“Khát” nhân lực du lịch chất lượng cao
- Hai đích ngắm của bất động sản du lịch Việt Nam
- Liên minh Châu Âu hỗ trợ quảng bá du lịch Việt Nam
- Công bố cuốn sách “Câu chuyện Du lịch Việt Nam”
Mỗi năm, ngành Du lịch Việt Nam cần thêm 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường mới có khoảng 15.000 người/năm và chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Trong 1,3 triệu lao động du lịch cả nước cũng chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.
Với đà tăng trưởng liên tục và xu hướng chuyển đổi cơ cấu theo hướng thu hút nguồn khách có mức chi tiêu cao hiện nay, tình trạng nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu khiến ngành du lịch đặt trong tình trạng “báo động đỏ”.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours cho biết, việc công ty tuyển người về rồi đào tạo lại là thực trạng đã tồn tại nhiều năm. Nếu không đào tạo lại thì lao động không đáp ứng được yêu cầu.
Nguồn nhân lực đang là vấn đề lớn cần tháo gỡ của ngành Du lịch Việt. |
Tuy nhiên, lượng sinh viên được tuyển dụng vào công ty phải thông qua các lớp đào tạo và làm việc thực tế, trải qua giai đoạn thử việc mới được tiếp nhận. Vì vậy, số lượng ứng viên nộp hồ sơ khá đông nhưng rất khó chọn lựa ứng viên đáp ứng tốt cho các vị trí công việc phù hợp.
Cũng theo ông Kỳ, công tác đào tạo nhân lực du lịch còn nhiều bất cập. Hoạt động đào tạo chưa sát với thực tế, còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành và ngoại ngữ. Khảo sát từ các công ty trong lĩnh vực du lịch cho thấy, có đến 30-45% hướng dẫn viên và 70-80% tiếp tân khách sạn trong ngành du lịch thiếu kỹ năng ngoại ngữ. Chưa kể, sinh viên tốt nghiệp đều tập trung ở các thành phố lớn dẫn đến lệch nhân sự phân bổ tại các khu vực ngoại tỉnh.
Việc thiếu giảng viên và giáo án không tuân theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều giáo án tiếng Anh nhưng để đáp ứng nhu cầu thực tế phải dạy bằng tiếng Việt làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra.
Qui hoạch đối tượng đào tạo trong ngành du lịch không bài bản. Phân bổ nhân sự chưa đúng, nhân sự được bổ nhiệm làm việc trong quản lý ngành Du lịch đa phần không đáp ứng qui chuẩn bằng cấp hoặc kinh nghiệm.
Các cấp quản lý hiện nay chủ yếu được đào tạo thông qua các khóa ngắn hạn nhanh, chưa đủ để đáp ứng công việc thực tế, chưa từng trải qua quá trình công tác trong ngành. Các khóa đào tạo sau đại học cho trình độ thạc sĩ và quản lý cấp cao còn hạn chế. ..
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tổng Công ty Lữ hành du lịch Sài Gòn – Saigontourist cũng cho biết, thực tế, nhiều năm qua, đơn vị phải thường xuyên đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực...
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực từ doanh nghiệp, để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành Du lịch, về lâu dài, cơ sở giáo dục cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp.
Các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng xây dựng khung chương trình đào tạo tương ứng theo sát các yêu cầu thực tế phát triển ngành Du lịch đồng thời vừa phù hợp các tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch ASEAN, EU, trong đó chú ý các chương trình tập sự nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ thì kiến nghị, cần tính toán việc thành lập trường chuyên về du lịch, qui hoạch một số trường đại học có các khoa du lịch làm nòng cốt cho từng vùng để phân bổ và qui hoạch nguồn lực, đầu tư chuẩn, đẩy mạnh xúc tiến công tác tuyển sinh, nâng chỉ tiêu tuyển sinh cho nhóm ngành du lịch.
Các trường đại học nghiên cứu xây dựng giáo trình/giáo án dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, tăng tính kết nối với các tổ chức nhân lực du lịch không chỉ trong phạm vi cộng đồng kinh tế ASEAN mà cả các khu vực khác có du lịch và giáo dục phát triển…
Cần qui chuẩn lại khung đào tạo từ cao đến thấp, cải tiến các chương trình đào tạo, đi sâu hơn về các kỹ năng, ngoại ngữ, cập nhật thêm kiến thức mới theo sự vận động của ngành Du lịch thế giới và Việt Nam.…
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, ngành Du lịch cần dự báo chính xác, chi tiết hơn về nguồn nhân lực, trong đó lưu ý cơ cấu lao động trực tiếp và gián tiếp, cơ cấu lao động phổ thông và lao động chất lượng cao.
Cần có giải pháp kết nối nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ khó khăn của các trường đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế, tăng thời gian thực hành tại doanh nghiệp cũng như khai thác, sử dụng giảng viên có tay nghề cao, có trình độ sư phạm tốt tại các doanh nghiệp du lịch. Nhà nước cần phát huy vai trò xúc tác để kết nối doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.
Cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, hành lang pháp lý trong phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao như các chức danh nghề nghiệp, xây dựng và thống nhất tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá nguồn nhân lực, kết qủa công việc theo chức danh, xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế đồng thời thống nhất hệ thống tiêu chí đánh giá và chế định bằng các văn bản quản lý nhà nước để làm căn cứ cho các tổ chức hoạt động đào tạo, kiểm định chất lượng đào tạo…