Di tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế xuống cấp nghiêm trọng
- Phục hồi di tích điện Kiến Trung triều Nguyễn trên nền móng cũ
- Nhiều công trình tại di tích điện Phụng Tiên được phục hồi sau hơn 180 năm
- Gia cố bờ kè Di tích Thành cổ Quảng Trị
Tháng 8-1967, Khu ủy Trị Thiên-Huế quyết định chọn đồi 160 nằm ở độ cao 160m so với mặt nước biển, nay thuộc địa bàn phường Hương Vân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) để xây dựng địa đạo, nơi đặt cơ quan đầu não, căn cứ chỉ huy chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng quân giải phóng trước và sau cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 1968.
Địa đạo được thiết kế 3 cửa, nằm trên triền dốc của đồi 160; trong lòng địa đạo được thiết kế các phòng hội họp, phòng ngủ với chiều cao 2m, rộng 4m, dài 2m. Tại địa đạo này, nhiều cuộc họp quan trọng của Khu ủy Trị Thiên-Huế đã được tổ chức.
Với giá trị lịch sử to lớn nên năm 1996, địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận, xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Tuy nhiên, hiện địa đạo này đang xuống cấp rất nghiêm trọng, cần sớm được tu bổ, tôn tạo khẩn cấp.
Đường vào di tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên- Huế bị cây rừng bao phủ, không còn lối đi. |
Chúng tôi theo chân các Cựu chiến binh (CCB) thị xã Hương Trà đến địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế vào một ngày cuối tháng 2-2019. Ông Hồ Khả Tô, nguyên Chủ tịch Hội CCB thị xã Hương Trà là người đã nhiều lần đến địa đạo, song lần trở lại này, phải mất rất nhiều giờ vượt lòng hồ thủy điện Hương Điền, băng rừng núi, phát quang cây rậm, ông và các CCB mới tìm ra được tấm biển chỉ dẫn lối vào địa đạo được dựng bằng trụ bê tông.
Ông Tô thở dài: “Trở lại địa đạo, trước cảnh cây rừng, lau lách che khuất, hai cửa miệng hầm trước và sau địa đạo cũng vùi lấp, chắn lối vào do đất đá sạt lở… chúng tôi rất xót lòng”. CCB Lê Xưng (trú ở phường Hương Vân) cũng bày tỏ nỗi buồn trước một di tích lịch sử quan trọng bị hoang phế, xuống cấp: “Lần trước, do vào mùa mưa, nước lòng hồ thủy điện dâng cao nên chúng tôi không thể vào được địa đạo. Còn lần này tìm đến nơi thì địa đạo đã bị sập đổ các cửa miệng không vào được bên trong.
Về lâu dài, các cơ quan chức năng không tiến hành trùng tu, tu bổ; hoặc có biện pháp chống xuống cấp thì rất tiếc nuối”, ông Xưng nói. Tìm hiểu mới hay, từ tháng 12-2013, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản về việc thống nhất quy mô đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên- Huế.
Theo đó, dự án do Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế làm chủ đầu tư với quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 1.200m2 với các hạng mục như tôn tạo 3 cửa hầm, gia cố mái taluy cửa hầm, phục dựng lại 2 bếp Hoàng Cầm, 3 hầm cảnh vệ và khoảng 100m giao thông hào; xây mới nhà bia di tích và biển giới thiệu di tích; xây dựng mới cầu tàu, đường giao thông, lan can và chòi nghỉ.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 5,1 tỷ đồng và dự kiến thực hiện trong vòng 3 năm. Tuy nhiên đến nay đã hơn 5 năm trôi qua nhưng dự án vẫn chưa được triển khai khiến di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia ngày càng xuống cấp nghiêm trọng hơn.
Ông Châu Văn An, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, bày tỏ: “Hiện di tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế đang bị xuống cấp nhưng công tác tu bổ, tôn tạo di tích đang còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Vì thế, phường kiến nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cấp liên quan sớm có biện pháp bảo tồn di tích này. Bởi ngoài di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia thì đây còn là một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ là các em học sinh, sinh viên”.