Ký ức xúc động về Điện Biên Phủ trên không từ nhân chứng và hiện vật lịch sử
- Bài học “Không để Tổ quốc bị bất ngờ” trong trận quyết chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”1
- Triển lãm “Trận Điện Biên Phủ trên không và Căn hầm Chỉ huy Tác chiến T1”
- Ký ức người bảo vệ cảng dịp 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành biểu tượng về ý chí kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo của quân và dân ta. Sau 45 năm, ngày 18-12, chiến thắng ấy lại được tái hiện sống động tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
"Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không" được tái hiện tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam |
Các đại biểu tham quan triển lãm |
Gần 300 tài liệu, hiện vật tiêu biểu được trưng bày như những thước phim quay chậm, đưa người xem trở về quá khứ, chứng kiến cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt của Đảng, quân và dân Việt Nam với âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ trong cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng.
Ở đó, hình ảnh nội các của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đang bàn kế hoạch sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh vào Hà Nội - Hải Phòng được trưng bày khá dày cùng với sơ đồ, bản đồ các mục tiêu mà máy bay B52 của Mỹ đánh phá thủ đô Hà Nội trong cuộc tập kích, tháng 12-1972.
Đối lập với các hình ảnh, tư liệu này là quang cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo phương án tác chiến đánh máy bay B52 của Mỹ, các công tác chuẩn bị, kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, của Quân chủng Phòng không-Không quân và các lực lượng sẵn sàng tác chiến.
Hình ảnh tư liệu về Tổng thống Nixon và nội các. |
Các cuốn dự thảo về cách đánh B52 - "bảo bối" của một thời |
Đi khắp các phòng triển lãm, ông Trần Ngọc Lam, nguyên xã đội trưởng của đơn vị Pháo Phòng không dân quân Mễ Trì, Hà Nội bồi hồi chia sẻ rằng những hiện vật rất đỗi thân quen của triển lãm khiến ông nhớ lại những người đồng đội đã cùng kề vai, sát cánh chiến đấu trong 12 ngày đêm.
Những hình ảnh, hiện vật thể hiện ý chí chiến đấu quật cường của quân và dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không |
Ngắm lại cuốn sổ nhật ký bay đã ố vàng do chính mình ghi chép từ gần nửa thế kỷ trước, Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân, người đầu tiên bắn hạ máy bay B52 trên không và trở về an toàn xúc động cho biết, ông không cần đến triển lãm cũng có thể hình dung ra cuộc chiến tranh vệ quốc ác liệt mà mình đã cùng đồng đội tham gia. Bởi, 12 ngày đêm của Điện Biên Phủ trên không là chiến công vang dội của quân và dân ta gần nửa thế kỷ trước, là biểu hiện cụ thể, sinh động nhất của tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu quật cường của một thế hệ.
Cuốn nhật ký bay của Trung tướng, AHLLVTND Phạm Tuân |
Những chiến công này cần được tuyên truyền rộng rãi để tri ân, tôn vinh những chiến công, sự hy sinh dũng cảm của các cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng quan trọng hơn nữa là khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, xây dựng ý chí quyết tâm vượt qua mọi thử thách, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ vững chắc tổ quốc. Trung tướng cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng các thế hệ trẻ sẽ làm tốt hơn những gì mà thế hệ cha anh, trong đó có thế hệ của ông đã thực hiện để bảo vệ quê hương, đất nước.