phủ Tây Hồ nhưng Tết năm nay, đặc biệt là từ khi có thông tin chuyên gia người Nhật tử vong có nhiễm COVID-19, khu nhà gần nơi gia đình sinh sống phải cách ly để phòng, chống dịch, các thành viên trong gia đình ít ra khỏi nhà. Có công việc đi ngang qua Phủ cũng không dám ghé vào vì sợ dịch bệnh.

Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám vắng lặng ngày mùng 5 Tết (16/2).

Tại các điểm di tích nổi tiếng khác như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Gò Đống Đa (Công viên văn hóa Đống Đa)… thấp thoáng vài người dân đến, vái vọng từ ngoài cổng. Chị Lê Thị Huê, một trong số du khách đến Gò Đống Đa từ sớm cho biết, gia đình chị ở ngay phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nên năm nào cả gia đình cũng đi khai hội tại đây.

Hầu như các năm trước, cả gia đình chỉ đứng ở ngoài vái vọng vào vì đông quá. Năm nay vướng dịch nên chị để các con ở nhà, tranh thủ ghé vào xem tình hình như thế nào và cũng vẫn chỉ đứng vái vọng từ ngoài vào vì di tích đóng cửa để phòng, chống dịch. Nhìn khung cảnh vắng lặng tại di tích, chị lại chạnh lòng nhớ những mùa lễ hội rộn ràng trước đó. Chị hy vọng tình hình dịch bệnh qua nhanh để kịp vui xuân trong những ngày còn lại của mùa lễ hội năm nay.

Được biết, cho đến tận ngày làm việc cuối cùng của năm cũ, các điểm di tích vẫn rộn ràng chuẩn bị các hoạt động vui xuân, dù vẫn vừa thấp thỏm theo từng diễn biến mới của dịch bệnh.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội cho biết, các hoạt động lễ hội tổ chức thường niên tại đây vào dịp Tết đến xuân về đều cơ bản dừng từ trước Tết. Trong những ngày cuối năm và đầu năm mới, Trung tâm vẫn phục vụ khách du xuân, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch như bố trí các điểm sát khuẩn, đo thân nhiệt, nhắc nhở du khách đeo khẩu trang… Một số ngày, khá nhiều khách vẫn đến du xuân tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, song so với các mùa lễ hội trước thì lượng khách vẫn rất thấp.

Từ sáng 16/2, Trung tâm chính thức đóng cửa, dán thông báo tạm dừng phục vụ để đảm bảo yêu cầu chống dịch. Chỉ có một số rất ít người dân chưa nắm bắt thông tin kịp thời hoặc có việc đi ngang qua, ghé vào vái vọng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương) cũng cho biết, các hoạt động lễ hội tại Khu di tích danh thắng Chùa Hương đều tạm dừng từ trước Tết. Ban quản lý cũng đã thông báo rộng rãi về việc hủy lễ khai hội Chùa Hương năm nay từ nhiều ngày trước. Để phòng, chống dịch, Ban Quản lý đã bố trí 9 điểm chốt.

Đến ngày 16/2, Khu di tích thực hiện đóng cửa, dừng phục vụ tất cả các khách tham quan. Một vài đoàn khách lẻ chưa nắm được thông tin nên vẫn đến du xuân, đi lễ. Tuy nhiên, để đảm bảo phòng, chống dịch, Ban quản lý yêu cầu các chốt đều yêu cầu khách quay về, từ chối phục vụ.

“Chúng tôi chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh nhưng tôi nói thật là nhìn cảnh di tích vắng lặng, những dãy xuồng đò san sát, không một bóng người thì không phải không buồn. Nhiều người dân gặp tôi, nhất là các gia đình làm nghề chèo đò ở khu vực này đều than thở với tôi là họ rất buồn. Tại đây, hiện nay có hơn 4.000 xuồng đò phục vụ khách, tương đương với ít nhất 4.000 lao động chính, chưa kể những người khác hoạt động kèm và một số nhân lực lớn khác của các dịch vụ, hoạt động khác tại địa phương và ngoài địa phương đến làm theo mùa vụ trong dịp lễ hội. Với phần lớn các hộ dân ở đây, thu nhập đều trông chờ chủ yếu vào mùa lễ hội. Nhưng, nay đã là năm thứ 2 họ thất thu. Ai cũng mong dịch bệnh qua nhanh để sớm được quay trở lại nhịp sống cũ…”, ông Nguyễn Bá Hiển cho hay.

Những lời chia sẻ của Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Chùa Hương Nguyễn Bá Hiển khiến chúng tôi nhớ giọng buồn buồn của “nhà đò” lâu năm tại di tích, anh Nguyễn Bá Hải khi đón nhận lời chúc Tết kèm câu hỏi thăm kết quả thu nhập đầu năm mới. Anh Hải cho biết, nhiều năm nay, thu nhập của gia đình anh và nhiều gia đình khác đều dựa vào nghề chèo đò cho khách mấy tháng lễ hội. Ai cũng mong có khách để phục vụ, có thu nhập và hy vọng dịch bệnh qua nhanh để chùa Hương lại rộn ràng bước chân du khách.

N.Hoa
.
.
.