Chủ sở hữu tác phẩm thờ ơ với đăng ký bản quyền?!

Thứ Ba, 24/04/2018, 08:42
Trong khi rất nhiều tác giả và người có quyền liên quan liên tục than thở, thậm chí bức xúc vì tác phẩm văn học nghệ thuật bị vi phạm bản quyền thì phần lớn các địa phương đã triển khai tiếp nhận đăng ký bản quyền lại… không có việc. 

Nghịch lý này tồn tại dai dẳng nên thay vì đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngay tại địa phương thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh, thành phố thì hiện nay, tác giả chỉ có thể đăng ký bản quyền với Cục Bản quyền tác giả hoặc văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Mới đây, Hải Phòng trở thành tâm điểm chú ý với vụ việc họa sĩ  Đặng Tiến và nhiều họa sĩ nổi tiếng khác của đất Cảng đồng loạt lên tiếng tố cáo tranh của họ bị đồng nghiệp sao chép, làm giả rồi ngang nhiên rao bán trên mạng Internet. 

Với các nhà sản xuất phim, bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm điện ảnh là một thách thức.

Dù rằng, đây là một trong số không nhiều các tỉnh đã tổ chức xây dựng và triển khai đề án “Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 2016 – 2020”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng thì thời gian qua, ngoài việc đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai đề án thì Hải Phòng còn biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho các tập thể, cá nhân có nhu cầu. 

Tuy nhiên, đến nay, tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn thành phố vẫn rất phổ biến. Hành vi xâm phạn bản quyền diễn ra với tất cả các loại hình, từ tác phẩm văn học, công trình khoa học cho đến tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, sân khấu… 

Năm 2017, Sở cũng mới chỉ tiếp nhận và chuyển hồ sơ duy nhất đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả về Cục Bản quyền.

Ngay tại khu vực trung tâm như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hoạt động đăng ký cấp giấy chứng nhận bản quyền cho tác phẩm văn học nghệ thuật cũng không khá hơn. Thậm chí, theo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội thì thời gian qua, chưa hề có một tổ chức, cá nhân nào gửi hồ sơ đến Sở để đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Thống kê của Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cũng cho thấy, quý I năm 2018, Cục  cấp 1.224 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan trên các lĩnh vực. Như vậy, so với yêu cầu và sự phát triển văn học, nghệ thuật trong thực tế, con số này còn rất nhỏ.

Chia sẻ về lý do các tác giả chưa thực sự mặn mà với việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình, họa sĩ Phạm An Hải cho rằng, vẫn còn nhiều tác giả e ngại làm thủ tục. Để có một tác phẩm, có khi họa sĩ sáng tác rất nhanh nhưng cũng có khi phải mất một thời gian dài, qua nhiều công đoạn, nhiều lần chỉnh sửa. Bản thân nghệ sĩ lại rất ngại các thủ tục hành chính vì cho rằng rườm rà, phức tạp, tốn thời gian mà không hiệu quả. Nhà phê bình Phạm Long cũng cho hay, tình trạng vi phạm bản quyền còn phổ biến và xử lý chưa nghiêm. Kết quả xử lý nhiều vụ vi phạm bản quyền nổi tiếng thời gian qua, thủ tục quá phức tạp khi chứng minh tác phẩm bị xâm phạm là “con đẻ” của mình, việc thiếu chế tài hiệu quả, đủ sức răn đe là lý do chính khiến các nghệ sĩ thờ ơ với việc đăng ký bảo hộ bản quyền tác phẩm.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, ông Bùi Nguyên Hùng cũng cho rằng, hiện nay, các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan đã đầy đủ và chi tiết hơn. Thành tựu khoa học công nghệ phát triển đã hỗ trợ tích cực trong việc hỗ trợ bảo vệ bản quyền tác phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn có những lĩnh vực, thành tựu công nghệ cũng chưa thể giúp bảo vệ bản quyền như nhu cầu thực tế của các chủ sở hữu. 

Song, có một thực tế cần lưu ý là với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các quốc gia lớn, xử lý rất nghiêm khắc với các hành vi vi phạm bản quyền. Nếu tổ chức, cá nhân từng bị phát hiện có hành vi vi phạm bản quyền sẽ rất khó khăn, thậm chí không còn cơ hội hợp tác, giao lưu, phát triển ra các quốc gia này… - ông Hùng cảnh báo.

N.Nguyễn
.
.
.