Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho du lịch Việt?

Thứ Sáu, 07/08/2020, 18:18
Vừa tái khởi động sau dịch COVID-19 đợt 1, du lịch Việt Nam tiếp tục lao đao khi dịch bệnh tái xuất trở lại. Để giúp du lịch Việt vượt qua đại dịch, chiều ngày 7/8, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch”. 

Tham gia bàn thảo có đông đảo lãnh đạo các Sở quản lý du lịch các địa phương, lãnh đạo của các hãng hàng không, Hiệp hội Du lịch, các hãng lữ hành, vận chuyển, khách sạn, cơ sở dịch vụ du lịch tại 3 điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch có thể nói là chịu ảnh hướng kép, hay bị tiếp một cú “đấm bồi” khi dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, lượng khách hủy tour lên đến 95%-100% cuối tháng 7 và tháng 8/2020, là hai tháng cao điểm du lịch nội địa. 

Du lịch Việt vừa có tín hiệu phục hồi sau dịch đã lại liêu xiêu vì COVID-19 trở lại

Các hãng hàng không, các doanh nghiệp khách sạn, các nhà đầu tư dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ lại tiếp tục đối mặt với thách thức lớn. Các doanh nghiệp lữ hành cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour một loạt của khách du lịch. 

Theo phản ánh của doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn khi chính sách của các hãng hàng không là chỉ cho lùi tiền cọc vé mà không hoàn trả, do đó doanh nghiệp lữ hành đang chịu sức ép vì khoản tiền cọc vé không nhỏ, nhất là khi các doanh nghiệp vừa gánh chịu tổn thất quá lớn của đợt đầu dịch COVID-19, trong khi đó khách du lịch hoãn huỷ tour thì đòi hoàn tiền. Hàng không cho hoãn huỷ thời gian tối đa 180 ngày nhưng tâm lý phổ biến của khách du lịch là e ngại, không còn nhu cầu đi du lịch.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng cho hay, trong những ngày vừa qua, Đà Nẵng rất khó khăn khi giải tỏa 1 lượng khách lớn. Hiện nay, Đà Nẵng vẫn còn vài nghìn khách chờ di chuyển về Hà Nội, Sài Gòn trong vài ngày tới. 

Lượng booking, hoãn khởi hành, hủy dịch vụ rất lớn. Đà Nẵng đã phối hợp với các bên giải quyết và sẵn sàng phối hợp với các công ty lữ hành trong giải quyết quyền lợi của du khách, của công ty trong việc hoàn, hủy tour đã đặt trước. 

Hội thảo trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho du lịch Việt

Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn thì Chính phủ nên giảm hoàn toàn thế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, giảm chi phí điện nước, viễn thông đến hết năm 2020. Cần tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay, giãn trả nợ cho vay mới vì áp lực về nợ vay của các doanh nghiệp rất lớn.

 Với các gói hỗ trợ của chính phủ, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã làm hồ sơ, trao đổi với các cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa có công ty nào được nhận hỗ trợ. Các gói hỗ trợ  của Chính phủ, các công ty lữ hành, người lao động trong ngành du lịch chưa tiếp cận được.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel kiến nghị cần hỗ trợ về chính sách tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp hàng đầu về vận chuyển, lưu trú, lữ hành, khu vui chơi giải trí để tạo đầu kéo ngành du lịch hồi phục lại. Trong đó, nới lỏng các điều kiện, qui định về tài sản thế chấp, cơ cấu vay vốn, tái cấp vốn… các gói hỗ trợ tài chính cần có sự điều phối hỗ trợ từ ngân hàng nhà nước. 

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì cho rằng các vấn đề lâu dài như về thuế VAT nên tính sau. Trước mắt cần giải quyết các vấn đề cấp bách như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, người lao động tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ. COVID-19 trở lại cũng là dịp để các đơn vị rút kinh nghiệm để điều chỉnh trong các hợp đồng cho các đợt kích cầu tiếp theo. 

Bởi lẽ, kích cầu du lịch vừa qua, khách tham gia rất đông vì chưa bao giờ có giá tốt hơn thế. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia chỉ hưởng lợi được ở việc tái khởi động hoạt động và duy trì bộ máy, chưa có lợi nhuận. Du khách tham gia chương trình, được hưởng lợi thì cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này, không vì dịch vừa trở lại là hủy tour và đòi hoàn tiền ngay lập tức. Tất nhiên, với khách hủy tour, bên cạnh việc thuyết phục khách giữ dịch vụ cho đến thời điểm thích hợp hơn với giá ưu đãi, các doanh nghiệp lữ hành, cung cấp dịch vụ cần phối hợp với cơ quan quản lý công khai mức tiền khách đặt cọc như một khoản nợ một cách minh bạch để khách yên tâm. Các doanh nghiệp lớn nên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hoàn tiền đặt trước nếu có điều kiện.

Rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp trong việc hoãn, đổi, hoàn, hủy vé máy bay và các dịch vụ du lịch liên quan khác trên tinh thần hợp tác, cùng chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp và khách du lịch, phương án ứng phó, khôi phục ngành du lịch trong thòi gian tới cũng đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục sẽ tiếp thu các ý kiến, có kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị, người lao động trong ngành du lịch.


Hoa Nguyễn
.
.
.