Yêu cầu loại bỏ những quy định chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành
- Doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng vì thủ tục kiểm tra chuyên ngành
- Kiểm tra chuyên ngành vẫn là trở ngại lớn trong việc rút ngắn thời gian thông quan
- Kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp
Trong 6 tháng cuối năm 2017, việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) vào kiểm tra chuyên ngành đã có một số kết quả tích cực. Tính chi phí thông quan trực tiếp cho 1 lô hàng giảm 19 USD cho cả xuất và nhập khẩu.
Tính tới 15-12-2017 thì ước tính doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiết kiệm 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai thủ tục thông quan; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ lưu kho bãi hàng nhập khẩu.
Số lượng lô hàng kiểm tra chuyên ngành, đến nay vẫn kiểm tra khoảng 30-35% (ảnh minh hoạ). |
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, hiện đang có tình trạng 50% danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy chuẩn, tiêu chuẩn. Việc này gây khó khăn cho DN và kéo dài thời gian thông quan, đơn cử như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT.
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, cơ quan này chỉ đưa vào danh mục kiểm tra chuyên ngành nếu có tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hiện Bộ đang áp dụng quản lý rủi ro trong thông quan hàng hoá, với DN nhập khẩu liên tục 3 lần/năm không có vi phạm gì thì chuyển sang kiểm tra hồ sơ, không lấy mẫu và kiểm tra hàng tại kho. Nếu nghi ngờ mới kiểm tra thử nghiệm. Thời gian tới sẽ hoàn thiện các nghị định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá trong lĩnh vực y tế, dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giảm được 95% số thủ tục.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đã rất nỗ lực trong cải cách thủ tục về cơ chế một cửa. Theo ông Trần Quốc Khánh, kiểm tra chuyên ngành không phải là lí do kéo dài thời gian thông quan, rất hiếm áp dụng cho xuất khẩu, nên thông tin Tổng cục Hải quan đưa ra chưa xác đáng.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tái khẳng định nhận định của mình và cho biết trong năm 2017, Tổng cục đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ việc này và Chính phủ đã yêu cầu các bộ, trong đó có Bộ Công Thương báo cáo, nhưng đến nay vẫn không thấy có thông tin. Theo ông Cẩn, việc cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành không phải là cắt cơ học, mà tiêu chuẩn, quy chuẩn đưa ra phải hợp quy. “Khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa hợp quy thì không nên đưa vào danh mục”.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, như vậy ước tính NSW chỉ tạo thuận lợi được 7-8% số DN khảo sát, còn “hành” tới 25% số DN. Mức độ văn bản quá nhiều, phức tạp chiếm tới 80-90%. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, số lượng lô hàng kiểm tra chuyên ngành, đến nay vẫn kiểm tra khoảng 30-35%, trong khi mục tiêu kéo xuống còn 15%. Trong 12 Bộ thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa thì thủ tục ở Bộ Công Thương, NN&PTNT và Y tế là nhiều nhất, chậm nhất và các DN cũng “kêu ca” ở 3 Bộ này nhiều nhất.
Theo Phó Thủ tướng, các hạn chế đã và đang gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thêm gánh nặng về chi phí, giảm lợi nhuận của DN. Một số trường hợp thậm chí còn làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Các bộ chỉ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn việc kiểm tra thì cho các thành phần kinh tế làm hoặc theo hình thức PPP, các Bộ không thể cứ “níu giữ” lợi ích của mình.
Phó Thủ tướng yêu cầu, năm 2018 phải chấm dứt việc có kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định để kiểm tra, chấm dứt việc một mặt hàng phải chịu sự quản lý và kiểm tra của nhiều bộ ngành khác nhau. 12 bộ phải có sự rà soát cụ thể và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành trong Bộ mình, ngành mình quản lý và báo cáo chậm nhất là trong quý II/2018.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động quản lý/kiểm tra chuyên ngành. Trong năm 2018, các bộ phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới theo đăng ký tại Kế hoạch tổng thể triển khai NSW và ASW giai đoạn 2016-2020; tiếp tục rà soát và bổ sung các thủ tục mới vào kế hoạch chung; chính thức kết nối ASW.