Đờn ca tài tử trước nỗi lo bị “thương mại hóa”

Thứ Tư, 19/04/2017, 08:01
Hiện nay, đờn ca tài tử thực sự không thể thiếu trong một tour du lịch khu vực Nam bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng. Điều này góp phần quảng bá trực tiếp môn nghệ thuật truyền thống đến với du khách, song cũng đặt ra nỗi lo trước nguy cơ bị “thương mại hóa”.


Đờn ca tài tử - “Báu vật đất phương Nam”

Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào cuối năm 2013. Xuất xứ từ nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử được du nhập vào miền Nam từ cuối thể kỷ XIX do 3 nhạc sư gốc miền Trung sáng tạo nên.

Từ không gian nhỏ hẹp ban đầu, chỉ có đờn, sau đó xuất hiện hình thức ca cùng đờn nên gọi là đờn ca. Chữ “tài tử” ở đây có nghĩa là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc chứ không có nghĩa là nghiệp dư.

Theo bước chân các thế hệ tiền nhân đi khẩn hoang mở cõi xuôi về phương Nam, những bản nhạc mang tâm tình của những người xa xứ càng tăng thêm tính ngẫu hứng và sáng tạo. Hạt giống tốt được gieo trên mảnh đất phù sa, màu mỡ đã nhanh chóng đâm chồi nảy lộc và không ngừng phát triển.

Đoàn nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu biểu diễn tại Festival đờn ca tài tử lần 2 Bình Dương.

Đờn ca tài tử đã đồng hành với những bước đi thăng trầm của dân tộc, được nuôi dưỡng bởi niềm tự hào và tinh thần dân tộc. Ít loại hình nghệ thuật nào minh chứng được sức sống vô cùng mạnh mẽ như đờn ca tài tử.

Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, đờn ca tài tử nay đã phổ biến tại 21 tỉnh thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau, thậm chí còn lan tỏa khắp các tỉnh phía Bắc. Chính những nét đặc trưng độc đáo ấy đã đưa nghệ thuật đờn ca tài tử đến với thế giới và được thế giới vinh danh.

Ông Phạm Diêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cho biết, tuy địa phương này không phải là cái nôi của đờn ca tài tử nhưng trong dòng chảy văn hóa đó, đờn ca tài tử đã hình thành và ngày càng phát triển. Và cũng giống như tại miền Tây Nam Bộ, đờn ca tài tử gắn chặt với không gian sống của người dân lao động, khi xong việc người ta ngồi đờn rồi hát. Cho tới thời điểm này, BR-VT có 58 CLB đờn ca tài tử.

Nỗi lo “thương mại hóa”

Chỉ cần search từ khóa “du lịch kết hợp nghe đờn ca tài tử”. thì đã có tới 202.386 kết quả gồm những tour du lịch được quảng cáo nhan nhản trên mạng. Trong đó, có không ít gói được giảm giá tới 50% nhằm kích cầu nhu cầu đi du lịch của mọi người.

Theo đó, các công ty du lịch thì bán được tour, có nhiều khách; người dân thì được đi chơi với giá hữu nghị. Tuy nhiên nỗi lo ở đây chính là với số lượng tour càng ngày càng tăng, nhiều nghệ nhân đi ca, đi đờn ghe thuyền này đến ghe thuyền khác như chạy sô.

Nhiều bản tổ được biểu diễn trích đoạn, chóng vánh. Người nghe chưa kịp hiểu, thẩm thấu đã phải dời đến một địa điểm khác. Vì những lẽ đó mà không ít chuyên gia, những nhà nghiên cứu, thậm chí cả những người làm công tác quản lý cũng tỏ ra lo ngại về việc kết hợp này.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, địa phương vừa đăng cai tổ chức festival đờn ca tài tử cho biết, theo quan điểm của cá nhân ông, việc gắn du lịch với đờn ca tài tử đúng là có những mặt tích cực của nó.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. “Chúng ta không nên xem nghệ thuật đờn ca tài tử như một gói khuyến mại, như một nội dung đính kèm trong các tour du lịch. Vì như vậy, sẽ làm cho đờn ca tài tử trở nên nhàm chán, thậm chí biến chất. Bởi khi xem đờn ca tài tử là một nội dung đi kèm, khuyến mại thì người nghệ sỹ cần gì đầu tư, cần gì tư duy nghệ thuật vào đó sâu. Thế thì tính hình tượng sao mà cao được? Mà nghệ thuật buông rơi, xa rời tính hình tượng thì hỏng mất. Đối với nghệ thuật, quan trọng là tính nghệ thuật, tính hình tượng, tính cách điệu của nó. Đâu phải là cái máy hát”.

“Nếu cứ xem nó là một gói khuyến mại của các tour du lịch thì dần dần, có thể có những thành công bước đầu nhưng dần dần, sẽ thất bại và đờn ca tài tử ở nơi đó sẽ càng ngày càng tệ đi. Cho nên vừa làm sao phát huy đờn ca tài tử như một vấn đề thu hút khách du lịch, vừa phải đầu tư chất xám, trí tuệ cho nó phù hợp cũng phải nghĩ”, ông Đáng lo ngại và nhấn mạnh: “Bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, nhất là nghệ thuật truyền thống, cũng đều có cái hay, đậm, sâu lắng nhưng cũng có những điểm hạn chế của nó.

Bây giờ không có cách gì khác là chúng ta phải làm sao phát huy cái hay, cái sâu lắng, chất phác, giản dị rất đờn ca tài tử đến với mọi người. Với cá nhân, tôi cho rằng phải làm sao mọi người đều thấy được, cảm được chiều sâu của nghệ thuật đờn ca tài tử, từ đó người ta mới yêu mến, trân trọng và góp phần bảo tồn, phát triển”.

Tại xứ dừa Bến Tre, hầu hết các tour du lịch sinh thái đều có đờn ca tài tử. Tuy nhiên việc giữ gìn đờn ca tài tử cũng là vấn đề khiến những người làm công tác quản lý ở địa phương này luôn trăn trở.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bến Tre cho biết, mỗi giai đoạn của ĐCTT đều có bản sắc riêng, điều đó cũng dễ hiểu bởi lẽ ở mỗi giai đoạn khác nhau thì cách thể hiện phải phù hợp với giai đoạn đó, và việc gắn đờn ca tài tử với các tour du lịch nó rất tốt nếu chúng ta làm đến nơi đến chốn, quan trọng là phải giữ được các bài bản tổ.

Hiện 164 xã, phường của Bến Tre đều có các CLB đờn ca tài tử duy trì và hoạt động rất tốt.

Hải Âu
.
.
.