Cho phép thăm dò, khai quật di chỉ trên 3 nghìn năm tuổi

Thứ Tư, 24/04/2019, 14:12
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định chính thức cho phép thăm dò khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối– khu vực được xác định chứa nhiều di chỉ về những cư dân đầu tiên của Hà Nội, có niên đại từ hơn 3.000 năm về trước.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối nằm trên địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có diện tích 19.000m2, được các nhà khoa học xác định có giá trị quan trọng trong việc cung cấp tư liệu cho lịch sử đất nước từ thời nguyên thủy sang thời sơ sử, chứng minh sự phát triển liên tục về nguồn gốc, sự lan tỏa và phát triển của cộng đồng dân tộc Việt, đặc biệt là về người Việt cổ giai đoạn phát triển mạnh mẽ từ khu vực trung du xuống đồng bằng châu thổ.

Những hiện vật khai quật tại di chỉ Vườn Chuối là bằng chứng xuyên suốt từ 3.500 năm cho đến 1.800 của Hà Nội. Cư dân của di chỉ Vườn Chuối là cư dân đầu tiên của Hà Nội.

Di chỉ Vườn Chuối trong một đợt khai quật

Từ năm 1969 đến nay, đã có 8 đợt khai quật di chỉ nhưng việc khai quật, hiện vật chưa được kiểm kê một cách có hệ thống. Vài năm gần đây, di chỉ này liên tục bị cảnh báo về tình trạng bị những kẻ trộm xâm phạm lấy cổ vật, thậm chí từng bị cảnh báo có có nguy cơ bị xóa sổ khi nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch.

Nhờ nhiều nhà khoa học, nghiên cứu và cộng đồng lên tiếng, di chỉ tạm thời được bảo vệ, mặc dù địa phương vẫn nhiều lần phản ánh tình trạng xâm phạm di chỉ vẫn tái diễn. Đợt khai quật lần này được kỳ vọng sẽ được tổ chức bài bản, giải quyết được nhiều vấn đề mà các đợt khai quật trước chưa thực hiện được.

Cụ thể, theo Quyết định 1470/QĐ-BVHTTDL, Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật tại 3 khu vực: Gò Vườn Chuối, gò Mả Phượng, gò Dền Rắn thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.Thời gian thăm dò, khai quật từ ngày 25-4 – 30-11. Diện tích thăm dò, khai quật là 500 m2. Trong đó, thăm dò 300m2, khai quật 200m2. Gò Vườn Chuối đào thăm dò 100m2 (25 hố x 4m2/hố); khai quật 200m2. Gò Mả Phượng đào thăm dò 100m2 (25 hố x 4m2/hố); Gò Dền Rắn đào thăm dò 100m2 (25 hố x 4m2/hố).

Trong thời gian thăm dò, khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

N.Hoa
.
.
.