Quản lý thuế dựa trên cơ sở quản lý rủi ro

Thứ Năm, 01/02/2018, 09:37
Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế .

Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007 và đã được sửa đổi, bổ sung ba lần (Luật số 21/2012/QH13 ngày 20-11-2012, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26-11-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 và Luật số 106/2016/QH13 ngày 6-4-2016, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016).

Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật thuế; cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế chủ yếu theo chức năng kết hợp một phần với quản lý theo đối tượng (tuyên truyền hỗ trợ, đăng ký, kê khai, kiểm tra, thanh tra, quản lý nợ thuế...) và hướng tới quản lý rủi ro dựa trên cơ sở thông tin về người nộp thuế.

Các chức năng quản lý ngày càng được chú trọng về chiều sâu và chiều rộng, cụ thể:

Về công tác tuyên truyền, hỗ trợ: Thực hiện đa dạng hoá các hình thức giải đáp vướng mắc như hỗ trợ trực tiếp tại bộ phận “một cửa”, trả lời bằng văn bản, tổ chức tập huấn, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền tương đối đa dạng, bao trùm hầu hết các sắc thuế, pháp luật quản lý thuế, đặc biệt là các chính sách thuế mới. Trang thông tin điện tử của ngành Thuế liên tục được nâng cấp đảm bảo vận hành ổn định, hiệu quả và triển khai các trang thông tin của 63 cục thuế. Các quy trình quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế được công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử ngành Thuế để người nộp thuế biết và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế.

Về công tác đăng ký thuế, kê khai thuế: Tỷ lệ doanh nghiệp đã thực hiện kê khai thuế qua mạng năm 2014 đạt 97%, năm 2015 đạt 99%, năm 2016 đạt 99,81%; số lượng tờ khai người nộp thuế nộp đúng hạn, đúng nội dung đã đạt được trên 90% (tỷ lệ tờ khai thuế đúng hạn năm 2015 đạt 92,68%, năm 2016 đạt 94%); tỷ lệ tờ khai thuế đã nộp trên tổng số tờ khai thuế phải nộp năm năm 2014 đạt 92%, 2015 đạt đến 94%, năm 2016 đạt 96%.

Về công tác kiểm tra, thanh tra: Số lượng và chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế đã được cải thiện. Việc ra quyết định kiểm tra, thanh tra thuế cơ bản được thực hiện trên cơ sở thu thập và phân tích thông tin, đánh giá mức độ tuân thủ và xác định rủi ro, phân loại doanh nghiệp (qua gần 10 năm (năm 2007 – năm 2016) đã thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế bình quân 51.863 doanh nghiệp/năm; phát hiện truy thu và phạt qua thanh tra, kiểm tra bình quân 11.554,1 tỷ đồng/năm).

Về công tác quản lý nợ thuế: Hiệu quả công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế được nâng cao, cụ thể trong giai đoạn vừa qua, mặc dù tổng nợ tăng lên về số tuyệt đối song tốc độ tăng đã có xu hướng giảm qua các năm, tỷ trọng nợ chờ xử lý trên tổng nợ có xu hướng giảm dần.

Về công tác ứng dụng công nghệ thông tin: Chú trọng đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ người nộp thuế trong kê khai, tính thuế và theo sát yêu cầu, quy trình, nghiệp vụ quản lý thuế, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh số lượng người nộp thuế tăng nhanh, cùng các yêu cầu về cải cách và hiện đại hoá quản lý thuế.

Số thu về thuế hằng năm được đảm bảo, ngành Tài chính cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách Nhà nước giao với kết quả năm sau cao hơn năm trước.

PV
.
.
.