Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam lên tiếng vụ CGV chèn ép phim Việt

Thứ Ba, 30/08/2016, 15:59
Sau một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, phát hành phim, ngày 30/8, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam cũng chính thức lên tiếng khẳng định việc công ty CJ CGV chèn ép các đơn vị làm phim Việt Nam là có thực. Cũng theo Hiệp hội, việc lên tiếng chính thức lần này mới chỉ là bước đầu. Nếu các bên không ngồi lại giải quyết ổn thỏa thì sẽ chính thức đưa ra pháp luật.

 

 

Theo Hiệp hội, trong thời gian qua, ngoài  công ty VAA và BHD còn có nhiều doanh nghiệp khác khác của hiệp hội cũng gặp vấn đề tương tự nên Hiệp hội khẳng định, việc CGV là đơn vị có tỷ lệ phòng chiếu lớn trên thị trường ép các doanh nghiệp nói chung và nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội về tỷ lệ ăn chia trong thời gian gần đây là vấn đề có thực và đang có rất nhiều doanh nghiệp bất bình.

"Tấm Cám - chuyện chưa kể" - bộ phim châm ngòi nổ cho cuộc tranh cãi phim Việt bị chèn ép trong cộng đồng mạng

Cụ thể từ khoảng năm 2008 trở về sau, hầu như tất cả các rạp chuẩn (Lotte, CGV, Galaxy, BHD, Platinum ...) đều có mức tỷ lệ ăn chia bằng nhau, tuy nhiên trong khoảng hơn một năm gần đây, tỷ lệ này riêng tại cụm rạp CGV ngày càng bị ép giảm dần.Đến năm 2015 thì doanh thu ăn chia cho phim Việt của các nhà sản xuất/ nhà phát hành khác không phải CGV tại hệ thống rạp của CGV bị giảm bình quân khoảng từ 15% đến gần 25% trong khi tỷ lệ cũ vẫn được CGV đòi áp dụng cho phim của mình tại các hệ thống rạp khác cũng như tỷ lệ cũ vẫn được các doanh nghiệp khác trong ngành áp dụng.

Trong thông tin phát đi, Hiệp hội cũng khẳng định trước đây, CGV đã nhiều lần vi phạm và bị xử phạt trong các hoạt động chèn ép các nhà sản xuất khác  tại chính Hàn Quốc và Việt Nam. Hiệp hội đã nhận được thông tin cụ thể rằng không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Hàn Quốc, công ty CGV đã có nhiều hoạt động lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chèn ép các nhà sản xuất và các đơn vị hoạt động điện ảnh nhỏ khác tại Hàn Quốc và đã bị cơ quan cạnh tranh của Hàn Quốc là Uỷ ban Thương mại công bằng (KFTC) điều tra, xử phạt ít nhất 5 lần.

Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhiêm cũng khẳng định, hiện tại, Hiệp hội mới gửi văn bản đề nghị lên cơ quan quản lý là Cục Điện ảnh Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc. Hiệp hội và các đơn vị thành viên đã chuẩn bị các thông tin, chứng cứ cụ thể khi các bên chính thức ngồi lại với nhau. Đây là cố gắng của Hiệp hội và những người làm điện ảnh Việt Nam nhằm khẳng định tinh thần cởi mở hợp tác quốc tế  với tất cả các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không thành, Hiệp hội và các thành viên mới tính tới giải quyết vụ việc bằng pháp luật.

Về phía Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết, Cục Điện ảnh chưa nhận được văn bản nào của Hiệp hội phát hành và phổ biển phim Việt Nam như nói trên. Riêng về nội dung một số các đơn vị sản xuất, phát hành phim Việt lên tiếng về việc CGV chèn ép phim Việt khi ra rạp, Cục đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và Cục Cạnh tranh giải quyết.

N.Hoa
.
.
.