Sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý các doanh nghiệp chây ì, nợ đọng, trục lợi bảo hiểm xã hội

Thứ Năm, 25/01/2018, 15:06
Một nội dung quan trọng được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai sâu rộng đó là công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.

Trong đó, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động, người dân được biết những nội dung mới trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 ( sửa đổi). Nhân dịp này, TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã trao đổi với PV quá trình triển khai và kết quả ban đầu đạt được về lĩnh vực nêu trên. Báo CAND xin giới thiệu cùng bạn đọc. 

PV: Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của pháp luật được thực hiện thế nào tại các cơ quan BHXH trong thời gian qua, thưa ông?

TS.Phạm Lương Sơn: Theo nhiệm vụ kế hoạch công tác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2018 và những năm trước đó, BHXH Việt Nam luôn bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT và thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; từng bước đổi mới phương thức hoạt động ngành BHXH theo hướng phục vụ chu đáo, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia...

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, BHXH từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị chức năng và với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền chính sách tích cực và có hiệu quả. BHXH Việt Nam duy trì định kỳ hàng tháng tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về thực hiện BHXH, BHYT cho các cơ quan thông tấn báo chí, góp phần giúp báo chí có nguồn thông tin chính thống, chính xác để thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, giám sát, phản biện chính sách trong quá trình thực thi Luật BHXH, Luật BHYT. Việc thực hiện các chương trình phối hợp tuyên truyền giữa cơ quan BHXH với các đơn vị nêu trên càng được chú trọng, đổi mới cả nội dung, hình thức phối hợp theo hướng chủ động hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn.

Qua đó đã chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đúng về ý nghĩa của BHXH, BHYT, động viên mọi người tích cực và chủ động tham gia; đồng thời phê phán, lên án, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. 

Từ đó đã tạo được sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội và làm cho xã hội nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT đối với phát triển và ổn định chính trị - xã hội; đồng thời, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước về chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao niềm tin, sự phấn khởi đối với sự lãnh đạo của Đảng, thu hút được các tầng lớp nhân dân, người lao động tự nguyện, tự giác tham gia BHXH, BHYT.

PTGD Pham Luong Son- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn trao đổi với PV Báo CAND .

PV: Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) đã quy định từ ngày 1/1/2018 có điểm gì mới so với trước về xử lý các hành vi gian lận hưởng chế độ (đầu ra) và hành vi trốn đóng BHXH (đầu vào),  thưa ông?

TS.Phạm Lương Sơn: Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực từ 1-1-2018 có 3 điều quy định xử lý hình sự các hành vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đó là các Điều 214

“Tội gian lận BHXH, BHTN”,

Điều 215 “Tội gian lận BHYT,”

Điều 216 “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động”.

Theo Điều 214 và Điều 215, hành vi gian lận BHXH, BHTN, BHYT, tùy vào số tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại và trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù; mức cao nhất phạt tiền là 500 triệu đồng, mức phạt tù cao nhất  đến 10 năm. Theo Điều 216, hành vi không đóng hoặc đóng BHXH, BHYT, BHTN không đầy đủ theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù, cao nhất lên tới 7 năm. Mức phạt tiền đối với pháp nhân là doanh nghiệp có thể lên tới 3 tỷ đồng.

Trước đây, các vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN mới chỉ quy định xử lý hành chính, nay Quốc hội đưa ra biện pháp xử lý mạnh hơn là hình sự. Tuy nhiên, chúng ta không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT. Giải pháp hình sự để xử lý những trường hợp vi phạm sẽ có tác dụng để răn đe, làm gương và đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

PV: Việc quy định rõ các tội danh gian lận BHXH, BHYT trong Bộ luật Hình sự sẽ có hiệu quả thế nào trong công tác ngăn ngừa, xử lý trục lợi quỹ BHXH, BHYT? Ngành BHXH đã phối hợp với lực lượng Công an trong việc phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi nêu trên?

TS.Phạm Lương Sơn: Chúng ta đã và đang tiến tới nền hành chính thực hiện theo thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Khi thực hiện 3 điều luật mới này được nêu trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, việc tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT. BHTN của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động cũng sẽ cao hơn. 

Về phía người lao động, họ cũng sẽ phải cố gắng tuân thủ pháp luật, tạo mối quan hệ hài hòa, tiến bộ; doanh nghiệp cũng sẽ phải tăng cường đối thoại với tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. 

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH đang ngày càng phức tạp, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ngành BHXH Việt Nam sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; nếu phát hiện vi phạm trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT, cơ quan BHXH sẽ xử phạt hành chính, nếu đơn vị sử dụng lao động nào vẫn cố tình chây ì, cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang phía cơ quan điều tra để xử lý hình sự tội danh này.

Về công tác phối hợp với lực lượng CAND, BHXH Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp từ năm 2012, đến nay đã sơ kết kết quả quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát. 

Tháng 8-2017, Tổng cục Cảnh sát và BHXH Việt Nam đã tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 5 năm (2017-2022). Quy chế đã được điều chỉnh kịp thời theo những thay đổi của pháp luật nói chung và pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng. 

Từ đó, hai ngành có phương án phối hợp chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; kịp thời xử lý nghiêm minh những vi phạm trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm; bảo đảm tính hiệu quả, nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước; góp phần thiết thực đảm bảo hướng tới hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, và BHXH cho người lao động..., góp phần đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Hiện, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố làm việc với Công an các đơn  vị, địa phương để phối hợp, có kế hoạch cụ thể trong phòng, chống tội phạm về BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với tình hình thực tế.

PV: Trân trọng cảm ơn TS.Phạm Lương Sơn!

Hiếu Quỳnh (thực hiện)
.
.
.