Buộc phải minh bạch hoạt động, thực thi bản quyền vẫn khó?!

Thứ Năm, 12/04/2018, 08:21
Từ ngày 10-4, Nghị định 22/2018/NĐ-CP (Nghị định 22) quy định chi tiết biện pháp thi hành một số điều và biên pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về  quyền tác giả, quyền liên quan chính thức có hiệu lực.

Việc ra đời Nghị định mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt” từng gây tranh cãi về hoạt động thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó “đình đám” nhất là việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) triển khai thu tiền sử dụng âm nhạc đối với khách sạn có tivi tại Đà Nẵng.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Nghị định 22 vẫn giữ nguyên các quy định trước đó nhưng quy định rõ hơn, chi tiết hơn. Nghị định được xây dựng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi việc thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là những tranh cãi quanh hoạt động thiếu minh bạch của các Đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (CMO).

Thay vì cách hoạt động theo kiểu các CMO công bố thu chi đến đâu thì người ủy quyền và người sử dụng tác phẩm biết đến đấy thì hiện nay, các tổ chức này sẽ buộc phải thực hiện chế độ báo cáo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản về điều lệ, sửa đổi bổ sung điều lệ, cơ chế quản lý tài chính, thay đổi nhân sự, tham gia các tổ chức quốc tế, các hoạt động đối ngoại, biểu giá, phương thức thanh toán cho đến phân chia tiền nhuận bút, thù lao.

Phim truyền hình ăn khách “Người phán xử” bị ăn cắp bản quyền từ khi mới lên sóng nhưng đến lúc kết thúc phim, vụ việc mới được giải quyết.

Tất cả các thông tin phải được công bố công khai trên trang web của CMO và các CMO phải có hệ thống cơ sở dữ liệu của tổ chức mình, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan. Quy định này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng nghệ sĩ nghi ngờ, bức xúc phản ánh các CMO thu tiền nhuận bút, thù lao giá cao nhưng trả cho nghệ sĩ thì thấp trong nhiều năm gần đây.

Trao đổi quanh Nghị định mới này, một đại diện của Đài Truyền hình Việt Nam cũng cho rằng, việc quy định chi tiết hơn về bản quyền giúp VTV giải tỏa được câu chuyện chi trả thù lao, nhuận bút sao cho không chồng chéo đối với các CMO.

Theo VTV, một chương trình ca nhạc phát sóng, nhà đài phải trả nhuận bút cho tác giả nhưng cũng không thể trả hết cho VCPMC vì Trung tâm không đại diện cho tất cả các nhạc sĩ. Nếu phát sóng từ băng, đĩa thì không phải sản phẩm nào cũng phải trả thù lao cho nghệ sĩ vì có những băng đĩa, toàn bộ bản quyền đã thuộc về nhà sản xuất.

VTV chi trả tiền trực tiếp cho nhà sản xuất hoặc qua RIAV (Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam). Mới đây, VTV từ chối văn bản đề nghị trả tiền thù lao cho nghệ sĩ biểu diễn của APPA (Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam) vì thiếu cơ sở để chi trả.

Ngược lại, với tư cách của chủ thể quyền, VTV cũng hy vọng Nghị định mới sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm của Đài. Thời gian qua, bản quyền của VTV đã bị vi phạm ở nhiều dạng thức khác nhau: Sử dụng chương trình không xin phép, khi tiếp sóng VTV thì nhà đài khác tự ý chèn quảng cáo của mình. Nhiều chương trình, phim ăn khách như The Voice, Đồ rê mí, “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”… phải sản xuất vô cùng tốn kém nhưng bị sao chép, phát hành tràn lan trên internet. Việc quy định cụ thể các hành vi vi phạm sẽ thuận lợi trong hoạt động bảo vệ quyền lợi của các chủ thể quyền.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện này thì các thủ tục hiện nay vẫn còn rất phức tạp, thậm chí tốn kém. Cụ thể là mới đây, khi phim “Người phán xử” bị ăn cắp bản quyền từ khi mới phát sóng. Phim phát trên đài trong 1 thời gian dài và VTV phải mất rất nhiều công sức đấu tranh nhưng đến khi có kết quả cũng là lúc kết thúc phim.

Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Phạm Cao Thái cũng bày tỏ, việc ban hành Nghị định mới tạo thuận lợi hơn trong thực thi pháp luật về bản quyền song đi vào thực tiễn thì còn nhiều vấn đề.

Quy định thì đã có, lực lượng thanh tra văn hóa có thể nắm rất rõ nhưng không có trình độ về công nghệ thông tin. Nếu mời các chuyên gia công nghệ cùng phối hợp thì quy định pháp luật lại không cho phép. Vì vậy, để quy định đi vào thực tế đời sống chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Trực, trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thì băn khoăn: Nghị định bắt buộc tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm phải trả nhuận bút, thù lao cho chủ thể quyền. Nếu đơn vị nào không thực hiện nghĩa vụ này sẽ bị rút giấy phép tổ chức chương trình. Nhưng, có những chương trình chỉ diễn ra 1 lần.

Không rút giấy phép họ cũng không tổ chức nữa hoặc nhiều nhà tổ chức xin giấy phép biểu diễn chương trình ở tỉnh, thành khác. Khi đến Hà Nôi, họ chỉ thông báo về thời gian, địa điểm. Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội không kiểm soát về nội dung.

Nếu ban tổ chức tự ý thay đổi nội dung, địa phương không thể nắm được. Chưa kể, bản thân các chủ thể quyền có khi cũng mù mờ về bản quyền, thủ tục cần làm thì không làm, gặp chuyện là bức xúc, nổi nóng xong rồi… để đấy!

Trao đổi về các vấn đề nói trên, Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng cho rằng, Nghị định 22 bắt buộc các CMO và cá nhân thu tiền nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm phải chứng minh rõ ràng họ sở hữu hoặc được ủy quyền như thế nào. Việc thu tiền phải trên cơ sở minh bạch về dữ liệu, thông tin. Ví dụ, việc thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc với khách sạn có tivi từng gây nhiều tranh cãi thời gian qua, về nguyên lý là đúng luật.

Tuy nhiên, tập thể, cá nhân thu tiền phải chứng minh được hàng ngày, hàng tháng, mỗi khách sạn có bao nhiêu tivi được sử dụng, sử dụng trong bao lâu và chương trình nào có sử dụng tác phẩm của tác giả thì mới được thu chứ không có chuyện yêu cầu thu chung chung như trước đây.

“Quy định này bắt buộc các CMO và chủ thể quyền phải có các giải pháp công nghệ để đo đếm thật chính xác hoạt động sử dụng tác phẩm. Việc này, thế giới đã thực hiện từ rất lâu. Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ. Hiện  nay, đã có một số công ty cung ứng các dịch vụ nói trên. Tất nhiên là các CMO, chủ thể quyền sẽ phải chi trả một khoản tiền nhất định cho đơn vị cung ứng. Theo quan sát ban đầu của chúng tôi, chi phí này không lớn…

Ngọc Nguyễn
.
.
.