Phạt nặng hành vi “không đẹp” nơi công cộng: "Rằng hay thì thật là hay"

Thứ Hai, 06/02/2017, 09:33
Dư luận không khỏi băn khoăn trước câu hỏi đặt ra là quy định xử lý các hành vi không đẹp nơi công cộng có hiệu lực từ 2-2017 sẽ được thực hiện như thế nào. Bởi, trước đây đã có những quy định chỉ được triển khai trên giấy mà không có thực tế.


Đầu tháng 2-2017, một số hành vi được coi là không đẹp nơi công cộng đã được đưa vào quy định và có hiệu lực thi hành. Đó là hành vi xả rác trên đường, vệ sinh không đúng quy định… 

Mừng vì đã có hành lang pháp lý để đảm bảo môi trường, nhưng dư luận không khỏi băn khoăn trước câu hỏi đặt ra là quy định đó sẽ được thực hiện như thế nào. Bởi, trước đây đã có những quy định chỉ được triển khai trên giấy mà không có thực tế, điển hình như quy định không hút thuốc lá nơi công cộng. 

Quy định chưa đi vào cuộc sống

Sau khi ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, ngày 14-1-2013 Chính phủ đã có Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá. 

Điều 23 của Nghị định này quy định mức phạt 100.000-300.000 đồng đối với người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc hoặc bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng quy định. Đối với việc không có cảnh báo cấm hút thuốc hoặc không bố trí điểm hút thuốc nơi công cộng cũng có quy định xử phạt người đứng đầu cơ sở đó. Vậy, thực tế thì sao?

Bệnh viện, trường học là những địa điểm công cộng đầu tiên được nhắc đến. Thế nhưng, không khó để nhìn thấy người hút thuốc lá trong các cơ sở này, nhất là ở bệnh viện. 20h ngày 1-2, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội có khá đông người vào thăm bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân đứng rải rác trên lối đi.

Trong lúc chờ đợi, có người lôi thuốc lá ra hút. Ngay lập tức anh bảo vệ đứng gần đó tiến đến nhắc nhở và chỉ tay hướng ra tấm biển cấm hút thuốc treo trên tường ở phía xa.Vừa nhắc xong người này thì tiếp tục có người khác cầm theo điếu thuốc lá đi từ cổng vào. Được nhắc nhở, người này quay trở ra cổng viện đứng hút nốt điếu thuốc. Chúng tôi hỏi chuyện xử phạt, anh bảo vệ cho biết anh chỉ làm nhiệm vụ nhắc nhở chứ không xử phạt người hút thuốc.

16h30 ngày 5-2, có mặt tại Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy hình ảnh người nhà bệnh nhân ngồi hút thuốc ngay dưới tấm biển “cấm hút thuốc” cỡ lớn trên tường. Thực tế cho thấy tình trạng hút thuốc lá ở những điểm cấm hút thuốc vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục nhưng không bị xử lý. Và cũng chưa có cá nhân nào bị nêu tên cùng mức phạt khi vi phạm.

Nếu có xử phạt thì mức độ nặng nhất trên thực tế hiện nay vẫn chỉ là nhắc nhở. Có nhiều nguyên nhân lý giải rằng, do đối tượng sử dụng thuốc lá nhiều, không gian rộng trong khi cơ quan chức năng thiếu người kiểm tra xử phạt, hoặc người vi phạm không nộp phạt…

Thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng là thanh tra chuyên ngành y tế và UBND các cấp, nhưng gần như không đơn vị nào tổ chức kiểm tra. Bên cạnh đó, quy định dành khu vực riêng cho hút thuốc nơi công cộng cũng chưa thể thực hiện được trong tình hình hiện nay dù pháp luật đã quy định bởi thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí…

Thế nên, nhiều năm qua, quy định xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chỉ nằm trên giấy. Tại thời điểm này, thêm một quy định tương tự xử phạt hành vi vi phạm nơi công cộng có hiệu lực, đó là hành vi vứt rác, đi vệ sinh không đúng quy định. Liệu quy định mới này có rơi vào tình trạng như quy định vừa nhắc đến?

Người nhà bệnh nhân hút thuốc ngay dưới biển cấm hút thuốc trong bệnh viện. (ảnh chụp chiều 5-2)

Người xử lý phải cương quyết

Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Hành vi vứt đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng quy định cũng bị phạt từ 500 – 1 triệu đồng. Hành vi vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định cũng có thể bị phạt tới mức 7 triệu đồng. Đây là một mức phạt nghiêm được đưa ra trong tình trạng ý thức nơi công cộng của người dân chưa cao.

Thực tế cho thấy, ở nơi công cộng, sau một buổi vui chơi thì rác thải vẫn ngập ngụa lối đi, trên hè phố. Dư luận đã từng bất bình khi dịp nghỉ lễ trong năm 2016, một số bãi biển tràn ngập rác thải do khách vui chơi để lại.

Không nói đâu xa, ngay ở các điểm vui chơi của trung tâm Thủ đô Hà Nội, vấn đề xả rác bừa bãi cũng thường xuyên được nhắc tới. Ngày cuối tuần, lễ tết, khách luôn tập trung đông trên phố Tràng Tiền ăn kem. Mặc dù cơ sở bán hàng đã để đủ thùng rác cho khách, nhưng khi cuộc vui tàn, thứ để lại trên vỉa hè, thậm chí cả lòng đường Tràng Tiền chính là vỏ, que kem vứt la liệt. Điều đó cho thấy người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Và chắc hẳn, do chưa nhìn thấy ai bị phạt nên người ta cũng chưa tự điều chỉnh ý thức của mình.

Anh Tạ Tuấn Thi, một người Việt làm doanh nghiệp lữ hành có 13 năm sinh sống tại đất nước Singapore đánh giá, để có được ý thức không xả rác bừa bãi thì phải mất cả một thế hệ.

Anh cho biết, suốt quãng thời gian dài sinh sống ở Singapore, anh chưa bao giờ nhìn thấy một người dân nào bị xử phạt vì xả rác ra đường, nhưng ngược lại họ có rất nhiều thùng rác. Người dân cũng có thể hút thuốc ở ngoài đường, nhưng nếu cách tòa nhà 5m là họ không hút. Nếu vi phạm, người dân sẽ phải lao động công ích và bị cưỡng chế nộp phạt. Biện pháp quản lý, cưỡng chế nộp phạt được bắt đầu từ số thẻ căn cước dẫn đến tài khoản ngân hàng. Anh Thi cũng cho rằng, để người dân có ý thức nhanh hay chậm là do quá trình thực hiện. Chúng ta ban hành quy định như vậy là đủ, vấn đề còn lại là người xử lý phải cương quyết.

Giống như việc triển khai đội mũ bảo hiểm, xử phạt các hành vi như hút thuốc lá, xả rác… nơi công cộng hoàn toàn có thể làm được nếu cơ quan có thẩm quyền tích cực và cương quyết xử lý vi phạm. Các quy định xử phạt cần được cụ thể hơn nữa, nên giao cho cán bộ chuyên trách quyền được xử phạt hành chính trực tiếp tại các địa điểm thường xuyên xảy ra vi phạm. Có vậy thì quy định của pháp luật mới được thực hiện nghiêm và đi vào cuộc sống.

Việt Hà
.
.
.