Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Ca Trù: Có thực mới vực được đạo

Thứ Tư, 16/11/2016, 10:12
Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhưng ca trù cũng là di sản bị đưa vào danh sách bảo vệ khẩn cấp. Khá nhiều giải pháp được triển khai nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi số lượng nghệ nhân lão luyện vốn không nhiều nhưng vẫn mai một dần thì lớp trẻ, đội ngũ những người kế cận cũng vẫn chưa hẳn nhiều như cần phải có.


Cần nhiều hơn các gương mặt trẻ tài năng

Sau 3 ngày rộn ràng đàn, phách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016 tạm khép lại trong sự luyến tiếc của cả người biểu diễn lẫn công chúng. Các nghệ nhân, kép đàn và ca nương của 10 nhóm, câu lạc bộ ca trù lại trở về với nhịp sống lặng lẽ hơn của thường ngày.

Gột bỏ lớp son phấn và bộ áo dài biểu diễn, ca nương “nhí” Nguyễn Thục Trinh trở lại làm cô bé 7 tuổi, ngày ngày cắp sách đến trường, vừa phụ bà trông em, vừa tranh thủ học hát buổi tối. Được vinh danh là thí sinh nhỏ tuổi nhất của liên hoan, Thục Trinh khoe rằng em rất vui nhưng khi học hát, Trinh không nghĩ đến liên hoan hay giải thưởng mà đơn giản chỉ vì em thích. Thục Trinh nghe bà hát ca trù từ thời còn được ẵm bồng.

Trong gia đình, cả bà và bố đều hay hát ca trù nhưng bố bận đi làm, chỉ hát cho em nghe vào mỗi tối cuối tuần. Bà thì Trinh nghe hát suốt vì mỗi ngày bà đều ru em của Trinh ngủ. 6 tuổi, Trinh theo người lớn tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội). Buổi tối, cách một ngày Trinh lại đến nhà cô Mận (ca nương Phạm Thị Mận) ở trong làng để học hát.

Ông Nguyễn Văn Đạn, chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê cho biết, sinh hoạt thường xuyên trong câu lạc bộ có thời điểm lên đến 60 người song con số này không ổn định. Việc học, sinh hoạt, truyền dạy ca trù phần nhiều chỉ dựa vào niềm đam mê của các cá nhân. Mọi người gắn bó với câu lạc bộ, với ca trù chỉ vì yêu và tiếc cái vốn của cha ông.

Ca nương 7 tuổi Nguyễn Thục Trinh gây nhiều bất ngờ cho người dân và du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày qua.

Ca nương, kép đàn ngày nay không như xưa. Mỗi người mỗi nghề kiếm sống, bận rộn với công việc hằng ngày nên tối về mệt, có khi cần đến, người ta từ chối cũng khó trách. Trẻ em, đối tượng truyền dạy ca trù thì đã quá vất vả trong việc học kiến thức ở trường lớp nên dù có yêu thích cũng khó có thời gian cho ca trù. Nhiều năm nay, chính quyền địa phương có tạo điều kiện về địa điểm sinh hoạt, truyền dạy, tổ chức biểu diễn ca trù phục vụ người dân mỗi dịp lễ, tết, mỗi đợt cúng đình…

Tuy nhiên, biểu diễn ca trù vẫn không phải là hoạt động mang lại thu nhập cho người dành tình yêu cho chúng. Một vài năm trước, các thành viên trong câu lạc bộ khấp khởi mừng khi có thông tin thành phố sẽ tổ chức tuyến du lịch cho khách về thưởng lãm nghệ thuật ca trù. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là “đầu ra”, dù có thể thu nhập không cao nhưng ít ra người học có cơ hội biểu diễn. Tiếc là, đến nay, điều này vẫn chưa thành hiện thực.

Nghệ nhân Vân Mai, chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù UNESCO cũng trăn trở, câu lạc bộ thành lập và đi vào hoạt động hơn chục năm nay nhưng thành viên cũng khá phập phù. Bản thân chị cũng không phải dân “gốc” ca trù. Là người hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, mãi đến năm 1995, chị mới bén duyên với ca trù.

Thời điểm ấy, các nghệ nhân chị tìm đến học đều đã già yếu nên thường chỉ được hướng dẫn rồi về tự học qua băng đĩa của các cụ. Mày mò tự học, tự nghiên cứu và đến bây giờ là tự nguyện truyền dạy cho người trẻ, điều khiến chị băn khoăn không chỉ là “đầu ra” cho ca trù mà còn là tìm kiếm thế hệ kế cận.

Hằng tuần truyền dạy miễn phí nhưng có khi học trò học vài ba buổi rồi bỏ. Khi tiếc trò có tài năng, “thầy” còn phải lặn lội thuyết phục học trở lại, không khác giáo viên miền ngược, ở những bản làng xa xôi.

Không thể chỉ dựa mãi vào tấm lòng của người yêu ca trù

Với cụ Nguyễn Văn Đảm, một trong số nghệ nhân đã thực hành con đường học, biểu diễn, truyền dạy “vắt” qua 2 thế kỷ thì con đường bảo tồn, phát triển ca trù có vẻ lạc quan hơn. Bởi, kinh nghiệm sau hành trình hơn 80 năm gắn bó với ca trù cho cụ hiểu, bộ môn nghệ thuật độc đáo này của cha ông đang có rất nhiều cơ hội để phát huy trong đời sống hiện đại.

Theo cụ Đảm, thời trước, người học ca trù không biết chữ, phải dạy truyền khẩu, có khi học vài năm mới bằng người trẻ hiện nay học vài tháng. Tài liệu về ca trù hiện nay rất nhiều. Ngoài kiến thức, con chữ, người trẻ còn có thế mạnh của khoa học công nghệ, có thể học trực tiếp các nghệ nhân hoặc học gián tiếp qua các phương tiện khác.

Chỉ có điều, người như cụ, dù tâm huyết nhưng quỹ thời gian của đời người còn lại có hạn. Trong khi đó, lớp trẻ hiện nay quá bận rộn, thời gian bị chia năm xẻ bảy cho rất nhiều việc. Trẻ con học ở trường, học thêm nhiều, dù có năng khiếu, cũng khó còn nhiều thời gian đầu tư cho ca trù.

Trao đổi về việc phát huy giá trị ca trù trong cuộc sống hiện đại, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, từ khi UNESCO vinh danh ca trù là di sản thế giới, Hà Nội đã có nhiều quan tâm tạo điều kiện hoạt động cho ca trù, đặc biệt là tạo điều kiện về địa điểm hoạt động và từng địa phương có quan tâm nhất định về vật chất, đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Việc hỗ trợ hoạt động thực hành thường kỳ ở cơ sở thì chưa có điều kiện. Hoạt động này chủ yếu vẫn dựa vào tấm lòng, sự cống hiến của các nghệ nhân và những người có liên quan đến hoạt động này. Tuy nhiên, cũng phải xác định rằng không thể dựa vào tấm lòng của nghệ nhân mãi được mà Nhà nước phải có hỗ trợ nào đó, có thể chỉ là động viên cũng được.

Hiện nay có thuận lợi là ca trù được thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất quan tâm. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng vừa tổng kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể trên địa  bàn thành phố. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.970 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 10 loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, trong đó có ca trù. Thành phố cũng vừa xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này.

Khi được phê duyệt, thành phố sẽ lập các đề án nhỏ, tập trung nguồn lực ban đầu để hỗ trợ cho hoạt động ở cơ sở, trong đó, cái chính vẫn là làm sao phải vừa bảo tồn vừa phát huy, phải tạo điều kiện cho hoạt động thực hành.

Có nhiều giải pháp, trong đó tạo điều kiện trình diễn ở các làng xã dịp lễ tết, duy trì một số điểm biểu diễn thường xuyên ở khu vực phố cổ, hướng tới đưa ca trù vào dạy ở trường học. Về điều kiện tổ chức biểu diễn, truyền dạy ca trù, sở sẽ có đề án tổng thể trình thành phố trong thời gian tới và triển khai từng bước.

Ngọc Nguyễn
.
.
.