Di tích, danh thắng mở cửa, đẩy mạnh thu hút khách

Thứ Năm, 14/05/2020, 07:47
Sau một thời gian tạm dừng đón khách tham quan, thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19, hàng loạt danh thắng, di tích tại Hà Nội bắt đầu mở cửa phục vụ trở lại. Để phù hợp với tình trạng bình thường mới, nhiều hoạt động, chính sách nhằm thu hút du khách kết hợp chống dịch được các đơn vị tích cực triển khai.

Vừa đón khách, vừa phòng chống dịch

Ngày 12-5, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ  mở cửa đón khách tham quan từ 8h ngày 14-5. Tuy nhiên, để phòng ngừa COVID-19, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn để đón khách tham quan.

Cụ thể, tại cổng vào, Trung tâm đã bố trí máy đo thân nhiệt và nước rửa tay diệt khuẩn phục vụ du khách. Tất cả du khách đến tham quan di tích đều được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước diệt khuẩn và được yêu cầu đeo khẩu trang trước khi vào Di tích. Các bảng thông tin về phòng chống COVID-19 cũng được Trung tâm chuẩn bị bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và đặt tại các cửa ra vào, các điểm dừng tham quan để du khách dễ quan sát và nắm được thông tin.

“Công tác vệ sinh môi trường trong Di tích được tăng cường, đảm bảo tất cả các khu vực luôn được khử trùng, sạch sẽ và thoáng mát. Trung tâm tiến hành phun khử trùng thường xuyên tại tất cả các khu vực của Di tích, thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bề mặt thường xuyên tại các khu vực trưng bày, khu làm việc và dịch vụ theo đúng quy định của ngành Y tế. 100% cán bộ và người lao động tại di tích thực hiện đo thân nhiệt 2 lần/ngày khi đến và về, luôn đeo khẩu trang và các trang bị phòng hộ khác khi thực hiện nhiệm vụ.

Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Trung tâm cũng thực hiện mỗi đoàn khách được giới hạn số lượng dưới 30 người, đồng thời đề nghị, trong vòng 14 ngày sau chuyến tham quan, nếu du khách có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần đến khám tại các cơ sở y tế và thông báo tình hình sức khỏe cho Trung tâm theo số điện thoại đường dây nóng: 0912608232”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho hay.

Cùng mở cửa đón khách trở lại vào ngày 14-5 còn có nhiều di tích, danh thắng khác như Đền Ngọc Sơn, di tích Nhà tù Hỏa Lò… Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đón khách trở lại vào ngày 15-5.

Đa dạng sản phẩm, nhiều chính sách thu hút khách

Trao đổi với chúng tôi, Ban quản lý các danh thắng, di tích đều cho hay, song song với các biện pháp nhằm tiếp tục thực hiện phòng chống COVID-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế, các đơn vị đều đa dạng hóa nội dung, sản phẩm và có nhiều chính sách thu hút du khách. Với di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban tổ chức miễn phí thuyết minh cho các đoàn đăng ký trước. Ngoài ra, khách đến di tích có thể sử dụng thuyết minh tự động, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau để khách thuận tiện lựa chọn phù hợp.

Ngay trong ngày đầu tiên mở cửa (8h ngày 14-5), di tích cũng khai trương chuyên đề đặc biệt chủ đề “Khát vọng tự do”. Chuyên đề trưng bày, giới thiệu tư liệu, hình ảnh, giao lưu nhân chứng lịch sử về những chiến sĩ cách mạng kiên trung và các cuộc vượt ngục tại nhiều nhà tù khét tiếng của thực dân, đế quốc. Ngoài ra, Ban quản lý còn chuẩn bị nhiều phần quà đặc biệt dành tặng 500 du khách đầu tiên ghé thăm di tích Hỏa Lò.

Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đặc biệt đầu tư những sản phẩm lưu niệm chuyên biệt gắn với những giá trị đặc trưng của khu di tích được quan tâm hơn cả. Theo đó, các sản phẩm có những họa tiết, hoa văn đặc trưng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, những hình ảnh gắn với truyền thống học tập và khoa bảng của Việt Nam được sản xuất tại các làng nghề truyền thống, bằng những chất liệu thân thiện với môi trường như tre, gỗ, vải, bèo… vừa hiện đại, vừa tạo nét đặc trưng riêng.

Các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích được đẩy mạnh. Trong đó, các hoạt động trải nghiệm, tương tác được tăng cường nhằm tạo sự thích thú cho học sinh, giúp các em hiểu hơn về di sản và nhận thức được các giá trị đa dạng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phát triển được nhiều kỹ năng thông qua các hoạt động trải nghiệm chủ động, tích cực, sáng tạo. Các chủ đề giáo dục di sản trong đó có sự kết hợp các yếu tố dân gian với các phương tiện công nghệ hiện đại tiếp tục được xây dựng, phát huy qua hoạt động tại Khu trải nghiệm cùng di sản.

Các bài thuyết minh được xây dựng theo chủ đề nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách tham quan. Các trưng bày triển lãm được nâng cao chất lượng, phương pháp trưng bày khoa học, hiện đại góp phần nâng cao sức hấp dẫn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Được biết, trước đó, nhiều di tích, điểm tham quan khác như Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch cũng đã phục vụ khách tham quan trở lại với nhiều nội dung trưng bày mới: Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, Đại sứ hòa bình và hữu nghị của nhân dân thế giới”, “Hồ Chí Minh: Những nét phác họa chân dung”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý”… Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng cho biết, đơn vị sẽ khai mạc triển lãm “Luôn có Bác trong tim” vào ngày 15-5.

N.Nguyễn
.
.
.