Kết thúc Hội nghị góp ý kiến dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

Thứ Bảy, 13/04/2013, 14:30
Ngày 12/4, Hội nghị góp ý kiến dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trong CAND tiếp tục với các ý kiến phát biểu tham luận. Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban soạn thảo dự án Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) chủ trì hội nghị.

Ngày làm việc thứ hai, ý kiến tham luận của các đại biểu tập trung góp ý vào phần đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung “Thi hành các quyết định của Tòa án”.

Thiếu tướng Tạ Xuân Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp nêu ý kiến: Cần bổ sung “Thẩm quyền cho Giám thị trại giam, Trại tạm giam được phép tổ chức khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự đối với các vụ án do phạm nhân gây ra trong các Trại giam, Trại tạm giam”.

“Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành nên rút ngắn xuống còn một tháng để bảo đảm thời gian thi hành án được nhanh gọn. Đối với thời gian xem xét quyết định ân giảm của Chủ tịch nước trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không quy định trình tự, thủ tục, thời gian nên những năm qua, nhiều bản án tử hình phải chờ thi hành rất lâu, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý người bị kết án tử hình tại các Trại giam. Vì vậy sửa đổi bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự lần này đề nghị nêu cụ thể trình tự, thủ tục, thời hạn xem xét, quyết định ân giảm hoặc bác đơn ân giảm hình phạt tử hình”, Thiếu tướng Tạ Xuân Bình nói.

Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban soạn thảo dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và các đại biểu tham dự hội nghị.  Ảnh: Nguyễn Hưng.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an một số địa phương đề nghị Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) theo hướng: “Khi hết thời hạn tạm đình chỉ nhưng sức khỏe của người được tạm đình chỉ chưa phục hồi, ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo không thể tiếp tục chấp hành án phạt tù thì căn cứ vào hồ sơ bệnh án và đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành xong án phạt tù xem xét, quyết định tiếp tục cho tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phù hợp với Luật Thi hành án hình sự”.

Đồng thời đề nghị bổ sung nội dung: “Tòa án không được quyết định mức giảm thời hạn cao hơn mức đề nghị của Cơ quan thi hành án” trong thủ tục giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt tù. Bởi thực tế thời gian qua, có nhiều Tòa án tùy tiện nâng mức giảm cao hơn mức đề nghị của Trại giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh…         

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Quý Vương kết luận: Các ý kiến đều thống nhất, chỉ sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Việc sửa đổi, bổ sung phải dựa trên nguyên tắc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các ý kiến đều thống nhất không luật hóa một số biện pháp trinh sát như trong dự thảo mà đề nghị giữ nguyên như quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Bởi vì biện pháp nghiệp vụ là một trong những biện pháp trinh sát đặc thù của lực lượng CAND nhằm phục vụ các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao thực hiện, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống các âm mưu, hoạt động của thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Những thông tin về tên gọi, cách thức, sử dụng biện pháp trinh sát thuộc bí mật Nhà nước (độ tối mật), do vậy nếu công khai, phổ biến mà chưa có sự trao đổi, thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước là vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động điều tra trong vụ án hình sự muốn đạt kết quả tốt cần phát huy hơn nữa tính chủ động, chịu trách nhiệm của Cơ quan điều tra. Vì vậy dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) nêu: “Cơ quan điều tra có trách nhiệm phải chấp hành mọi yêu cầu, quyết định của cơ quan tố tụng khác, nếu không đồng ý vẫn phải chấp hành nhưng có quyền kiến nghị lên cơ quan tố tụng cấp trên” là không phù hợp, bởi điều đó sẽ làm mất tính chủ động của Cơ quan điều tra, đồng thời không loại bỏ được những yêu cầu trái luật trong hoạt động điều tra...

Nguyễn Hưng
.
.
.