Cảnh giác với hoạt động thu mua, trục lợi bảo hiểm xã hội

Thứ Năm, 16/04/2020, 07:46
Tìm trên mạng xã hội sẽ dễ dàng thấy có hàng chục trang web, mạng xã hội thông tin thu mua sổ BHXH. Thông tin mua bán sổ BHXH được đối tượng xấu đưa vào các nhóm tập trung đông công nhân...


Những ngày vừa qua, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, công nhân, người lao động (CN, NLĐ) đã bị tác động nặng nề, nhiều người phải tạm nghỉ việc, mất việc do nhiều doanh nghiệp đình đốn, thậm chí phá sản. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng ở các tỉnh phía Nam đã lập các trang thông tin trên mạng xã hội Facebook để mời chào, dụ dỗ, thu mua sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động.

Với việc làm này, NLĐ đã vô tình bán rẻ quyền lợi của mình mà BHXH mang lại. Hành vi của các đối tượng lừa phỉnh, dụ dỗ để thu mua BHXH là vi phạm pháp luật. Hoạt động này làm sai lệch mục tiêu tốt đẹp của BHXH trong chế độ ta.

Tìm trên mạng xã hội sẽ dễ dàng thấy có hàng chục trang web, mạng xã hội thông tin thu mua sổ BHXH. Thông tin mua bán sổ BHXH được đối tượng xấu đưa vào các nhóm tập trung đông công nhân. Điển hình như các trang: trang “Mua sổ bảo hiểm xã hội”, “Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương” (giả mạo)… có hàng chục nghìn người theo dõi với những lời chào mời mua sổ BHXH giá cao, mua sổ BHXH trước thời hạn, thanh lý sổ BHXH xuyên mùa dịch...

Các đối tượng này lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để gây tâm lý sợ hãi, hoang mang, kích động công nhân bán sổ BHXH, với các cụm từ như “Dịch bệnh lây lan liên tục”; “Người người nhà nhà nghỉ việc chăm con để bảo đảm an toàn cho sức khỏe”, sau đó liên hệ công nhân, người lao động để tỉ tê, xúi giục, thu mua sổ BHXH...

Nhiều người lao động đã bán sổ BHXH mà không nghĩ tới thua thiệt, hậu quả lâu dài. Đặc biệt, các đối tượng còn lập trang Facebook giả danh BHXH tỉnh Bình Dương để dụ công nhân bán sổ. Trước sự việc này, ngày 8/4, BHXH Bình Dương đã có văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương phối hợp vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trục lợi, hành vi mạo danh cơ quan Nhà nước trên không gian mạng, nhất là trong đợt dịch COVID-19; đồng thời khẳng định website thu mua BHXH trên là giả mạo, ảnh hưởng đến uy tín của BHXH tỉnh Bình Dương và gây hoang mang, nghi hoặc đối với tâm lý người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thủ đoạn của những đối tượng này là lợi dụng quy định của pháp luật cho phép người lao động được nhận BHXH một lần còn khá lỏng lẻo. Theo đó, NLĐ có thể mang sổ BHXH của mình đến bất cứ cơ quan BHXH trong cả nước để làm thủ tục thanh toán. Do đó, các đối tượng có thể thu gom sổ BHXH, rồi mang đến các tỉnh, thành phố khác để làm thủ tục. Trong khi đó, nếu người nhận ủy quyền hợp pháp, tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Dân sự về ủy quyền, thì cơ quan BHXH lại không có quyền từ chối giải quyết.

Hiện nay, BHXH ở nước ta bao gồm bảo hiểm hưu trí – tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quá trình tổ chức thực hiện, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chính sách, pháp luật về BHXH không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đã hình thành hệ thống chính sách tương đối đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế về bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện trong các ngành, thành phần kinh tế với các loại hình lao động khác nhau.

Với sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động cùng với vai trò quản lý của Nhà nước, Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng – hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và các thế hệ tham gia BHXH.

Diện bao phủ, quy mô tham gia BHXH ngày càng được mở rộng, số người tham gia lớn, số người được hưởng BHXH ngày càng được tăng lên. Năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, việc giải quyết chế độ, chính sách NLĐ có nhiều tiến bộ, tạo được sự đồng thuần xã hội, yên tâm, tin tưởng, gắn bó của người lao động đối với các loại hình bảo hiểm, nhất là bảo hiểm hưu trí, ốm đau.

Bán sổ BHXH của mình với lợi ích kinh tế trước mắt là rất nhỏ. Theo khoản 2, Điều 60 Luật BHXH (Luật số: 58/2014/QH13) thì mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: (1) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; (2) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; (3) Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo BHXH.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, số tiền mà các đối tượng thu, mua sổ của NLĐ còn rõ ràng là thấp hơn mức quy định nói trên nhiều lần. Người lao động bán sổ BHXH của mình là bán rẻ quyền lợi to lớn, lâu dài mà BHXH mang lại về bảo hiểm hưu trí – tử tuất sau này, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động.

Có tình trạng đáng buồn trên trên là do NLĐ nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ về BHXH. Các đối tượng lợi dụng dịch bệnh COVID-19, thời điểm tạm nghỉ việc, mất việc của công nhân để trục lợi. Tình trạng này, NLĐ tự đánh mất đi cơ hội, chế độ chính sách BHXH lẽ ra mình được hưởng, tiếp tay cho hành động trục lợi; làm sai lệch tính chất nhân văn, mục tiêu BHXH của Đảng, Nhà nước hướng tới BHXH toàn dân.

Để ngăn chặn sự việc nêu trên, thiết nghĩ cùng với việc tăng cường tuyên truyền chính sách cho NLĐ, xử lý nghiêm các đối tượng trục lợi, BHXH Việt Nam nên nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để chấm dứt tình trạng này. Song quan trọng hơn, NLĐ nâng cao nhận thức, cảnh giác, tỉnh táo trước thủ đoạn của các đối tượng trục lợi, bảo vệ quá trình đóng BHXH của mình.

Lê Thế Cương
.
.
.