Thiếu hụt lao động tại nhiều địa phương

Chủ Nhật, 06/03/2022, 08:26

Năm 2022, nhiều dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), nhiều địa phương đang cần một số lượng lớn lao động như: Bình Dương (khoảng 90.000 lao động), Long An (khoảng 51.000 lao động), Hải Phòng (trên 50.000 lao động)…

Trong khi đó, ở nhiều địa phương rất đông công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch COVID-19) đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trước tình hình trên, ngày 4/3, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức họp với một số LĐLĐ tỉnh, công đoàn ngành để nắm bắt tình hình và đề xuất các giải pháp khắc phục

Nhu cầu tuyển lao động tăng mạnh

Theo nhận định của LĐLĐ TP Hà Nội, bước vào năm 2022, vừa thích ứng linh hoạt chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế nên nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình kỹ thuật dân dụng, xây dựng nhà xưởng chế biến chế tạo tại các khu công nghiệp có xu hướng tăng. Một số ngành, nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng như: Công nghệ thông tin, xây lắp, bảo vệ, dệt may, giày da; dịch vụ du lịch, ăn uống; kỹ thuật điện, điện tử…

Thiếu hụt lao động tại nhiều địa phương -0
Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Trong khi đó, hiện nay tình hình diễn biến dịch COVID-19 khá phức tạp nên số công nhân lao động nhiễm bệnh trở thành F0, F1 tăng cao đột biến (khoảng gần 20% tổng số lao động) nên các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch bố trí sắp xếp nhân sự trong sản xuất do thiếu lao động, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 “Qua thống kê của các cấp công đoàn cho thấy, dự kiến nhu cầu nhân lực thời gian tới ở TP Hà Nội cần khoảng 26.000 lao động (trong đó ngành da giày là 5.000 lao động, dệt may là 7.000 lao động, lắp ráp linh kiện điện tử là 7.000 lao động, cơ khí - tự động hóa 4.000 lao động, dịch vụ là 3.000 lao động)”, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết.

Còn theo thống kê của hệ thống dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, dự kiến nhu cầu lao động sau Tết cần thêm khoảng 30.000 người. Một số ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như công nghệ thông tin, kinh doanh thương mại, dệt may, da giày, thủy sản… Mức lương từ 6 triệu đồng trở lên đối với lao động không chuyên môn, trình độ; mức lương từ 8 đến trên 10 triệu đồng đối với lao động có tay nghề. Bên cạnh đó, người lao động cũng được hưởng thêm phụ cấp làm thêm giờ, cơm trưa, doanh thu theo sản phẩm…

“Đó là nhu cầu lao động sau Tết, còn báo cáo của Ban quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh và số liệu mới nhất từ các doanh nghiệp trong KCN, KCX đăng ký nhu cầu tuyển dụng cho cả năm 2022 là 51.000 lao động. Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông khoảng 35.000 người, lao động có tay nghề - trung cấp nghề khoảng 12.300 người và lao động có trình độ từ đại học trở lên khoảng 3.400 người. Về phân chia theo ngành nghề, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao như may mặc (khoảng 18.500 lao động), giày da (8.500 lao động), cơ khí (4.000 lao động), điện – điện tử (2.600 lao động), chế biến (3.000 lao động) và những ngành còn lại khoảng 8.000 lao động”, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TP Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung cho hay.

Cần chính sách căn cơ để thu hút lao động

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động tại nhiều địa phương hiện nay, ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) cho rằng, hiện tại ở nhiều địa phương, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch COVID-19) khá cao như: Hải Phòng (trên 42.000 người), Bắc Giang (22.000 người)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Tuy vậy, qua tổng hợp từ các cấp công đoàn, lý do chính là sau Tết, một bộ phận người lao động về quê (chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và miền Trung) chưa trở lại các khu vực trọng điểm phía Nam để làm việc, hoặc đã tìm được việc làm mới ở quê nhà, muốn gần gũi với gia đình nên không quay trở lại nữa.

“Cùng với đó, còn là do người lao động e ngại lây nhiễm COVID-19 mà chưa quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, có một vấn đề mà chúng ta phải lưu ý đó là việc giá cả thị trường tăng, mức lương không đủ trang trải cuộc sống nên một số lượng lớn công nhân phải chuyển sang địa bàn có mức lương cao hơn, hoặc chuyển việc khác, dẫn đến mất cân bằng về lao động”, ông Quang cho biết.

Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TP Hồ Chí Minh Đoàn Trần Trung cũng cho rằng, một lượng lớn người lao động đã rời khỏi các trung tâm công nghiệp lớn là do sức ép về chi phí sinh hoạt, cũng như nhằm tránh các khu vực có đông dân cư nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, gây thiếu hụt nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp khi từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Mức thu nhập của công nhân so với mức sống ở trung tâm thành phố thì không đủ sống do nhiều chi phí cao (nhà trọ, ăn, sinh hoạt…). Thực tế, các ngành nghề trong khu công nghiệp đa phần là gia công nên người công nhân cũng làm công việc chế biến gia công (trả theo mức lương của công việc) nên thu nhập không tăng. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vừa qua với việc đóng cửa cách ly, phong tỏa trên 4 tháng nên không ít công nhân bị ảnh hưởng tâm lý và họ trở về quê luôn”, ông Trung nói.

Do đó, để thu hút được người lao động, ông Trung đề xuất cần sớm có chính sách tăng lương tối thiểu vùng bởi không ít doanh nghiệp đã viện lý do này mà không tăng lương đã phần nào ảnh nhiều mức sống của công nhân. Cùng với đó cần có những chế tài kiên quyết xử lý những công ty nợ bảo hiểm xã hội, bỏ trốn, nợ lương, tăng ca quá mức dẫn đến công nhân bị thiệt thòi. Đồng thời phải đẩy mạnh sự liên kết vùng, ngành nghề… một cách chuyên nghiệp để giới thiệu, tuyển dụng cho công nhân đi làm.

Tổng LĐLĐVN cho biết, phía Tổng LĐLĐVN sẽ đẩy mạnh xúc tiến kịp thời các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, như nhà ở, nhà trẻ, các công trình sinh hoạt cộng động cho công nhân lao động. Cùng với đó, tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tăng cường giám sát việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, đảm bảo người lao động được thực hiện thực chất quyền dân chủ tại nơi làm việc.

“Tổng LĐLĐVN cũng sẽ đề xuất Chính phủ cần xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và các khoản phúc lợi, quan tâm, cải thiện thu nhập để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐVN cũng sẽ kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nữa như kiểm soát giá cả không để ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân; các vấn đề về nhà ở cho công nhân để thu hút người lao động làm việc lâu dài tại các vùng kinh tế trọng điểm; các vấn đề liên quan đến đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động…”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.