Tìm giải pháp phát triển xuất bản và phát hành sách điện tử

Thứ Ba, 15/12/2015, 17:00
Phát triển cùng với những tiện ích vượt trội nhờ công nghệ, sách điện tử đang dần mở ra một con đường mới cho ngành xuất bản. 

Hoạt động xuất bản và phát hành sách điện tử được coi là xu hướng thay thể tất yếu. Đó là khẳng định của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo “Xuất bản và phát hành sách điện tử” do Cục xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 15- 12

Thạc sĩ Nguyễn Nguyên, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo trung ương chia sẻ rằng, với sách điện tử, đến nay, người ta đã không còn đặt câu hỏi “Liệu sách điện tử có thay thế sách in không?” mà thay vào đó là câu hỏi: “Bao giờ thì sách điện tử thay thế sách in truyền thống – với tư cách là loại hình xuất bản được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất”. 

Hội thảo “Xuất bản và phát hành sách điện tử” ngày 15/12.

Năm 2014, thống kê của hãng Amazon cho thấy, cứ 100 đấu sách in bán ra thì có 143 đầu sách điện tử bán ra tương ứng. Năm 2014, doanh số sách điện tử chiếm 12,3% doanh số thị trường sách thế giới. Tại Mỹ có 95% thư viện cung cấp sách điện tử cho bạn đọc từ 1.000 đến 5.000 tựa sách và có 17% thư viện ở Mỹ có hơn 30.000 tựa sách điện tử phục vụ bạn đọc. Dự báo, thị trường Mỹ đến năm 2018 có thể cho doanh thu đến gần 9 tỷ USD từ sách điện tử. Năm 2015, mỗi ngày hệ thống Amazon bán ra 980.000 sách điện tử…

Với tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực và thế giới, cùng với khoảng 40 triệu người sử dụng internet thường xuyên, trên 25 triệu tài khoản facebook, 28,7 triệu điện thoại thông minh, kết hợp với nhiều thế mạnh về công nghệ hiện nay, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển xuất bản sách điện tử. Theo đó, hàng loạt các công ty công nghệ cung cấp sách và xuất bản phẩm cùng hàng trăm website sách trực tuyến ra đời cới sự góp mặt của nhiều công ty viễn thông và công nghệ lớn… Tuy nhiên, hầu hết các nhà làm sách đều cho rằng, thị trường sách điện tử tại Việt Nam, phần lớn vẫn nằm ở vị trí tiềm năng, chưa thực sự mang về lợi nhuận cho đơn vị. Trong khi đó, câu chuyện về đầu tư vốn, nhân lực và mất bản quyền vẫn là những thách thức không nhỏ.

Đi tìm câu trả lời cho các trở ngại nói trên,các nhà quản lý, xuất bản, phát hành, cung ứng công nghệ đưa ra khá nhiều giải pháp: tăng cường tuyên truyền, hoàn thiện hệ thống pháp lý, tăng quy mô và đầu tư có chiều sâu cho công nghệ, liên kết phát hành sách miễn phí và lấy quảng cáo làm doanh thu để tái sản xuất…

N.Hoa
.
.
.