Hỗn loạn ở chùa chiền: Lệch chuẩn trong ứng xử với thế giới thiêng

Thứ Tư, 24/02/2016, 15:55
Mùa lễ hội 2016 bắt đầu với cảnh chen nhau ở đền Trần, cướp lộc ở chùa Phúc Khánh, hỗn loạn ở hội cướp phết v..v… khiến công chúng giật mình vì sự biến dạng văn hóa đang diễn ra.


Trước hiện tượng này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia.

+ Ông nghĩ sao trước hiện tượng xô bồ trong hoạt động lễ hội ngày càng càng phát triển, làm biến tướng nét văn hóa truyền thống, nhất là khi điều này chỉ xảy ra ở phía Bắc, trái ngược với cảnh hàng trăm tình nguyện viên hướng dẫn, phát nước, vá xe miễn phí cho người đi lễ chùa ở tỉnh Bình Dương?

Hàng nghìn người dự lễ giải hạn ở chùa Phúc Khánh mới đây.

TS. Nguyễn Quốc Tuấn: Tôi thật sự kinh ngạc với văn hóa "cướp" lộc tại một số chùa. Về lý thuyết, không thể có cướp lộc vì ngày xưa, trước năm 1945, các hội làng rất quy củ, có trình tự, nghi thức trang nghiêm. Người dự hội đến với nhau là cộng cảm vào thời điểm thiêng, không gian thiêng. Bao nhiêu mâu thuẫn và thù hận được cởi bỏ, vì cái thiêng đã hóa giải, đã xã hội - quy phạm hóa hành vi cá nhân. Các trò diễn trong hội làng ngày xưa có tính biểu trưng, kể cả một số hội có cảnh diễn "cướp" lấy khước các linh vật đã qua tế lễ. Nhưng nhìn cảnh cướp lộc giờ đây chỉ thấy sự vô tổ chức, không theo kịch bản cổ xưa.

Đã nhiều năm, tôi cùng nhiều nhà nghiên cứu khác, từ các tiếp cận phân tích khác nhau, đã chỉ ra các nhiễu loạn hành vi trong một số hội làng ở Bắc Bộ. Nhưng nay có thể nói rằng nếu không kiểm soát tốt, sẽ có nguy cơ lan ra các hội làng, chùa khác. Dư luận, báo chí lên tiếng phê phán hành vi lệch chuẩn là điều không thể tránh được. 

Có lý do để lo ngại cho tình trạng này sẽ phát triển. Đó là nguy cơ các hội làng đua nhau thu hút khách với quy mô ngày càng lớn, với các “chiêu” câu khách như trong các sự kiện trình diễn hiện đại bằng những “sản phẩm đặc thù”, khêu gợi trí tò mò và thích ồn ào của người Việt hôm nay. Đây là thủ pháp không lạ, nhưng hiệu quả trong việc tiếp thị và quảng bá. 

TS. Nguyễn Quốc Tuấn.

Chúng ta nên nhớ, các hội làng lại gắn làm một với tâm linh – tôn giáo của con người, dù đó là “người hiện đại”. Giữa hội cổ truyền và hiện tại rõ ràng đã có sự chung đụng không cùng bản chất: hội cổ truyền là nhằm XÁC LẬP CÁCH THỨC TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG bằng sợi dây LINH THIÊNG, có trật tự, có quy phạm và được thừa nhận như một giá trị phổ quát, bắt buộc, chi phối hành vi con người. 

Trong khi đó, hội hiện tại bắt đầu chịu sự tác động của PR, của lối phô diễn qua kỹ thuật và thủ pháp quảng cáo, khi mà bối cảnh sống của con người đã thay đổi theo hướng lối sống tiêu thụ đã được khẳng định, theo hướng truyền thông đi vào tận giường ngủ, mạng xã hội trở thành quyền lực thực hữu.

Vì thế, không lạ khi các cảnh xô bồ, thiếu chiều sâu diễn ra ở một số hội làng, chùa như đã thấy. Rất đáng tiếc là tham dự vào cảnh xô bồ đó lại có các quan chức, cán bộ. Họ, tuy vị trí xã hội cao hay thấp, nhưng hành xử của họ lại ngạc nhiên thay, vẫn là của người không trưởng thành, là người đang bị “điểm mù” trong giá trị dẫn dắt.

+ Ngày càng nhiều người làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm như một sự “cứu cánh”. Là người rất am hiểu về lĩnh vực này, xin ông giải thích ý nghĩa thật sự của việc dâng sao giải hạn?

TS. Nguyễn Quốc Tuấn: Một trong những hoạt động có tính tâm linh, linh thiêng đầu năm là dâng sao giải hạn, mà ngày nay được thực hiện ở hầu hết các chùa phía Bắc, thậm chí ở một số chùa trong phía Nam có người Bắc sinh sống. 

Đó là đặc trưng văn hóa vùng dạng mới. Cái “mới” này thực ra là trả lại một tâm thế vốn đã là tập tục từ rất lâu là người dân, cả nhà quan, tin vào sự chiếu mệnh của các sao đối với cá nhân và gia đình. Sau thời gian dài, kể từ năm 1954 đến những năm 1980, phía Bắc đã trải qua một thực tế là cuộc sống tâm linh bị phá hủy hầu như hoàn toàn, để rồi khi được nhen nhóm rồi bùng phát khôi phục, thì các chùa ở phía Bắc trở thành nơi thỏa mãn nhu cầu tâm linh này.

Sự đồn thổi, tiếp nhận qua truyền miệng rằng chùa P. thiêng lắm, vì có các ông to đến đó dâng sao giải hạn, v.v… đã khiến cho chùa đó trở thành nơi “đệ nhất linh thiêng”. Ta phải nói với nhau điều này: không phải cứ có sự tăng trưởng tiêu thụ thì có tăng trưởng tâm linh, trưởng thành tâm linh. 

Không phải cứ có học vấn và địa vị xã hội cao thì đó là người có hiểu biết tâm linh và tôn giáo đúng đắn. Do thế, đừng vội cho rằng người có học vấn cao thì không có hành vi lệch chuẩn trong ứng xử với thế giới thiêng.

Sự lạm dụng của chùa nào đó trong dâng sao giải hạn không phải do trong Phật giáo có chứa đựng các giáo lý dạy về dâng sao giải hạn, mà chỉ là một hoạt động nhằm thu hút con người vào con đường xả bỏ và giác ngộ. Tiếc thay, giờ đây, chùa đó đã sử dụng hình ảnh mới được tạo dựng để PR cho chùa, và hậu quả xô bồ, tranh lộc là điều tất nhiên. Vi phạm trật tự công cộng và sự thuận tiện công cộng là quá rõ.


+ Là người đã nhiều năm nghiên cứu về tâm linh, lễ hội, theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

TS. Nguyễn Quốc Tuấn: Không có gì là tự nhiên sinh ra, mọi hiện tượng đều là kết quả của nhiều tác nhân tương quan với nhau. Và cảnh xô bồ, hành vi lệch chuẩn ngày nay không phải là hiện tượng đột xuất, mà là hậu quả của hằng loạt nguyên nhân. Trong đó, với tư cách là người nghiên cứu, tôi cũng phải nói đã có sự góp tay của các nghiên cứu cẩu thả, gán ghép và cơ hội chủ nghĩa. Lỗi là ở sự thiếu giáo dục về cái thiêng - tôn giáo cho thế hệ trẻ của người già, người nghiên cứu. Hành vi lệch chuẩn chính là biểu đạt của niềm tin hỗn loạn.

+ Để khắc phục tình trạng biến dạng văn hóa này, theo ông, cần làm gì? Vai trò của các nhà nghiên cứu trong giải thích các hiện tượng, vai trò của chính quyền trong hạn chế số người dâng sao giải hạn trong một buổi, thay vì chặn đường cho buổi lễ diễn ra?

TS. Nguyễn Quốc Tuấn: Để khắc phục, không còn con đường nào khác là cần một sự cải cách thể chế sao cho giữa hiện thực và tâm linh – tôn giáo là một con đường thông suốt, hành vi của con người có tính nhất quán cao khi giá trị phổ quát được xã hội tôn sung. Lúc đó mới không/hạn chế được các hành vi lệch chuẩn đang thấy. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và cả giới truyền thông đêu cần phải ngồi lại để tìm ra giải pháp tích cực nhất cho lễ hội.

+ Cám ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.