Du lịch Hà Nội vẫn thất thu dịp lễ 2/9 dù giảm giá sâu
- Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho du lịch Việt?
- Hoãn tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội 2020
- Từ “kích cầu du lịch” đến “văn hóa du lịch”
An toàn và đa dạng sản phẩm
Theo Sở Du lịch thành phố Hà Nội, công tác tổ chức các hoạt động của ngành du lịch Thủ đô chuẩn bị đón dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm 2020 tại các điểm đến du lịch vẫn được diễn ra sôi nổi, chu đáo, an toàn với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ.
Nhiều hoạt động chào đón Tết Độc lập đã được tổ chức thành công như: Không gian trưng bày chuyên đề “Chắp cánh ước mơ” tại di tích nhà tù Hỏa Lò; Không gian trưng bày chuyên đề “ Việt Nam - Độc lập, tự cường” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, phòng trưng bày chuyên để “Ngày độc lập 2/9” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Rất nhiều chương trình hấp dẫn được tổ chức trong dịp này: Chương trình “Vui Tết Độc lập”, “Về miền cao nguyên”; chương trình dân ca dân vũ “Vui hội non sông” của đồng bào các dân tộc phía Bắc, Chương trình biểu diễn xiếc đặc sắc của nghệ sĩ diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chương trình nghệ thuật với chủ đề "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam…
.Thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh là đối tượng khách tham quan khá phổ biến tại các điểm di tích trên địa bàn Hà Nội dịp lễ 2/9. |
Sở Du lịch thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại một số điểm đến du lịch tập trung đông người trên địa bàn thành phố, gồm: Trung tâm Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Di tích Quốc Tử Giám, Khu du lịch Thiên Sơn Suối Ngà và các khu, điểm du lịch như Tản Đà, Khoang Xanh Suối Tiên, Làng Cổ Đường Lâm.
Nhìn chung, dịp lễ năm nay, các điểm đến du lịch được kiểm tra đã tập trung, tăng cường công tác tổ chức đón tiếp khách du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và chú trọng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ bản các hàng quán dịch vụ được sắp xếp ngăn nắp, niêm yết giá đầy đủ. Việc trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp được bố trí tại khu vực riêng, giảm thiểu tối đa việc gây cản trở giao thông. Không có hiện tượng trông giữ xe trái phép, tự phát, ép giá; không xuất hiện hàng rong, ăn xin, chèo kéo khách du lịch. Các điểm đến đã chuẩn bị đầy đủ khẩu trang và nước sát khuẩn tại cơ sở cho nhân viên phục vụ và khách du lịch, tiến hành đo thân nhiệt cho khách trước khi vào điểm du lịch, hạn chế các sự kiện tụ tập đông người.
Giảm giá sâu nhưng vẫn vắng khách
Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội thì khách du lịch năm nay tại các điểm đến du lịch chủ yếu là khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, số lượng cả người dân, thanh thiếu niên, học sinh,... đi tham quan du lịch giảm hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngày Quốc khánh năm nay nghỉ 1 ngày nên lượng khách du lịch đến Hà Nội không nhiều.
Các cơ sở lưu trú du lịch khá vắng khách, mặc dù giá dịch vụ tại các cơ sở lưu trú giảm 40-60% với nhiều sản phẩm, chương trình ưu đãi hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Trong đó, khách sạn Pan Pacific ưu đãi hơn 40% còn 1.9 triệu đồng/1 đêm phòng Deluxe, tặng 500 nghìn đồng cho dịch vụ ẩm thực, ưu đãi 30% ăn uống tại nhà hàng và bar. InterContinental Hanoi Landmark 72 giá 4 triệu đồng/đêm với ưu đãi: Buffet sáng, trưa hoặc bữa tối cho 2 người, miễn phí nâng hạng phòng, ưu đãi 20% tại nhà hàng, quán bar, giảm 30% khi đặt phòng thứ 2; miễn phí dịch vụ trong khách sạn. Khách sạn Metropole giá 1,160 triệu đồng/ngày bao gồm phòng ngủ thuộc khu vực Opera Wing, sử dụng hồ bơi, phòng gym và một số đồ uống không cồn tại bar... Tuy nhiên, công suất bình quân sử dụng buồng phòng khá thấp. Ước tính khối khách sạn 1 sao đến 5 sao đạt 10,6%, giảm 53,4 % so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã cho thấy, tính đến ngày 31/8 có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm. Phân khúc khách sạn cao cấp 3 sao đến 5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi… rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi các khách sạn này chủ yếu phục vụ khách quốc tế.
Tổng hợp báo cáo của 6 khách sạn được UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập cơ sở cách ly tập trung cho chuyên gia cho thấy, ngày 2/9, các cơ sở này đã đón và phục vụ 389 khách/282 phòng (tổng số phòng đăng ký phục vụ khách cách ly là 582 phòng). Khách chuyên gia lưu trú tại 6 khách sạn chủ yếu đến từ các nước: Ấn Độ, Áo, Canada, Mỹ, Bỉ, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Hà Lan...
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách, mặc dù các cơ sở đồng loạt đưa ra các gói giảm giá dịch vụ từ 40-50% nhưng lượng khách vẫn không nhiều. Tại các khách sạn, nhà hàng và các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí..., lượt khách và sức mua rất hạn chế, ước tính doanh thu giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.