Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
- Công an tỉnh Hà Nam tuyên truyền Luật cư trú, Luật căn cước công dân
- Tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cư trú
- Một số điểm mới trong Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú
Lược bỏ quy định về đăng ký thường trú bằng hình thức cấp sổ hộ khẩu
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) là đã chỉnh lý, lược bỏ quy định về đăng ký thường trú bằng hình thức cấp sổ hộ khẩu theo định hướng của Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Theo đó, dự thảo Luật quy định trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa điểm thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời cho người đăng ký bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cấp giấy xác nhận về nơi đăng ký thường trú cho công dân khi có yêu cầu.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã chỉnh lý, lược bỏ quy định về đăng ký thường trú bằng hình thức cấp sổ hộ khẩu. |
Về xóa đăng ký thường trú, dự thảo Luật quy định các trường hợp xóa đăng ký cụ thể bao gồm: 1. Chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết. 2. Ra nước ngoài để định cư theo khai báo của công dân hoặc công dân có thời gian xuất cảnh ra nước ngoài từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo cho cơ quan quản lý cư trú nơi đăng ký thường trú. 3. Đã có quyết định hủy đăng ký thường trú. 4. Vắng mặt tại nơi đăng ký thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo cho cơ quan quản lý cư trú nơi đăng ký thường trú. 5. Trường hợp được cho thôi, bị tước, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam…
Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung theo hướng thay thế quy định về quản lý, đăng ký tạm trú bằng hình thức sổ tạm trú bằng việc cập nhật thông tin về nơi đăng ký tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp giấy thông báo xác nhận về nơi đăng ký tạm trú cho công dân khi có yêu cầu.
Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ 6 tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã giải quyết đăng ký tạm trú phải cập nhật việc xóa đăng ký tạm trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về lưu trú, thông báo lưu trú và khai báo tạm vắng, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định hợp lý của luật hiện hành liên quan đến lưu trú và thông báo lưu trú. Đối với việc khai báo tạm vắng, dự thảo Luật đã chỉnh lý, quy định rõ các trường hợp cần khai báo tạm vắng bao gồm: 1. Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người được tha thù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ 1 ngày trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.
2. Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 03 tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng. 3. Công dân đi địa bàn xã thuộc huyện hoặc quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố nơi cư trú từ trên 12 tháng thì phải khai báo tạm vắng.
Trách nhiệm của Bộ Công an
Về công tác quản lý nhà nước về cư trú, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã cập nhật, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong công tác đăng ký, quản lý cư trú gắn với việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể Bộ Công an có trách nhiệm như sau:1. Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về cư trú. 2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú. Cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 3. Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về quản lý cư trú trái với quy định của Luật này. 4. Ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về cư trú. 5. Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý cư trú. 6. Thống kê nhà nước về cư trú, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý cư trú, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về cư trú. 7. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú. 8. Hợp tác quốc tế về quản lý cư trú.
Luật Cư trú năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 (sau đây gọi chung là Luật Cư trú) được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo bước tiến mới trong việc từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ…
Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết. Toàn văn dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định Cơ sở dữ liệu về cư trú là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Cơ sở dữ liệu về cư trú do Bộ Công an quản lý, là một bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được xây dựng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú. Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Mọi sự truy nhập đến cơ sở dữ liệu về cư trú để thay đổi thông tin về cư trú của công dân phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan quản lý cư trú. Việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sao chép, in trái phép thông tin, tài liệu từ cơ sở dữ liệu về cư trú. |