Chưa có kết quả cuối cùng trong vụ tranh cãi phim Việt bị chèn ép
Theo nguồn tin riêng của báo Công an nhân dân, chiều ngày 8/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, nhiều thành viên của Hiệp hội và đại diện của công ty CGV đã có buổi làm việc với nhau xoay quanh các tranh cãi về việc CGV chèn ép phim Việt khi ra rạp.
- "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" châm ngòi nổ trong dư luận
- Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam lên tiếng vụ CGV chèn ép phim Việt
Thông tin về việc các nhà sản xuất, đơn vị phát hành phim Việt Nam bị các cồng ty có vốn đầu tư nước ngoài xây dựng hệ thống rạp chiếu phim lớn tại Việt Nam chèn ép trong việc phát hành phim ngoài rạp đã được phản ánh nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, chỉ đến năm 2016, khi diễn viên Ngô Thanh Vân, đại diện đơn vị sản xuất phim “Tấm Cám – chuyện chưa kể” bật khóc trong lễ công chiếu phim vì bị CGV từ chối phát hành, mâu thuẫn âm ỉ trong giới mới bùng phát. Sau nhiều ý kiến trái chiều của các bên, trên mạng xã hội lan truyền không ít ý kiến tẩy chay CGV - hệ thống rạp chiếu phim thuộc hàng lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này. Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam cũng có văn bản đề nghị Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc.
Bộ phim "Tấm Cám - chuyện chưa kể" không được phát hành trên hệ thống rạp chiếu CGV được coi là "giọt nước tràn ly" sau nhiều năm người làm phim Việt ấm ức về việc bị chèn ép khi phát hành |
Trước tình hình trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mời các bên đến Bộ làm việc. Đồng chí Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu câu các đơn vị sản xuất, phát hành phim Việt và CGV nghiêm túc ngồi lại bàn bạc để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều ngày 8-9, vụ việc vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Trao đổi với chúng tôi ngay trước buổi gặp, đối thoại giữa các bên, ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho biết, thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Trong vài năm gần đây, mức tăng trưởng lên đến 600%. Đây là thị trường điện ảnh hứa hẹn nhiều tiềm năng. Nhà nước Việt Nam cũng đã có rất nhiều chính sách ưu đãi, cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ngoài việc tuân thủ pháp luật, hưởng ưu đãi, nhà đầu tư cũng nên “nhập gia tùy tục”, có thiện chí hợp tác để cùng phát triển thị trường lành mạnh.
Điện ảnh là hoạt động nghệ thuật, là văn hóa. Người làm văn hóa càng cần có những ứng xử tinh tế với nhau. Về phía Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, lãnh đạo và các thành viên của Hiệp hội cũng thống nhất sẽ giải quyết vụ việc trên tinh thần thương lượng có lợi cho sự phát triển của hai bên…