Nghệ sĩ Lê Vượng đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái ở tuổi 98

Chủ Nhật, 11/09/2016, 09:01
Giải thưởng Lớn của giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 9 năm 2016 - Vì tình yêu Hà Nội vừa qua dành cho tác giả gắn bó với Hà Nội bằng cả cuộc đời, sự nghiệp của mình - nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Vượng. Ở tuổi 98, NSNA Lê Vượng đã tích lũy cho mình cả một kho tàng tác phẩm chất lượng cao mà rất ít người có được.

NSNA Lê Vượng đã được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP) trao tước hiệu A- FIAP. Bên cạnh đó, ông cũng được tôn vinh ở nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải thưởng Bifota (Đức) trao cho tác phẩm “Đôi bàn tay khéo” (1967); giải Nhì triển lãm ảnh tại Liên Xô (1972) với tác phẩm “Nghệ nhân Song Hỷ thêu tranh” (1972); giải ACCU (Nhật) năm 1984 trao cho tác phẩm “Hội Đền Hùng”; huy chương bạc FIAP 1996 với tác phẩm “Lòng đất”...

Lần đầu NSNA Lê Vượng cầm máy là vào năm 1936, khi mới 18 tuổi. Lúc đó, chiếc máy ảnh rất quý hiếm, giá trị bằng cả mảnh đất ở Hà Nội. Ông mua để chụp trong chuyến đi chơi xuyên Đông Dương. Sau chuyến đi dài, về đến Hà Nội, Lê Vượng vội vàng đi tráng phim. 3 cuộn phim đầu tiên trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia không được như ý. Nhưng, đó lại gần như là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời ông. Ông bắt đầu say mê với nghệ thuật nhiếp ảnh và đã gắn bó với bộ môn nghệ thuật này cả đời.

Những năm 30 của thế kỷ XX, với chiếc máy ảnh, NSNA Lê Vượng đã lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc của Thủ đô. Từ 1945 đến 1954, ông đi kháng chiến, sống ở Thanh Hóa, có điều kiện là lại lao vào ghi chép các tư liệu kháng chiến bằng ảnh. Tới năm 1962, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập, NSNA Lê Vượng là một trong những cán bộ đầu tiên của Bảo tàng. Nhiệm vụ của ông là đi chụp ảnh, ghi lại các tư liệu cần lưu giữ về mỹ thuật, kiến trúc cổ của Hà Nội và của cả Việt Nam.

Trong suốt những năm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Lê Vượng đã lao động miệt mài và tạo ra khối lượng tác phẩm đồ sộ, lưu được hàng vạn cuộn phim tư liệu. Những tư liệu này được lưu giữ vĩnh viễn tại Bảo tàng, là những di sản ký ức vô giá.

Ảnh của nghệ sĩ Lê Vượng có mặt tại nhiều triển lãm ở nước ngoài như tại Rumani các năm 1967, 1971, 1973, 1975, 1977; tại Pháp năm 1971, 1972; tại Ba Lan năm 1975; tại Malaysia năm 1979; tại Liên Xô (cũ) năm 1980; tại Nhật Bản năm 1984; tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1993; tại Mỹ năm 1994; tại Hồng Kông (Trung Quốc), Pakistan, Canada năm 1997; tại Pháp năm 1998...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thay mặt BTC trao giải cho NSNA Lê Vượng.

Tác phẩm của Lê Vượng luôn có tố chất riêng, khó trộn lẫn với bất cứ tác giả đương thời nào. Ảnh của ông không chỉ ghi lại một khoảnh khắc mà còn chất chứa rất nhiều yếu tố hội họa. Những tác phẩm chụp Hà Nội xưa, NSNA Lê Vượng thường hướng góc máy vào những mái nhà phố cổ, một cành cây, một đường tàu điện cắt ngang phố... Cảnh có vẻ tĩnh tại, nếu chỉ nhìn qua hình thức. Song, nếu quan sát kỹ, ngoài những giá trị tư liệu quý về kiến trúc, những bức ảnh còn khơi gợi nhiều đường nét hài hòa của hình khối, của cảm xúc tạo hình trong Mỹ thuật.

Bút pháp này không phải ngẫu nhiên. Từ nhỏ, NSNA Lê Vượng đã gắn bó với phòng làm việc của chú ruột - danh họa Lê Phổ. Hai chú cháu thường xuyên trao đổi những quan điểm về màu sắc, đường nét. Năng khiếu về nghệ thuật thị giác của Lê Vượng bộc lộ khá sớm từ đó. Biệt danh “Cháu của danh họa Lê Phổ” là một “thương hiệu” để ông đại diện Bảo tàng đi làm việc với các nghệ sĩ. Đầu tiên là “bộ tứ” thế hệ vàng của Mỹ thuật Việt Nam: Nghiêm – Liên – Sáng - Phái. Ông lần lượt làm quen cả bốn danh họa: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và tìm cách “chuyển hóa” được những học hỏi của mình trong hội họa vào nghệ thuật nhiếp ảnh.

Trong căn gác nhỏ của mình, cho đến tận hôm nay, ông trang trọng treo bức tranh của “người thầy đầu tiên” - danh họa Lê Phổ. Dưới đó, lần lượt là ba bức tranh vẽ bà Vượng (vợ của NSNA Lê Vượng) - tác phẩm của Nguyễn Sáng, rồi tranh của Nguyễn Tư Nghiêm; bức chân dung vẽ Lê Vượng của Bùi Xuân Phái... NSNA Lê Vượng cũng gặp và kết bạn với nhiều nghệ sĩ lớn của Hà Nội cùng thời như nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân. Các cuộc gặp và trò chuyện này không chỉ là công việc. Đó cũng là những sự sẻ chia tâm đắc về nghệ thuật, về cuộc sống, về những điều đau đáu với Hà Nội của các nghệ sĩ bậc thầy.

Ra đời từ tháng 8-2008, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội là sáng kiến của Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sĩ nhằm tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội”.

Trải qua 9 mùa giải, đã có 8 giải thưởng lớn – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhiếp ảnh gia Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015) và NSNA Lê Vượng (2016) cùng hơn 30 giải thuộc các hạng mục giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm.

Cảnh Thảo
.
.
.