Xuất bản và phát hành sách điện tử: Thời thượng hay “bánh vẽ”? (bài 1)

Thứ Năm, 17/12/2015, 08:22
Phát triển cùng với những tiện ích vượt trội nhờ công nghệ, sách điện tử đang dần mở ra một con đường mới cho ngành xuất bản. Hoạt động xuất bản và phát hành sách điện tử được coi là xu hướng thay thế tất yếu. Tuy nhiên, xuất bản và phát hành sách điện tử tại Việt Nam đã thực sự như kỳ vọng?

Thạc sĩ Nguyễn Nguyên, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ rằng, với sách điện tử, đến nay, người ta đã không còn đặt câu hỏi: “Liệu sách điện tử có thay thế sách in không?” mà thay vào đó là câu hỏi: “Bao giờ thì sách điện tử thay thế sách in truyền thống – với tư cách là loại hình xuất bản được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất”. 
Bởi, ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, ngành công nghiệp xuất bản thế giới đã có bước chuyển hóa sâu sắc khi các thiết bị lưu trữ và phổ biến thông tin kỹ thuật dần chiếm vị trí quan trọng nhờ những ưu thế về dung lượng, sự tiện lợi. Chỉ sau một thời gian ngắn, bằng việc ra đời các thiết bị đọc sách điện tử, hình thức xuất bản và quy mô xuất bản trên thế giới đã có bước ngoặt lớn. Năm 2014, thống kê của Hãng Amazon cho thấy, cứ 100 đầu sách in bán ra thì có 143 đầu sách điện tử bán ra tương ứng.

Liên quan đến sách điện tử trên thế giới, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cũng cho biết, thông tin mà đơn vị nắm được từ Statistica là năm 2014, doanh số sách điện tử chiếm 12,3% doanh số thị trường sách thế giới. Tính đến năm 2014, tại Mỹ có 95% thư viện cung cấp sách điện tử cho bạn đọc từ 1.000 đến 5.000 tựa sách và có 17% thư viện ở Mỹ có hơn 30.000 tựa sách điện tử phục vụ bạn đọc. Dự báo, thị trường Mỹ đến năm 2018 có thể cho doanh thu đến gần 9 tỷ USD từ sách điện tử. Năm 2015, mỗi ngày hệ thống Amazon bán ra 980.000 sách điện tử…

Thế mạnh của công nghệ giúp việc số hóa các tựa sách và phát hành sách dễ dàng, tiện lợi hơn đến bạn đọc.

Tại Việt Nam, nhiều thống kê đều cho thấy, thị trường sách điện tử đặc biệt nhiều tiềm năng. Với tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực và thế giới, cùng với khoảng 40 triệu người sử dụng internet thường xuyên, trên 25 triệu tài khoản facebook, Việt Nam cũng là thị trường điện thoại di động có mức tăng trưởng rất cao (tăng trưởng của thị trường điện thoại thông minh hàng năm lên đến 13%). Năm 2014, Việt Nam có 28,7 triệu điện thoại thông minh, số người sử dụng điện thoại này lên đến 22 triệu người.

Với điện thoại này, dù ở bất kỳ đâu, khách hàng chỉ cần truy cập vào địa chỉ trang web, tự tạo cho mình tài khoản, cộng thêm một vài thao tác như nạp thẻ cào điện thoại hoặc dùng thẻ ngân hàng, tin nhắn SMS Banking… đều có thể hoàn thành quá trình mua sắm, trong đó có sách điện tử. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển xuất bản sách điện tử tại Việt Nam.

Thế mạnh của công nghệ cũng đã, đang tạo rất nhiều thuận lợi cho các đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử, kể cả hoạt động “số hóa” các tựa sách đã xuất bản bằng báo giấy trước đó. Ông Hồ Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ công nghệ thông tin Naiscorp cho biết: Nếu trước đây, muốn số hóa xuất bản phẩm, người ta phải ngồi gõ lại từng trang bản thảo thì hiện nay, bằng công nghệ hiện đại, Naiscorp chỉ cần 1 giờ đồng hồ đã có thể sao chụp nguyên một cuốn sách dày khoảng 3.000 trang và chuyển thành file word hoàn chỉnh mà không cần phải bóc tách bìa sách, gáy sách. Cũng bằng công nghệ, Naiscorp có thể số hóa và giúp lưu trữ miễn phí khoảng 10.000 cuốn sách với dung lượng 1.000Gb trong vòng một tuần theo yêu cầu của khách hàng…

Nắm bắt xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghiệp xuất bản hiện đại, tại Việt Nam, xuất bản sách điện tử đã dần chuyển từ thăm dò thị trường, tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ sang chuyên môn hóa và đầu tư có quy mô lớn. Ngoài các đơn vị như Vinabook.com (phát hành sách trực tuyến), Công ty Lạc Việt (cung cấp sách điện tử), Vinapo (phân phối sách điện tử Alezaa), TiKi… các nhà xuất bản cũng “nhập cuộc”, xây dựng chiến lược phát triển xuất bản sách điện tử riêng.

Trong đó, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã và đang hoàn thiện số hóa toàn bộ nguồn tài nguyên sách đã xuất bản từ năm 1945 đến nay (khoảng 30.000 đầu sách). Nhà xuất bản Tổng hợp cũng cho biết đã xuất bản khoảng 1.000 đầu sách điện tử. Nhà xuất bản Trẻ đã triển khai kinh doanh sách điện tử từ cuối năm 2012 với hàng vạn đầu sách. Một số nhà xuất bản, công ty truyền thông đa phương tiện cũng hướng đến chiến lược đầu tư dài hạn, thí điểm tổ chức các sàn giao dịch sách điện tử: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Thời đại…

Hàng loạt công ty công nghệ cung cấp sách và xuất bản phẩm cùng hàng trăm website sách trực tuyến ra đời với sự góp mặt của nhiều công ty viễn thông và công nghệ lớn… Tuy nhiên, hầu hết các nhà làm sách đều cho rằng, thị trường sách điện tử tại Việt Nam phần lớn vẫn nằm ở vị trí tiềm năng và chưa thực sự mang về lợi nhuận cho đơn vị.

Với Nhà xuất bản Trẻ, một trong những đơn vị sớm bắt tay “số hóa” sách và kinh doanh sách điện tử, sau 3 năm, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ vẫn khẳng định: Mặc dù mang về doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm nhưng kinh doanh sách điện tử vẫn chưa thu đủ bù chi cho đầu tư cơ sở vật chất cũng như nhân lực phục vụ hoạt động này của đơn vị…

Ngọc Nguyễn
.
.
.