Nhà báo thích sưu tầm đồ vật “hóa kiếp chiến tranh”

Thứ Ba, 13/02/2018, 16:31
Sau hơn 10 năm miệt mài sưu tầm, vào những ngày cuối tháng 12 năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (60 tuổi, hiện đang công tác tại Báo Hànộimới) đã tổ chức một buổi triển lãm những đồ vật được làm từ các phế liệu chiến tranh như xác máy bay, vỏ bom, đạn…

Từ đó đến nay, kho đồ vật quý giá ấy của anh cứ đầy đặn thêm theo thời gian cùng với những câu chuyện thú vị vì được sinh ra từ chính vũ khí của kẻ thù để trở thành một vật dụng có ích cho cuộc sống của người dân.

Hà Nội những ngày cuối năm trời rét căm căm, lồng lộng gió. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến mời tôi vào trong cơ quan anh. Căn phòng khách kín đáo, khói thuốc đượm lên và anh bắt đầu chia sẻ cho tôi những câu chuyện về chủ đề mà anh gọi là: Những đồ vật hóa kiếp chiến tranh!

Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, anh có sở thích và bắt đầu đi sưu tầm các đồ vật được sử dụng thời bao cấp từ năm 1998. Khi ấy, chứng kiến nhiều người vứt bỏ đồ vật đã gắn bó với họ suốt thời khó khăn như: xe đạp, sổ gạo, tem phiếu… để thay bằng đồ sinh hoạt mới tiện nghi hơn, anh đã nảy ra ý định này. Trong quá trình sưu tầm ấy, anh đã vô tình gặp và tiếp xúc với nhiều đồ vật được làm từ phế liệu chiến tranh.

“Có nhiều đồ vật đẹp ngỡ ngàng và hết sức quý giá. Đến năm 2001, tôi quyết định chính thức sưu tập những đồ vật ở thể loại này với mong muốn lưu giữ lại được những kỷ vật và câu chuyện ý nghĩa trong quá trình nó được sinh ra và tồn tại” - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nhận giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội, Giải thưởng Bùi Xuân Phái tháng 8-2012.

Tiến kể, trong một lần đi công tác ở Điện Biên Phủ, vô tình anh được người bạn dẫn đến ăn cơm tại nhà anh Khiết - một cán bộ của lực lượng Công an vũ trang (sau này là Bộ đội Biên phòng). Khi ấy, anh thấy một con dao dài khoảng 35cm, có vỏ bao bọc được treo trang trọng ở phòng khách của ngôi nhà. Thấy nhà báo tò mò, anh Khiết liền lấy con dao xuống, mở ra và giới thiệu. 

Nó được anh Khiết làm từ nguyên liệu của một khẩu pháo của lính Pháp sử dụng trước đây ở Điện Biên Phủ (những năm 1954 trở về trước). Chất liệu của nó bằng thép (đến nay vẫn chưa bị han gỉ), anh Khiết chế tác ra nó với mục đích dùng để phát cây rừng mỗi khi tuần tra, để tự vệ hay lúc ở đơn vị thì nó cũng kiêm luôn nhiệm vụ thái rau, thái thịt… 

Chiếc đèn dầu được làm từ vỏ lựu đạn.

Trước sự chân tình, mong muốn lưu giữ đồ vật chiến tranh có giá trị để giới thiệu đến đông đảo công chúng, anh Khiết đã tặng lại con dao quý giá đó cho nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. Đây là một trong những kỷ vật hiếm hoi liên quan đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến sưu tầm được.

Thành quả sưu tầm của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến còn có một bộ bàn ghế được làm từ xác máy bay B52 rơi xuống làng Ngọc Hà, Hà Nội. Trong một lần tình cờ ngồi uống trà đá ở phố Đội Cấn (quận Ba Đình), anh quan sát và phát hiện ra bộ bàn ghế dùng để bán trà đá được làm chính từ xác chiếc máy bay B52. 

Bộ bàn ghế được chế tác từ mảnh vỡ xác máy bay B52.

Ông Hải, người bán trà đá và cũng chính là người đã chế tác ra bộ bàn ghế kể lại, khi chiếc máy bay B52 bị rơi xuống, ông đã nhặt được một số mảnh vỡ của nó văng ra. Vốn là một thợ cơ khí, không mấy khó khăn mà ông Hải đã chế tác ra bộ bàn ghế này. Điều đặc biệt là 6 chiếc ghế khi thu dọn lại thì để vừa khít vào trong gầm của chiếc bàn. 

Phải mất rất nhiều công thuyết phục, ông chủ quán trà đá mới bán lại cho nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. Do vỏ máy bay B52 được làm từ hợp kim (thường gọi là đuya-ra) nên đến tận ngày nay, bộ bàn ghế vẫn này còn sáng bóng và không hề bị han gỉ.

Một câu chuyện nữa mà nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, đó là chiếc lược được làm bởi ông Vũ Ngọc Lệ giai đoạn ông Lệ đóng quân ở huyện Thường Tín, Hà Nội năm 1967. 

Ông Lệ chia sẻ rằng, thời gian đó, ông có người yêu đang tham gia thanh niên xung phong. Khi đơn vị của ông bắn rơi chiếc máy bay F4, ông đã dùng một trong số những mảnh vỡ nhặt được của chiếc máy bay F4 để chế tác thành chiếc lược với ý định chờ đến ngày đoàn tụ để tặng cho người yêu. Rất đau xót là người yêu của ông đã hi sinh. 

Vì thế, ông Lệ giữ chiếc lược lại làm kỉ niệm và đến năm 2007 thì tặng lại cho nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến với hi vọng, chiếc lược và câu chuyện của ông, của đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay F4 đến được với đông đảo công chúng.

Trong một lần công tác tại tỉnh Nghệ An, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến vào ăn cơm bụi tại một quán ven đường. Khi ngồi uống nước, hút thuốc, anh đã vô tình nhìn thấy dòng chữ khắc trên chiếc gạt tàn đặc biệt: “Quân và dân Nghệ An bắn rơi chiếc máy bay thứ 200”. 

Ông chủ quán khẳng định với nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, chiếc gạt tàn này chính là đồ vật được chế tác từ một phần vỏ chiếc máy bay thứ 200 bị bắn rơi ở đây. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến ra sức thuyết phục mua, rồi xin nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Anh đành ghi lại địa chỉ của mình rồi gửi lại cho ông chủ quán ăn và ra về. 

Một thời gian sau, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nhận được giấy mời đến nhận một gói bưu phẩm. Mở ra, anh hết sức ngạc nhiên khi tặng phẩm anh nhận được chính là chiếc gạt tàn thuốc lá anh đã năn nỉ xin bất thành ở Nghệ An. Bưu phẩm gửi kèm mẩu giấy với vỏn vẹn dòng chữ: “Tôi tặng anh. Nhờ anh giữ nó hộ tôi”.

Nguyễn Ngọc Tiến đã sưu tập được hơn 100 đồ vật được làm từ các phế liệu chiến tranh. Đó là chiếc vành xe đạp được làm từ vỏ bom bi; cái chụp đèn được làm bằng vỏ đạn; ống pháo sáng được chế tác thành đèn dầu; đạn AK được làm thành bật lửa; vỏ bom được dùng để trồng rau… 

Chiếc xe đạp có vành được làm từ vỏ bom bi.

Tuy nhiên, trong hành trình sưu tập của mình, có nhiều thứ quý giá nhưng anh đã không thể thuyết phục được chủ nhân nhượng lại cho mình. Có thể đó là những kỷ vật gắn liền với những kỷ niệm mà những người đã tạo ra nó không thể rời xa, như chiếc xe để kéo trẻ em được làm bằng vỏ đạn anh đã gặp ở Khe Sanh, Quảng Trị…

Anh Tiến chia sẻ, hiện nay, hơn 100 đồ vật được làm từ phế liệu chiến tranh sưu tập được, anh đã cho một người bạn mượn để trưng bày ở một nhà hàng. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến tiết lộ, đến thời điểm thích hợp, anh sẽ tặng những đồ vật ấy cho các bảo tàng như: Công an, Quân đội, Phòng không không quân… để nhiều người biết hơn nữa về chúng – những đồ vật để “hóa kiếp chiến tranh”.

Vũ Minh Khôi
.
.
.